Hơn 10 quan chức Trung Quốc bị kỷ luật sau vụ người vợ 'bị nhốt trong lồng sắt'

07/04/2022 17:56

Cơ quan điều tra quyết định kỷ luật 13 quan chức Trung Quốc sau vụ việc người phụ nữ bị chính chồng mình 'nhốt trong lồng sắt' gây rúng động dư luận.

Người phụ nữ được cho bị “bắt nhốt trong một chiếc lồng sắt” ở tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc được xác định là nạn nhân của bọn buôn người. Nạn nhân còn mắc chứng tâm thần phân liệt. Đây là kết quả sau quá trình điều tra được chính quyền địa phương công bố hôm 6/4.

Tuy nhiên, lực lượng chức năng xác định người phụ nữ này không có dấu hiệu bị bạo hành. “Chiếc lồng sắt” trong bức ảnh người phụ nữ bị giam giữ và lan truyền trên mạng xã hội thực tế là thùng của chiếc xe ba bánh vốn được dùng để đưa đón trẻ em tới trường học.

Hơn 10 quan chức Trung Quốc bị kỷ luật sau vụ người vợ 'bị nhốt trong lồng sắt'
Hơn 10 quan chức Trung Quốc bị kỷ luật sau vụ việc người phụ nữ "bị nhốt trong lồng sắt". (Ảnh minh họa0

Trong quá trình điều tra, lực lượng chức năng xác định tổng cộng 13 quan chức địa phương bị kỷ luật vì vi phạm các quy định và bộ luật liên quan tới vụ việc người phụ nữ bị giam cầm. Sự việc đã phơi bày những lỗ hổng trong công tác quản lý yếu kém của chính quyền khu vực đối với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương.

Nạn nhân trong sự việc là người phụ nữ mang họ Tao hay còn được gọi với cái tên “Xiaoyu” trên mạng xã hội. Người này sống với người đàn ông họ Li (48 tuổi). Ông Li thường chia sẻ hình ảnh về cuộc sống cá nhân với cô Tao trên nền tảng chia sẻ video Kuaishou.

Dưới sự phối hợp điều tra của cảnh sát khu vực, cơ quan dân chính và cơ quan y tế, danh tính của cô Tao đã được người thân xác nhận. Nhân viên điều tra cũng đã lấy mẫu ADN để so sánh giữa cô Tao và bố đẻ của cô này.

Theo đó, cô Tao sinh năm 1983 tại huyện Phật Bình thuộc tỉnh Thiểm Tây. Vào năm 2002, cô Tao bắt đầu có biểu hiện mắc bệnh tâm thần và có những lời nói khó hiểu. Cùng năm, cô được gia đình đưa vào bệnh viện tâm thần để chữa trị và phải uống thuốc suốt thời gian dài để kiểm soát tình hình bệnh tật.

Vào tháng 8/2010, cô Tao đã 2 lần mất tích. Một tháng sau, cô Tao bị một người phụ nữ họ Wu bắt gặp trên đường. Em gái của bà Wu đã liên lạc với gia đình ông Li. Bà này đề nghị gia đình ông Li trả khoản tiền 10.000 nhân dân tệ (1.570 USD) để lấy cô Tao về làm vợ. Gia đình Li đã đồng thuận. Sau đó, cô Tao được đưa tới nhà Li và sinh sống tới bây giờ.

Bà Wu và người em gái đã bị cảnh sát bắt giam trước cáo buộc buôn bán người vào ngày 10/3. Tuy nhiên, cáo buộc mua phụ nữ bị bắt cóc đối với ông Li đã bị hủy bỏ.

Về cáo buộc “bạo hành” đối với ông Li, cảnh sát cũng đã tìm hiểu và thẩm vấn những người dân làng. Những người dân làng khẳng định cô Tao không thể tự chăm sóc bản thân do bị bệnh tâm thần. Chính ông Li là người chăm sóc cho vợ và hàng xóm cũng chưa bao giờ nhìn thấy người đàn ông này đánh đập bạn đời.

Quá trình thăm khám tại 2 bệnh viện và qua một nhóm chuyên gia trong tháng Ba cũng xác định không có vết sẹo hay vết bầm tím trên da cô Tao. Những dấu hiệu của vết thương cũ hay gãy xương cũng không tìm thấy.

Cô Tao đã hạ sinh con trai đầu lòng vào năm 2012 và tới năm 2014 sinh thêm một con gái. Tuy nhiên, con gái đã được trao cho gia đình khác làm con nuôi do cô Tao không có khả năng chăm con.

Trong suốt quá trình diễn ra cuộc điều tra, cô Tao đã được đưa tới một bệnh viện ở thành phố Thượng Hải để kiểm tra bệnh tình. Các bác sĩ đưa ra kết luận cô này bị bệnh tâm thần phân liệt.

Cô Tao hiện được điều trị tại một trung tâm thần kinh, trong khi một nhóm chuyên trách chịu trách nhiệm chăm sóc cho con trai của nữ bệnh nhân.

Trước đó, chính ông Li là người livestream khoe "cầm tù" vợ để tránh vợ lại bỏ trốn. Sự việc buộc cảnh sát Trung Quốc vào cuộc và bắt giữ ông Li để tiến hành điều tra sự việc. Ông Li cho hay người vợ không có bất cứ giấy tờ tùy thân nên không thể biết nguồn gốc ở đâu.

Ngay khi đoạn video livestream được lan truyền, cư dân mạng đã ngay lập tức liên tưởng tới vụ việc gây chấn động dư luận nước này hồi tháng Một về người phụ nữ bị chồng ngược đãi ở một ngôi làng của huyện Phong thuộc tỉnh Giang Tô.

Tài khoản mạng của ông Li có 78.000 người theo dõi và đã tạm dừng hoạt động vào ngày 1/3, đồng thời các đoạn video từng công bố cũng đã bị khóa.

Theo Bộ Công An Trung Quốc, vấn nạn buôn bán người ở Trung Quốc diễn ra nghiêm trọng nhất vào những năm 1990. Song cho tới nay, tình trạng này vẫn chưa hoàn toàn chấm dứt, buộc công tác ngăn chặn và xử phạt cần được đẩy mạnh.

Minh Thu (lược dịch)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hơn 10 quan chức Trung Quốc bị kỷ luật sau vụ người vợ 'bị nhốt trong lồng sắt'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO