Hội nghị Cấp cao ASEAN 38 và 39: Hợp tác, đối thoại chống lại các cuộc khủng hoảng trong tương lai

Quang Đào| 27/10/2021 08:00

Truyền thông quốc tế đánh giá, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 sẽ kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ hơn của các nước thành viên trong các vấn đề quan trọng như: phục hồi sau đại dịch, thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực.

Ngày 26-28/10, Hội nghị Cấp cao (HNCC) ASEAN lần thứ 38 và 39 và các Hội nghị cấp cao liên quan diễn ra theo hình thức trực tuyến, dưới sự chủ trì của nước giữ cương vị Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2021 - Brunei. Năm nay, chủ đề của ASEAN là “Chúng ta quan tâm, Chúng ta chuẩn bị, Chúng ta thịnh vượng”.

Hội nghị Cấp cao ASEAN 38 và 39: Hợp tác, đối thoại chống lại các cuộc khủng hoảng trong tương lai
Chủ đề của ASEAN năm nay là “Chúng ta quan tâm, Chúng ta chuẩn bị, Chúng ta thịnh vượng”.

Hợp tác để phục hồi hậu đại dịch

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh 2021 là một năm đầy thách thức trên nhiều phương diện, cả sự lây lan của đại dịch Covid-19, biến động địa chính trị lẫn tình hình khu vực. Do vậy, Tân Hoa xã nhận định, chương trình nghị sự của HNCC ASEAN tập trung vào nỗ lực chung để phục hồi thời hậu đại dịch Covid-19, trong bối cảnh các nước gần đây đã bắt đầu mở cửa lại biên giới và nỗ lực phát triển kinh tế.

Nước chủ nhà Brunei cũng đã vạch ra một số nhiệm vụ cho chương trình nghị sự, dựa trên 3 trụ cột của Cộng đồng ASEAN: cộng đồng chính trị-an ninh, cộng đồng kinh tế và cộng đồng văn hóa-xã hội, bao gồm cả việc tăng cường ứng phó của ASEAN đối với các trường hợp khẩn cấp và thảm họa, duy trì chủ nghĩa đa phương, mua sắm vaccine,...

Azmi Hassan, một nhà phân tích chính trị người Malaysia cho biết: “Chương trình nghị sự sẽ đề cao vấn đề về đại dịch Covid-19 và chúng ta sẽ thấy một sự thúc đẩy lớn đối với hợp tác kinh tế và tạo ra bong bóng du lịch trong ASEAN, khởi động dòng chảy hợp tác kinh doanh và quan trọng hơn là du lịch.”

Trong khi đó, Lee Pei May, chuyên gia chính trị tại Đại học Hồi giáo Quốc tế Malaysia, cho biết, lãnh đạo các quốc gia ASEAN cần giải quyết vấn đề tiến độ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 không đồng đều tại khu vực.

“Tiến độ không đồng đều này rất đáng lo ngại. Khi các quốc gia bắt đầu mở cửa biên giới cho kinh doanh và du lịch, các quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng thấp có thể không nhận được nhiều du khách hoặc có thể ghi nhận hàng loạt các ca nhiễm Covid-19 mới. Tình hình như vậy có thể khiến các nước có sự phục hồi kinh tế khác nhau, sinh ra tình trạng một số quốc gia bị bỏ lại phía sau”, bà Lee Pei May nói.

Đẩy mạnh quan hệ ASEAN và các đối tác

Bên lề các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39, ASEAN cũng sẽ tổ chức những cuộc họp với các đối tác đối thoại, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, Mỹ, Nga và New Zealand, cùng các nước khác. Các cuộc họp này sẽ cung cấp một nền tảng cho sự hợp tác lớn hơn nhằm mục tiêu phục hồi khu vực Đông Á nói chung, và khu vực Đông Nam Á nói riêng.

Tân Hoa xã dẫn lời bà Lee, khẳng định rằng ASEAN và các đối tác đối thoại không chỉ nên tập trung để đẩy mạnh phục hồi kinh tế, mà còn phải tính đến việc xây dựng một nền kinh tế bền vững và linh hoạt hơn, để có thể chống lại các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Trong khi đó, cả các thành viên ASEAN và các đối tác đều hy vọng Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), đã được ký kết vào tháng 11 năm ngoái, sẽ sớm có hiệu lực để thúc đẩy thương mại và đầu tư, giúp phục hồi kinh tế sau đại dịch trong khu vực.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 diễn ra theo hình thức trực tuyến từ ngày 26-28/10. (Nguồn: Borneo Bulletin)0.
Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 diễn ra theo hình thức trực tuyến từ ngày 26-28/10. (Nguồn: Borneo Bulletin)

Đảm bảo an ninh khu vực

Theo NHK, trong ngày đầu tiên, các nhà lãnh đạo ASEAN có thể thảo luận về cách giải quyết cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng tại Myanmar bằng các phương thức hòa bình, bao gồm việc cử một đặc phái viên đến hòa giải các cuộc đàm phán.

Về mặt địa chính trị, cạnh tranh giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, sâu rộng và dưới nhiều hình thái mới là nhân tố có thể tác động tới cân bằng chiến lược ở khu vực.

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng dự kiến sẽ kiểm tra tiến độ xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định tại khu vực.

Điểm đột phá lớn nhất trong đàm phán COC giữa ASEAN và Trung Quốc là hai bên thống nhất xây dựng COC phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982 như trong Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 23 do Việt Nam chủ trì vào năm 2020.

Nói cách khác, hai bên đã thống nhất được khuôn khổ pháp lý thuộc về COC. Tuy nhiên, phạm vi áp dụng của COC, lợi ích của các nước ngoài khu vực… đang là những khác biệt giữa Trung Quốc và ASEAN cũng như giữa các nước ASEAN có tranh chấp và không có tranh chấp ở Biển Đông.

Đối mặt với những thách thức trên, một lần nữa, ASEAN cần giữ vững lập trường nguyên tắc, duy trì vai trò trung tâm và độc lập của mình trong các vấn đề quốc tế và khu vực. Bởi thách thức lớn, nên vì thế cũng có nhiều kỳ vọng vào kết quả thực chất từ hội nghị lần này.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hội nghị Cấp cao ASEAN 38 và 39: Hợp tác, đối thoại chống lại các cuộc khủng hoảng trong tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO