GS. Nguyễn Thanh Liêm: 'Chỉ có thể nâng cao chất lượng tiến sĩ bằng thay đổi quy chế đào tạo'

Yến Nguyệt| 18/05/2022 14:13

GS. Nguyễn Thanh Liêm (nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương) nêu quan điểm, đào tạo ra một số lượng lớn tiến sĩ không biết làm nghiên cứu, không tiếp tục làm nghiên cứu khoa học là một sự lãng phí lớn.

GS. Nguyễn Thanh Liêm
GS. Nguyễn Thanh Liêm cho rằng, chỉ có thể nâng cao chất lượng tiến sĩ bằng thay đổi quy chế đào tạo. (Ảnh: NVCC)

Danh xưng tiến sĩ vẫn rất được coi trọng, đôi khi là quá mức

Thưa GS, không ít ý kiến cho rằng ở nước ta, nhiều người làm luận án tiến sĩ chỉ vì sính bằng cấp, háo danh, nặng nề tư tưởng học hành đỗ đạt để làm quan. Góc nhìn của ông thế nào về những quan điểm này?

Lịch sử thi cử ở nước ta đã có hơn 1.000 năm. Ngay từ thời nhà Lý, sau khi công việc chống ngoại xâm thành công, đất nước đi vào ổn định, các vua đã bắt đầu tổ chức các kỳ thi để chọn người hiền tài ra làm quan giúp dân, giúp nước.

Nội dung và cách thức thi cử được hoàn thiện dần, nhất là vào thời kỳ nhà Lê và nhà Nguyễn. Để có được học vị tiến sĩ, các thí sinh phải trải qua nhiều kỳ thi trước khi tham dự thi Đình.

Do việc tuyển chọn thí sinh rất khắt khe, tổ chức thi cử, chấm thi rất nghiêm túc nên nói chung các vị tiến sĩ đỗ đạt qua các kì thi đều là những người tài giỏi, kiến thức uyên bác.

"Sắp tới, nên bỏ việc đề bạt cán bộ vào các vị trí quản lý nhà nước gắn liền với các học vị tiến sĩ, thạc sĩ. Nên nghiên cứu để thay tiêu chuẩn học vị bằng các tiêu chuẩn khác thiết thực hơn".

Ngày nay, mục đích của đào tạo tiến sĩ đã khác xưa. Hầu như ở tất cả các nước, đào tạo tiến sĩ nhằm cung cấp nguồn nhân lực cho các tổ chức làm nghiên cứu/giảng dạy như trường đại học, viện nghiên cứu. Số tiến sĩ đảm nhận các vị trí quản lý nhà nước có thể có nhưng chỉ là ngoại lệ.

Dù vậy, ở nước ta, quan niệm cũ vẫn còn nặng nề. Rất nhiều người phấn đấu có học vị tiến sĩ không phải để tiếp tục làm nghiên cứu khoa học mà để thăng tiến trong các vị trí quản lý hành chính.

Trong xã hội ta, danh xưng tiến sĩ vẫn rất được coi trọng, đôi khi là quá mức. Quan niệm này khác nhau giữa “Ta” và “Tây”.

Ví dụ, ở Mỹ danh xưng tiến sĩ có lẽ không được quá coi trọng như ở ta. Nếu một người có cả bằng cấp bác sĩ và học vị tiến sĩ thì họ thường chọn danh xưng bác sĩ thay vì chọn danh xưng tiến sĩ. Tôi thấy nhiều giáo sư không có học vị tiến sĩ, có lẽ do không bắt buộc.

Thực tế, thời gian đào tạo bác sĩ, nhất là bác sĩ chuyên khoa, dài hơn rất nhiều so với đào tạo tiến sĩ, các tiêu chuẩn đầu vào cũng khắt khe hơn rất nhiều.

Tôi nhớ lại ngày xưa, mỗi lần tiếp đoàn khách quốc tế, người giới thiệu đại biểu phía Việt Nam thường nhấn mạnh học vị tiến sĩ. Ví dụ, đây là ông tiến sĩ X, hoặc bà tiến sĩ Y...

Người nước ngoài nghe nhưng chẳng hề biểu lộ cảm xúc có lẽ vì như thế. Tôi thấy lạ là trong một số cuộc họp, người giới thiệu đại biểu cấp trên thường giới thiệu học vị, học hàm kèm theo chức danh quản lý nhà nước của đại biểu.

Ví dụ phó giáo sư, bộ trưởng... Bộ trưởng chỉ có một, thứ trưởng chỉ có ba, bốn người, cao lắm rồi trong khi có hàng vạn tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư. Cần gì phải thêm học hàm, học vị vào chức danh quản lý nhà nước?

Sắp tới theo tôi, nên bỏ việc đề bạt cán bộ vào các vị trí quản lý nhà nước gắn liền với các học vị tiến sĩ, thạc sĩ. Nên nghiên cứu để thay tiêu chuẩn học vị bằng các tiêu chuẩn khác thiết thực hơn.

Nghiên cứu phải được xuất bản trên một tạp chí quốc tế uy tín!

Theo GS, thế nào là một đề tài nghiên cứu xứng tầm? Làm thế nào có thể đánh giá chất lượng các luận án tiến sĩ một cách khách quan?

Chúng ta đang bàn về đề tài nghiên cứu của một luận án tiến sĩ. Luận án tiến sĩ thực chất là một công trình nghiên cứu khoa học. Rất khó để có thể nói một đề tài như thế nào là xứng tầm.

Có thể nói, một nghiên cứu xuất sắc phải có tính đột phá, có những đóng góp mới, góp phần lấp đầy các khoảng trống tri thức của nhân loại về một lĩnh vực hay vấn đề nào đó.

"Đội ngũ tiến sĩ của ta vừa thừa, vừa thiếu. Thừa vì số lượng nhiều, nhưng thiếu những cán bộ biết làm nghiên cứu, tâm huyết làm nghiên cứu. Bao nhiêu năm qua chúng ta vẫn nằm trong 'vùng trũng' tại khu vực về công bố quốc tế. Đào tạo ra một số lượng lớn tiến sĩ không biết làm nghiên cứu, không tiếp tục làm nghiên cứu khoa học là một sự lãng phí lớn".

Tuy nhiên, những nghiên cứu như thế ít lắm, vì vậy, một nghiên cứu tốt được mọi người chấp nhận phải mang lại những hiểu biết, kiến thức mới ở tầm quốc tế hoặc ít nhất là ở tầm quốc gia.

Kết quả nghiên cứu phải trả lời được câu hỏi còn tồn tại trong thực tế mà các nghiên cứu trước đó chưa giải quyết được.

Thẩm định chất lượng của một nghiên cứu cũng là một vấn đề khó khăn. Một hội đồng chấm luận án gồm các chuyên gia có kiến thức sâu, rộng về vấn đề nghiên cứu, khách quan, công tâm có thể đánh giá được chất lượng của một luận án.

Tuy nhiên, không phải hội đồng nào cũng đáp ứng được tiêu chí này. Vì vậy, tốt nhất là nghiên cứu phải được xuất bản trên một tạp chí quốc tế uy tín để được các phản biện, thường là các chuyên gia đầu ngành thẩm định và bình duyệt.

GS. Nguyễn Thanh Liêm
Rất nhiều người phấn đấu có học vị tiến sĩ không phải để tiếp tục làm nghiên cứu khoa học mà để thăng tiến trong các vị trí quản lý hành chính. (Nguồn: Tuổi trẻ)

"Đào tạo ra tiến sĩ không biết làm nghiên cứu khoa học là sự lãng phí lớn"

Rất nhiều tiến sĩ sau khi có bằng không tiếp tục hoặc không có khả năng làm nghiên cứu khoa học, không có công trình nghiên cứu được công bố, nhất là công bố quốc tế. Là một nhà khoa học, ông nghĩ gì về vấn đề này?

Đây là thực tế đáng buồn, là trăn trở của nhiều người tâm huyết với sự tiến bộ của nền khoa học nước nhà. Đội ngũ tiến sĩ của ta vừa thừa, vừa thiếu. Thừa vì số lượng nhiều, nhưng thiếu những cán bộ biết làm nghiên cứu, tâm huyết làm nghiên cứu.

Trong bao nhiêu năm chúng ta vẫn nằm trong “vùng trũng” tại khu vực về công bố quốc tế cùng với Lào và Campuchia. Đào tạo ra một số lượng lớn tiến sĩ không biết làm nghiên cứu, không tiếp tục làm nghiên cứu khoa học là một sự lãng phí lớn.

Vấn đề chính là phải thay đổi quy chế đào tạo tiến sĩ thế nào để không cho “ra lò” những tiến sĩ rởm, theo ông?

Chỉ có thể nâng cao chất lượng tiến sĩ bằng thay đổi quy chế đào tạo. Nói đúng ra là quay lại với quy chế năm 2017, bắt buộc nghiên cứu sinh phải có công bố quốc tế trước khi bảo vệ luận án.

Đồng thời, bắt buộc thầy hướng dẫn và cả những người trong hội đồng chấm luận án phải có công bố quốc tế. Nếu không làm được như vậy thì như một số người vẫn nói, chỉ là “cơm chấm cơm” mà thôi.

Muốn có trò giỏi phải có thầy giỏi. Thầy không biết bơi làm sao dạy cho trò biết bơi, thầy không biết viết một nghiên cứu để đăng báo quốc tế làm sao có thể thẩm định được một nghiên cứu khoa học theo tiêu chuẩn quốc tế.

Quy định đào tạo tiến sĩ năm 2017 có thể làm cho số lượng tiến sĩ trong một số năm giảm xuống nhưng nếu có chiến lược tốt thì sẽ lại tăng lên. Câu nói của các cụ “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” (quý ở sự tinh chứ không quý ở sự nhiều) bao giờ cũng đúng.

Xin cảm ơn Giáo sư!

GS. Nguyễn Thanh Liêm, nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, hiện là Viện trưởng Viện nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ Gen Vinmec.
- Giải nhất Giải thưởng khoa học sáng tạo 1999
- Giải thưởng Hồ Chí Minh cho cụm công trình ghép tạng 2005
- Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới 2008
- Là 1 trong 2 nhà khoa học Việt Nam lọt Top 100 nhà khoa học tiêu biểu của châu Á 2019.
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
GS. Nguyễn Thanh Liêm: 'Chỉ có thể nâng cao chất lượng tiến sĩ bằng thay đổi quy chế đào tạo'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO