Thu nhập 40 triệu/tháng cũng không mua được nhà
Cách đây 8 năm, vợ chồng chị Trần Ngọc Minh, 38 tuổi (quê Việt Trì, Phú Thọ) từng có căn chung cư giá rẻ rộng 60m2 (tọa lạc tại một quận Hà Nội). Ở được hơn 1 năm, anh chị quyết định bán lấy tiền đầu tư chứng khoán và các lĩnh vực khác với kỳ vọng kiếm thêm để mua căn hộ rộng hơn, cao cấp hơn.
Tuy nhiên, sau thời gian đầu tư thua lỗ, tiền mất, nhà cũng không có. Hiện, chị Minh đang làm trong một ngân hàng lớn, với mức lương khoảng 20 triệu đồng/tháng, thu nhập của chồng cũng tương tự. Tổng thu nhập mỗi tháng của 2 vợ chồng khoảng 40 triệu đồng.
“Mỗi lần về quê, khi nghe đến mức lương này, gia đình, họ hàng “ồ”, “oà” ngưỡng mộ vợ chồng tôi thu nhập cao. Nhưng họ đâu biết, chúng tôi sống khổ hơn cả những người có mức lương 4 triệu đồng ở quê”, chị Minh nói.
Chị Trần Ngọc Minh trong căn nhà thuê của mình. Ảnh: Lưu Trinh |
Chị kể, vì muốn con được học trường công tốt nên 2 vợ chồng quyết định thuê nhà ở gần khu Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội) nhưng giá nhà ở đây rất đắt. Ở trọ 7 năm ở đây, vợ chồng chị đã 6 lần chuyển nhà, khi thì chủ nhà tăng giá cao quá không chịu được, lúc họ lấy nhà bán. Hiện, vợ chồng chị và 2 con trai đang ở trọ trong căn hộ tập thể 34m2, giá 6 triệu đồng/tháng.
“Tiền thuê nhà, tiền học cho 2 đứa con, chi phí sinh hoạt gia đình, đối nội, đối ngoại tiêu tốn rất nhiều. Khoản tiết kiệm không được là bao, còn xa mới mua được nhà trong bối cảnh hiện nay”, chị Minh thú nhận.
Như vậy sau 20 năm rời quê ra Hà Nội học tập, làm việc, chị Minh vẫn điệp khúc thuê nhà và tình trạng này chưa biết đến khi nào có hồi kết khi giá nhà vẫn cao ngất ngưởng.
Anh Lê Văn Lam, 37 tuổi, hiện đang là trưởng phòng của một Cty thang máy, có mức thu nhập 27 triệu đồng/tháng. Vợ anh làm nhân viên hành chính, lương 8 triệu đồng. Năm 2015, anh mua được căn hộ 2 phòng ngủ ở khu HH Linh Đàm, Hoàng Liệt, Hoàng Mai (Hà Nội).
Ở được 5 năm, anh đón mẹ từ quê Hà Nam ra Hà Nội ở cùng để tiện chăm sóc. Nhà 2 phòng ngủ, 5 người ở, lại chăm người già ốm yếu nên sinh hoạt bất tiện. Anh Lam muốn đổi lên căn hộ 3 phòng ngủ.
Năm 2021, anh bán căn hộ khu HH với giá 1 tỷ 150 triệu đồng, chuyển xuống khu La Khê, Hà Đông thuê căn hộ 3 phòng ngủ giá 7 triệu đồng/tháng. Ở được hơn 1 năm, giá chung cư bắt đầu tăng. Chủ nhà lúc đó mời chào bán căn hộ đang cho thuê với giá 2,3 tỷ đồng.
“Lúc đó, 2 vợ chồng tính nếu mua căn hộ này phải vay hơn 1 tỷ nữa. Khoản vay quá lớn, mà đang lúc cha già, mẹ yếu, con học hành ngày càng tốn kém, sợ không đủ sức chi trả. Tính thế nên 2 vợ chồng tạm hoãn mua nhà, chờ thời gian tích luỹ thêm rồi tìm căn giá hợp lý. Nhưng đúng là “người tính không bằng trời tính”, giá nhà cứ tăng không có điểm dừng. Chủ nhà cũng đổi ý, chưa bán để nghe ngóng thêm thông tin từ thị trường. Chúng tôi dần vuột mất cơ hội sở hữu căn nhà mơ ước”, anh Lam nói.
Giữa năm 2024, gia đình anh phải chuyển thuê trọ ở chỗ khác vì chủ nhà bán căn hộ đó với giá 4,1 tỷ đồng. “Khi nghe tin chủ nhà bán với giá đó, tôi thực sự sốc, không nghĩ giá nhà có thể tăng cao đến vậy. Để không gây không khí căng thẳng trong gia đình, 2 vợ chồng tôi thống nhất, thời gian này cứ thuê nhà đã, chuyện mua không bàn đến”, anh Lam nói.
Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) vừa công bố báo cáo nghiên cứu thị trường tuần 1 của tháng 12/2024 và đưa ra nhận định, với giá nhà đất neo cao như hiện nay thì nhóm người lao động có thu nhập cao từ 13 - 18 triệu đồng/tháng tại các đô thị: Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, Bình Dương rất khó mua được nhà. Điều này đồng nghĩa với việc các nhóm thu nhập thấp hơn gần như không có cơ hội.
“Thắt lưng buộc bụng”
Giá nhà tăng cao, dự án chậm tiến độ khiến nhiều gia đình rơi vào cảnh dở khóc, dở cười. Cách đây gần 5 năm, chị Hoàng Thị Thu, 32 tuổi (quê Tiền Hải, Thái Bình) mua căn hộ diện tích hơn 76m2, giá gần 3,5 tỷ đồng, tại một dự án chung cư cao cấp ở quận Thanh Xuân. Hiện, chị đã đóng 70% giá trị căn hộ, nhưng chủ đầu tư chậm tiến độ nhiều lần đến bây giờ vẫn chưa bàn giao khiến gia đình lo lắng.
Hiện, chị đang thuê nhà ở khu vực quận Cầu Giấy có giá 13 triệu đồng/tháng. “Dù có nhiều người hỏi mua lại căn chung cư chậm tiến độ của tôi giá chênh khá cao, nhưng vợ chồng tôi không bán. Bán trong thời điểm này, cầm chừng đó số tiền cũng không thể nào mua được căn nhà như ý”, chị Thu nói.
Nhà bàn giao chậm tiến độ, trong khi giá nhà cho thuê cứ tăng đều đều khiến chị Thu phải thực hiện chính sách tiết kiệm “thắt lưng buộc bụng”. Các khoản học thêm của con như đàn, vẽ, tiếng Anh ở trung tâm đều cắt hết. Các khoản vui chơi, giải trí, cà phê cuối tuần cũng cắt giảm.
Về ăn uống, sáng nấu đồ ăn sáng ở nhà, trưa mang cơm đi. Cuối tuần chị ra chợ đầu mối mua cho rẻ rồi về sơ chế để vào tủ lạnh dùng cả tuần. “Nhiều lúc quay cuồng với các khoản chi tiêu, tiền thuê nhà khiến tôi căng thẳng, áp lực và bất an không biết đến bao giờ mình mới có được căn nhà để yên tâm làm ăn”, chị Thu nói.