Hàng loạt y tế tuyến cơ sở ở Quảng Ngãi “nợ như chúa chổm”

LÊ ĐỨC| 28/05/2022 16:46

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, bảo hiểm xã hội chưa chi trả các khoản bảo hiểm y tế và tỉnh Quảng Ngãi ban hành quyết định 449 tự chủ tài chính… đã khiến cho nhiều cơ sở y tế công lập tại tỉnh này rơi vào cảnh nợ nần, chậm hoặc chỉ trả lương cầm chừng cho nhân viên, nhà thầu không cung cấp thuốc do không có tiền.

Hàng loạt y tế tuyến cơ sở ở Quảng Ngãi “nợ như chúa chổm”
Hoạt động của các đơn vị y tế tuyến cơ sở tại Quảng Ngãi đang gặp nhiều khó khăn do không đảm bảo kinh phí hoạt động. Ảnh: L.Đ

Bệnh viện thiếu tiền mua thuốc

Đây là những tâm tư của đội ngũ y bác sĩ chia sẻ tại buổi đối thoại của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác trong ngành y tế diễn ra vào ngày 27.5.

Bác sĩ Đinh Thị Mai Hương - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ - đề cập đến sự thiếu hụt về nguồn nhân lực. Tất cả Trung tâm Y tế đang đứng trước nguy cơ thiếu bác sĩ bổ sung cho tuyến xã và bác sĩ chuyên khoa. Nhưng nỗi lo lớn nhất là trong vài ba năm tới các trạm y tế ở xã sẽ “lủng” bác sĩ, vì phần lớn các bác sĩ tuyến xã thì là liên thông và lớn tuổi, còn bác sĩ chính quy thì không có nhu cầu về xã.

“Các trường đại học không đào tạo bác sĩ liên thông, các trường còn đào tạo thì kinh phí quá lớn nên nhân lực ngành y tế không đủ tài chính để theo học. Về ngân sách thì thu không đủ chi nên không thể đưa đi đào tạo được. Đề nghị tỉnh có cơ chế hỗ trợ đào tạo bác sĩ liên thông và kịp thời bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong hệ thống y tế cơ sở” - BS Hương chia sẻ.

Bác sĩ Võ Thanh Tân - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Sơn Tịnh - cho biết, năm 2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành QĐ 449 về đề án tự chủ và đơn vị được giao tự chủ 100%. Trong khi y tế tuyến huyện là y tế cơ sở, đảm nhiệm các nhiệm vụ cộng đồng. Ngược lại, nếu ưu tiên trả tiền lương thì nợ tiền thuốc như chúa chổm, thậm chí không có thuốc để điều trị cho nhân dân do không có tiền thì nhà thầu không bán thuốc. Từ năm 2018 đến nay tỉnh không cấp kinh phí sửa chữa cơ sở y tế và mua sắm trang thiết bị. Thử hỏi trong bối cảnh như vậy làm sao các bệnh viện nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh. Thiết tha đề nghị tỉnh điều chỉnh quyết định 449 đối với tuyến y tế cơ sở, cụ thể là không tự chủ 100% mà phải có ngân sách hỗ trợ” - BS Tân giãi bày khó khăn của đơn vị.

Lãnh đạo “xin” nhân viên để trả lương cầm chừng

Khó khăn trong hoạt động của ngành y tế Quảng Ngãi đã bộc lộ khá nhiều yếu điểm dù tỉnh này đã có những quyết sách để “lấy lại niềm tin” từ người dân.

Bác sĩ Nguyễn Hữu Thạnh - Trạm Y tế xã Tịnh Minh (Sơn Tịnh) cho rằng, áp lực công việc của tuyến y tế cơ sở rất lớn, phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ nên nhiều y, bác sĩ có xu hướng nghỉ việc vì đời sống tinh thần, vật chất gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống mưu sinh hằng ngày so với mặt bằng chung của xã hội, không đủ trang trải cuộc sống.

BS Đặng Văn Điểm - Phó Giám đốc TTYT huyện Tư Nghĩa - cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến y tế tuyến cơ sở gặp khó khăn trong thời gian qua như dịch bệnh, quy chế tự chủ. Nhưng có một nguyên nhân chúng tôi xem như nút thắt cuối cùng có thể “bóp chết” y tế tuyến cơ sở là việc giao dự toán chi phí khám chữa bệnh BHYT, nhưng quy định này chưa phù hợp và chưa phản ảnh đầy đủ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Và từ năm 2018 đến nay BHXH Việt Nam chưa chi trả chi phí khám chữa bệnh BHYT.

Hệ lụy là năm 2018, TTYT huyện Tư Nghĩa chi vượt dự toán chi phí khám chữa bệnh 4,3 tỉ đồng, năm 2019 vượt 7,6 tỉ đồng, năm 2020 là 4,6 tỉ đồng. Dù đơn vị có nhiều giải trình nhưng đến giờ vẫn chưa được thanh toán số tiền 16,5 tỉ đồng. Không được chi trả nguồn kinh phí nên đơn vị không có tiền để trả lương và chế độ chính sách khác cho nhân viên.

“Hiện trung tâm nợ các đơn vị cung ứng thuốc, hóa chất, vật tư y tế khoảng 15 tỉ đồng và nợ chính sách tiền lương khoảng 8,7 tỉ đồng. Thiếu nguồn kinh phí hoạt động trong thời gian dài đã gây nhiều khó khăn trong công tác chăm lo sức khỏe nhân dân. Để đảm bảo hoạt động, nhiều lúc chúng tôi phải “xin” nhân viên được trả nửa tháng lương, phần còn lại để mua thuốc khám chữa bệnh” - BS Điểm chua chát.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân cho rằng, Nguồn nhân lực y tế còn thiếu nhiều, đặc biệt ở cấp cơ sở. Chính sách về đào tạo, bồi dưỡng còn khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ của ngành. Tình trạng mất cân đối quỹ khám chữa bệnh BHYT, vượt dự toán do Chính phủ giao ảnh hưởng đến kinh phí hoạt động và chi trả lương cho nhân viên của các đơn vị.

“Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc, nguyện vọng chính đáng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế nêu ra tại buổi đối thoại, giao Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho các sở, ngành trên cơ sở các ý kiến đã trao đổi, tiếp tục tổng hợp, rà soát để giải quyết những vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền” - bà Vân chỉ đạo.

Bài liên quan
  • Kỳ 4 - Nâng cao chất lượng y tế cơ sở:  Để nhân viên y tế cơ sở trụ được với nghề
    Trước thực trạng khó khăn của y tế cơ sở tại nước ta, đặc biệt những khó khăn bộc lộ rõ qua thời gian chống dịch COVID-19, nhiều địa phương đã có những biện pháp bước đầu để "vực dậy" y tế cơ sở, "sốc lại" tinh thần của cán bộ y tế trong bối cảnh dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp. Thế nhưng, những biện pháp đó cũng chỉ là sách lược trước mắt. Các chuyên gia cho rằng đã đến lúc cần giảm áp lực, tiếp sức, thu hút... nhân lực y tế cơ sở, cần phải có chính sách đồng bộ để y tế cơ sở được thể hiện đúng vai trò của mình trong bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Hàng loạt y tế tuyến cơ sở ở Quảng Ngãi “nợ như chúa chổm”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO