Khi chồng mạo hiểm đầu tư

Lam Chi| 24/11/2022 17:26

Đàn ông vẫn thường mang tính liều lĩnh trong đầu tư hơn phụ nữ. Tuy nhiên, sự quyết đoán và mạo hiểm không phải lúc nào cũng mang lại thành công, nhất là trong bối cảnh kinh tế đang đối diện với nhiều biến động khó khăn như hiện nay.

Lao đao vì hai chữ “đầu tư”

Như nhiều nhà đầu tư muốn tìm kiếm cơ hội để tối đa hóa lợi nhuận trong thời gian nhanh nhất có thể, anh Khánh Hoàng cũng muốn chốt lời nhanh chóng, đem tiền ra đầu tư thay vì gửi tiết kiệm an toàn như vợ mong muốn. Toàn bộ số tiền tiết kiệm của 2 vợ chồng gần 3 tỷ được anh bàn với vợ đem ra đầu tư nhiều mảng khác nhau.

how-to-deal-with-financial-stress-in-marriage-390x250.jpg
Không ít ông chồng đem tiền đi đầu tư khiến các bà vợ phải đau đầu.

Thời điểm mọi người đổ xô đầu tư tiền ảo, anh đầu tư dàn máy “hoành tráng” dành hẳn một phòng trong nhà chỉ để chạy “trâu cày”. Điện và quạt gió bật cả ngày lẫn đêm. Chị Thu, vợ anh khi có khách đến thăm nhà chỉ biết than thở: “Mỗi tháng trả gần 9 triệu tiền điện chỉ để chạy mấy cái máy móc này của ổng”. Trấn an vợ, anh Hoàng cười xòa: “giờ đầu tư, tới lúc hốt tiền lại chết ngất vì sướng thì đừng kêu nhá!”. Chẳng biết có đợi được đến lúc hốt tiền hay không, chỉ biết thời điểm năm nay, tiền ảo lao đao, gia đình anh chị cũng “chết lên chết xuống” mắc kẹt với dàn máy. Chị Thu vợ anh được dịp cạnh khóe chồng suốt ngày. Chị chỉ muốn tống cái dàn máy ra khỏi nhà vì càng nhìn càng chướng mắt. Thế nhưng, điều làm chị ngậm đắng nuốt cay bực mình hơn nữa lại là những sai lầm khác của anh bởi không chỉ tiền ảo, anh còn rót gần hết tiền tiết kiệm của chị vào cả chứng khoán và trái phiếu. Chứng khoán hiện đang xuống không phanh, trái phiếu thì những ngày qua như nhiều người khác đang ngồi đống lửa,

Anh Hoàng chỉ biết thở dài mặc vợ nói gì thì nói. Đó là anh chị còn may mắn vì không phải vay nợ ngân hàng để đầu tư mà chỉ sử dụng tiền mình có, giảm được áp lực vay hàng tháng. Ngoài kia, bao nhiêu doanh nghiệp đóng cửa, bao doanh nhân bạn anh Hoàng ngập trong nợ nần, phá sản, kinh tế lao đao. Anh chỉ biết nói với vợ: “Tiền mất còn làm lại được. Ngoài kia bao người đầu tư thua lỗ, nợ nần còn phải nhảy cầu kìa! Bà nói nữa tôi cho bà ở góa!”. Vợ anh tiếc tiền xót của nhưng sợ mất chồng hơn, nghe anh dọa xanh mặt nên chỉ biết nước mắt ngắn dài.

_123722807_gettyimages-1177331080.jpg
Đây là giai đoạn khó khăn cho những ai đam mê mạo hiểm đầu tư.

Cũng như anh Hoàng, nhiều nhà đầu tư – từ nhà đầu tư lớn đến những nhà đầu tư nhỏ lẻ đang lao đao vì những biến chuyển không ngờ trong kinh tế. Hai chữ “đầu tư” đang thành nỗi ám ảnh của không chỉ các ông chồng mà càng khiến các bà vợ thêm mệt mỏi.

Rủi ro và những lưu ý khi đầu tư

Phụ nữ vốn tính cẩn trọng, ít mạo hiểm hơn so với nam giới. Tuy nhiên, những lo lắng của họ không phải không có cơ sở. Trước khi thực hiện bất kỳ quyết định đầu tư nào, lời khuyên được đưa ra là cần xem xét các yếu tố kỹ lưỡng để tránh tiền mất, hạnh phúc gia đình lục đục như vợ chồng anh Hoàng chị Thu.

Trước khi đầu tư, lời khuyên tài chính được đưa ra là người đầu tư nên xác định rõ những câu hỏi cho mình:

- Mục đích đầu tư: Một cá nhân có nhiều mục tiêu khác nhau trong cuộc sống và được phân loại theo tính chất - mục tiêu khi nghỉ hưu, cho con cái học hành, để lại tài sản thừa kế và các mục tiêu cá nhân như tiền gửi tiết kiệm để mua sắm những tài sản giá trị lớn: mua nhà, xe hơi hoặc sửa sang nhà cửa. Một cách khác để phân loại các mục tiêu tài chính là theo khung thời gian: ngắn hạn (dưới 1 năm), trung hạn (3-5 năm) và dài hạn (5 năm trở lên).

- Khả năng rủi ro: Mức độ rủi ro của chiến lược đầu tư đó? Khả năng chịu rủi ro của gia đình khi đầu tư? Hầu hết mọi người thường có các quyết định đầu tư thông qua lời khuyên từ bạn bè hoặc người thân mà không chú ý đến những khả năng chịu rủi ro.

- Xử lý rủi ro: Để xác định khả năng chống lại rủi ro, bạn có thể tự hỏi mình:

Tôi có thể giữ khoản đầu tư này trong bao lâu? Thời hạn nắm giữ các khoản đầu tư càng lâu thì càng có cơ hội vượt qua các biến động thị trường, và như vậy tăng khả năng mạo hiểm trong đầu tư của mình. Giữa việc tăng gấp đôi lợi nhuận hay bảo toàn vốn - mục tiêu nào là quan trọng hơn? Khi bán đi khoản đầu tư của mình, nếu giá trị tài sản bán được thấp hơn mức giá mua ban đầu; tỷ lệ đó sẽ là 0%, 10%, 20% hay 50%?

102404946-124206938.jpg
Bình tĩnh cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn và tìm cách xử lý rủi ro do đầu tư mang lại.

- Tính thanh khoản của tài sản: Tính thanh khoản quyết định việc bạn có thể dễ dàng thoái vốn từ khoản đầu tư hay không, hay có thể bán nó đi khi cần. Ví dụ đối với bất động sản, đây có thể là công cụ chống lại lạm phát rất tốt trong trung đến dài hạn, tuy nhiên loại tài sản đầu tư truyền thống này lại có tính thanh khoản không cao, thời gian để bán được một bất động sản với giá hợp lý sẽ thường là từ 3 đến 6 tháng. Như vậy, các nhà đầu tư cá nhân nên có một khoản quỹ đề phòng trong trường hợp khẩn cấp với giá trị ít nhất là chi phí sinh hoạt trong vòng 6 tháng để cho phép mình vượt qua khoảng thời gian khó khăn về tài chính.

Xác định rõ những câu hỏi trên trước khi đầu tư, không chạy theo số đông sẽ giúp bạn có lập trường đầu tư vững vàng. Lời khuyên cũng được đưa ra rằng trong tình huống khó khăn, vợ chồng nên cùng nhau tìm cách xử lý rủi ro nếu đầu tư không như ý. Hãy rút ra những sai lầm và động viên nhau thay vì khiến người kia gục ngã, các bà vợ nhé!

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Khi chồng mạo hiểm đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO