Góc nhìn văn hóa: Kiến trúc nhân văn

27/05/2023 00:42

Nếu nhìn nhận đúng về truyền thống, có năng lực nuôi dưỡng những giá trị cốt lõi của truyền thống sẽ tiếp tục tạo ra truyền thống mới cho hôm nay và tương lai.

Mới đây, Hiệp hội Kiến trúc sư quốc tế UIA đã công bố bố kết quả giải thưởng UIA 2023. Đây là giải thương uy tín và danh giá nhất trong các cuộc thi kiến trúc thế giới, được tổ chức 3 năm/lần. Việt Nam đã đạt cú đúp giải thưởng với 2/5 giải, ở hai hạng mục là Kiến trúc bền vững nhân văn và Kiến trúc cho cộng đồng người nghèo, là thành tích mà hiếm quốc gia nào có được ở giải thưởng này.

Giải thưởng UIA do Hiệp hội Kiến trúc sư quốc tế tổ chức nhằm khuyến khích thành tích, công nhận tài năng của các kiến trúc sư đạt thành tựu có ý nghĩa quốc tế. Sự ghi nhận những tác phẩm đạt giải của các kiến trúc sư Việt Nam là những công trình kiến trúc mang bản sắc văn hóa rõ nét.

Những công trình này đều dành cho người có thu nhập thấp nhưng hoàn toàn không phải là những thiết kế nhàm chán, đơn điệu và chất lượng thấp. Ở đó có những triết lý về không gian giàu có tinh thần cho các đối tượng yếu thế trong xã hội, mang tính nhân văn sâu sắc.

Nhìn về lịch sử kiến trúc Việt Nam, di sản kiến trúc Việt ở khắp các vùng miền thường không to lớn, đồ sộ nhưng có sức hấp dẫn mạnh mẽ, không tráng lệ nguy nga và có giá trị cao về thẩm mỹ, nhân văn.

Tính dân tộc trong kiến trúc Việt được hình thành bởi sự hài hòa nhất thể của ba yếu tố cơ bản là thiên nhiên, con người và xã hội. Nhờ vậy, ông cha ta đã dựng nên các công trình phù hợp với tỷ lệ tầm thước của con người Việt Nam, gắn bó hòa hợp với thiên nhiên và thể hiện rõ các bản sắc.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực của kiến trúc hiện địa, bức tranh kiến trúc nước ta còn mang những gam màu kém tươi sáng. Đó là sự hỗn loạn, pha tạp và biến dạng của kiến trúc nông thôn với đủ loại kiến trúc Đông, Tây, kim, cổ…

Câu trả lời cho câu hỏi bản sắc kiến trúc Việt Nam là gì vẫn còn rất mơ hồ. Những tác phẩm kiến trúc tiêu biểu cho nền kiến trúc Việt Nam, mang bản sắc Việt trong thời kỳ mới còn hiếm hoi. Đây là thách thức của người làm nghề trên con đường tạo lập bản sắc.

Luật Kiến trúc – luật đầu tiên trong lĩnh vực kiến trúc - được thông qua năm 2019 ra đời với nhiều nội dung đáng chú ý. Trong đó, nhiều nội dung nhận được sự quan tâm của giới kiến trúc như việc kiến trúc phải thể hiện được bản sắc văn hóa dân tộc…

Sự ra đời của Luật Kiến trúc đã mở ra một bước ngoặt mới trong việc kiến tạo hình hài kiến trúc Việt Nam. Nhưng để tạo được bản sắc thì quan trọng nhất là ý thức trách nhiệm chung của mỗi địa phương, tổ chức và cá nhân.

"Ngay trong Giải thưởng Kiến trúc quốc gia cũng có giải thưởng cho các nhà đầu tư và vì sự phát triển của nền kiến trúc Việt Nam. Đối với các sản phẩm này cần phải quy hoạch, thiết kế như thế nào để mang được bản sắc Việt Nam, từ đó người kiến trúc sư mới thể hiện tài năng của mình trong sản phẩm ấy, cuối cùng mới thành một sản phẩm tổng hợp giữa nhà đầu tư và người sáng tạo, kể cả người xây dựng nó…". TS.KTS Phan Đăng Sơn – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ.

Kiến trúc là nơi gắn kết quá khứ, hiện tại và tương lai. Những người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung và kiến trúc nói riêng nếu nhìn nhận đúng về truyền thống, có năng lực nuôi dưỡng những giá trị cốt lõi của truyền thống sẽ tiếp tục tạo ra truyền thống mới cho hôm nay và tương lai. Truyền thống được giữ gìn và phát triển liên tục bền vững sẽ tạo lập bản sắc riêng.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Góc nhìn văn hóa: Kiến trúc nhân văn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO