Hôm nay, Night Wolf V.League 2022 khởi tranh: Vạch xuất phát không đủ

TAM NGUYÊN| 25/02/2022 08:15

Sau 9 tháng, người hâm mộ bóng đá Việt Nam mới sống lại không khí của các trận đấu tại V.League khi mùa giải 2022 khởi tranh vào chiều 25.2.

Bài học từ quyết định lịch sử

Một buổi chiều cuối tháng 9.2021, Ban chấp hành Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) ra nghị quyết về việc hủy các giải bóng đá chuyên nghiệp năm 2021. Trên thực tế, đó chỉ là dấu chiện đỏ để chính thức hóa đề xuất mà trước đó, Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và các câu lạc bộ đưa ra.

Và thực tế hơn nữa, các trận đấu ở V.League đã dừng lại từ đầu tháng 5.2021. Lý do thì ai cũng biết: COVID-19. Đương nhiên, khi đưa ra một quyết định mang tính lịch sử như vậy, khi mùa giải chưa đi hết nửa chặng đường, thiệt thòi nhất là đội dẫn đầu không được trao cúp vô địch, trong khi được lợi là các đội ở nhóm cuối bảng vì không có đội nào phải xuống hạng.

VPF cùng các câu lạc bộ đã thống nhất hủy mùa giải V.League 2021 với quá nhiều khó khăn do COVID-19. Ảnh: VPF
VPF cùng các câu lạc bộ đã thống nhất hủy mùa giải V.League 2021 với quá nhiều khó khăn do COVID-19. Ảnh: VPF

Kể từ đó, bóng đá trong nước là sân chơi của các đội tuyển quốc gia nam và nữ, cũng như các đội trẻ, tuy nhiên, VPF và các câu lạc bộ đã dành nhiều thời gian để xây dựng kế hoạch, phương án cho mùa giải 2022. Song song với ảnh hưởng của dịch COVID-19, chuyện xảy ra ở Than Quảng Ninh khiến cho V.League mất đi một câu lạc bộ ở mùa giải 2022, để rồi lại có đề xuất thêm phương án tổ chức.

Cuối cùng, tất cả thống nhất với nhau rằng, V.League 2022 sẽ trở lại với thể thức lượt đi, lượt về qua 26 vòng đấu, khởi tranh từ tháng 2. Hẳn nhiên, đã có nhiều bài học được rút ra sau quyết định hủy mùa giải 2021 một cách tiếc nuối. Bởi thực tế cho thấy, sau giai đoạn đặt mục tiêu “Zero COVID” chuyển sang “sống chung và thích nghi”, việc tiếp tục tổ chức hoàn toàn có thể thực hiện theo một quy trình riêng. Cách thức thực hiện của nhiều nước trên thế giới, thậm chí cả các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, là bài học để áp dụng.

Vạch xuất phát không đủ

Trong giai đoạn chuyển giao giữa năm 2021 và 2022, tình hình dịch bệnh phần nào có tín hiệu tích cực để ban tổ chức và các câu lạc bộ lạc quan hướng đến ngày khởi tranh mùa giải mới. Tuy nhiên, tình hình lại trở nên căng thẳng trong tháng 2, đặc biệt là trong tuần giải đấu chuẩn bị khai mạc.

Hoàng Anh Gia Lai không được trao chức vô địch mùa giải 2021, liệu họ có duy trì được phong độ ở mùa giải này? Ảnh: HAGL
Hoàng Anh Gia Lai không được trao chức vô địch mùa giải 2021, liệu họ có duy trì được phong độ ở mùa giải này? Ảnh: HAGL

Các câu lạc bộ, trong quá trình chuẩn bị, cũng đã có những trường hợp cầu thủ dương tính với COVID-19, khiến kế hoạch không được thực hiện trọn vẹn. Gần đây, nhiều đội bị “tấn công” hơn, trên diện rộng hơn, để dù VPF cho phép mỗi đội đăng ký 35 cầu thủ thì vòng đấu khai mạc vẫn không thể trọn vẹn. Trên vạch xuất phát không phải là sự hiện diện của mọi đội bóng.

Ngoài Câu lạc bộ thành phố Hồ Chí Minh không thi đấu ở vòng 1, trận đấu giữa Câu lạc bộ Hà Nội và Đông Á Thanh Hóa trên sân Hàng Đẫy đã nhận quyết định hoãn vì có quá nhiều ca nhiềm COVID-19 ở cả 2 đội. Trong khi đó, nhiều đội bóng khác cũng bị ảnh hưởng về nhân sự. Kể cả khi các cầu thủ từng nhiễm COVID-19 đã có thể trở lại thì trạng thái thể lực của họ cũng được cho là không ở điều kiện tốt nhất.

Cuộc đua vô địch rộng mở?

Bỏ qua vấn đề dịch bệnh và khó khăn trong chuẩn bị, tổ chức, nói về chuyên môn, mùa giải 2022 này được chờ đợi nhiều khi cuộc đua vô địch trở nên… khó đoán. Nói cụ thể hơn, số lượng đội có thể tham gia vào cuộc đua vô địch đã tăng lên so với một vài mùa giải gần đây.

Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) hẳn được chú ý nhất với dấu hỏi liệu huấn luyện viên Kiatisak có giúp đội bóng phố Núi duy trì được phong độ và lối chơi hấp dẫn như chặng đường của mùa 2021? Viettel là đội bám sát HAGL nhất trước khi mùa giải bị hủy, dù họ chia tay một số gương mặt quan trọng nhưng với nguồn cảm hứng Quả bóng vàng Hoàng Đức, đặt ra mục tiêu vào Top 3 có lẽ là hơi khiêm tốn.

Topenland Bình Định là câu lạc bộ đầu tư mạnh tay nhất và cũng đặt mục tiêu đạt thành tích cao. Ảnh: Topenland Bình Định
Topenland Bình Định là câu lạc bộ đầu tư mạnh tay nhất và cũng đặt mục tiêu đạt thành tích cao. Ảnh: Topenland Bình Định

Câu lạc bộ Hà Nội 2 mùa gần đây thể hiện không ổn định nhưng giới chuyên môn khó có thể loại họ khỏi danh sách ứng viên với dàn sao của đội tuyển quốc gia cũng như nhân tố ngoại chất lượng.

Mùa chuyển nhượng vừa qua chứng kiến “hiện tượng” Topenland Bình Định. Với hàng chục tỉ đồng bỏ ra chi phí lót tay và ký hợp đồng với Mạc Hồng Quân, Nghiêm Xuân Tú (Quảng Ninh), Đỗ Thanh Thịnh, Hà Đức Chinh, Huỳnh Công Đến, Rafaelson (Đà Nẵng), Lý Công Hoàng Anh (Hà Tĩnh), Trần Đình Trọng (Hà Nội), Adriano Schmidt, Jermie Lynch (Hải Phòng), giữ chân tuyển thủ Hồ Tấn Tài, đội bóng đất võ được ví như “PSG của Việt Nam”. Chưa thể đánh giá được sự kết nối của họ khi mùa giải chưa bắt đầu, nhưng chỉ với các ngôi sao, hẳn nhiên họ không chỉ đề ra mục tiêu trụ hạng.

Sông Lam Nghệ An đứng cuối bảng trước khi mùa giải 2021 bị hủy, đó cũng là điều may mắn để họ chào đón nhà tài trợ mới, mạnh tay đưa những người con xa xứ như Quế Ngọc Hải, Nguyễn Trọng Hoàng trở lại nhằm vực dậy đội bóng.

Cũng không thể không kể đến những tên tuổi đang làm mới mạnh mẽ, sẵn sàng trở thành kẻ ngáng đường như Hải Phòng, Becamex Bình Dương, Câu lạc bộ Sài Gòn, Câu lạc bộ thành phố Hồ Chí Minh…

Lịch thi đấu vòng 1 Night Wolf V.League 2022:

- Ngày 25.2

17h B.Bình Dương – SLNA

18h T.Bình Định – Viettel

18h Hồng Lĩnh Hà Tình – Hải Phòng

- Ngày 26.2

18h Nam Định – HAGL

19h15 Sài Gòn – SHB Đà Nẵng

* CLB thành phố Hồ Chí Minh nghỉ vòng 1, trận CLB Hà Nội - Đông Á Thanh Hóa hoãn.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hôm nay, Night Wolf V.League 2022 khởi tranh: Vạch xuất phát không đủ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO