Thông xe cầu Thăng Long, kết nối xuyên suốt đường trên cao đẹp nhất Hà Nội

07/01/2021 09:42

Sau 4 tháng sửa chữa lớn, cầu Thăng Long đã chính thức được thông xe sáng nay (7/1), kết nối liên thông với trục đường trên cao - cầu Thanh Trì xuyên suốt đẹp nhất Hà Nội.

Thông xe cầu Thăng Long, kết nối xuyên suốt đường trên cao đẹp nhất Hà Nội - 1

Lễ thông xe sáng 7/1 (ảnh: Quân Đỗ)

Cầu Thăng Long bắc qua sông Hồng được nghiên cứu từ năm 1972,  được bắt đầu xây dựng từ năm 1974 bởi Trung Quốc và được Liên Xô hoàn thành vào năm 1985. Cầu Thăng Long là biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô.

Cầu được xây dựng với nhịp chính vượt sông: dài 1.680 m gồm 15 nhịp giàn thép, tạo thành 5 liên dầm liên tục mỗi liên có độ dài 336m. Cầu gồm 2 tầng: cầu đường sắt và xe thô sơ ở tầng dưới và cầu đường ô tô nằm ở tầng trên.

Sau hơn 15 năm khai thác phần mặt đường ô tô trên cầu chính đã xuất hiện các hư hỏng, với các đặc điểm kết cấu phức tạp (cầu dàn thép 2 tầng cho đường bộ và đường sắt, chiều dài nhịp lớn, giàn thép liên tục trên nhiều nhịp) mặt cầu phải chịu đồng thời các tải trọng xe chạy trên mặt cầu, tải trọng tầu hỏa, lực gió ngang, nhiệt độ… tạo ra các dao động, chuyển vị, biến dạng lớn, đồng thời theo các phương khác nhau.

Do vậy từ sau lần sửa chữa lớn năm 2009 và nhiều lần sửa chữa cục bộ, đến nay các hư hỏng trên mặt đường trong phạm vi giàn thép vẫn chưa được khắc phục triệt để làm ảnh hưởng đến an toàn giao thông, gây bức xúc dư luận... Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) triển khai dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long.

Thông xe cầu Thăng Long, kết nối xuyên suốt đường trên cao đẹp nhất Hà Nội - 2

Lễ cắt băng khánh thành, thông xe cầu Thăng Long sau 4 tháng sửa chữa (ảnh: Quân Đỗ)

Ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - cho biết: Ngay sau khi nhận nhiệm vụ Tổng cục đã chủ động tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu, phối hợp với các chuyên gia, các cơ quan nghiên cứu khoa học tổ chức nghiên cứu, thử nghiệm, lập đoàn tham quan học tập kinh nghiệm tại các công trình đã được sửa chữa thành công ở nước ngoài để tìm giải pháp phù hợp áp dụng trong sửa chữa mặt cầu Thăng Long.

Thời từ tháng 6/2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo Bộ GTVT cho phép chuẩn bị dự án. Đến ngày 28/10/2019 Bộ GTVT đã chấp thuận cho phép chuẩn bị dự án Sửa chữa cầu Thăng Long.

Công tác chuẩn bị dự án được thực hiện từ tháng 11/2019 với khối lượng công việc rất lớn từ khảo sát, kiểm định cầu hiện hữu, đánh giá nguyên nhân hư hỏng, thực hiện các thử nghiệm trên mô hình và đề xuất phương án sửa chữa.

Trong quá trình thực hiện dự án bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đến ngày 24/4/2020 Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phê duyệt dự án đầu tư và đến ngày 9/6/2020 phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công.

"Theo kết quả kiểm định, đánh giá của tư vấn, kết hợp với nghiên cứu của Tư vấn KEI - Nhật Bản năm 2013 - 2014, nguyên nhân chính gây hư hỏng mặt cầu Thăng Long là do cấu tạo của bản mặt cầu là mỏng so với yêu cầu, độ cứng nhỏ, bản mặt cầu chịu kéo theo cả hai phương dọc và ngang; lớp bê tông nhựa thi công trên mặt cầu thép khó kiểm soát về độ chặt lu lèn và nhiệt độ, độ dính bám kém gây ra các hiện tượng phá hoại nứt, trượt lớp phủ" - ông Huyện cho hay.

Theo ông Huyện, trên cơ sở kết quả phân tích nguyên nhân hư hỏng, nghiên cứu so sánh các phương án, đánh giá hiệu quả kinh tế kỹ thuật và tổng hợp kinh nghiệm sửa chữa mặt cầu thép trên thế giới, áp dụng các công nghệ tiên tiến nhất, hiện đại nhất của các nước, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã lựa chọn giải pháp sửa chữa mặt cầu Thăng Long bằng kết cấu mặt cầu liên hợp nhẹ: sử dụng công nghệ hàn đinh neo Plasma và bê tông siêu tính năng (UHPC Rn ≥ 120Mpa) sau đó thảm bê tông nhựa polime, tổng mức đầu tư 269,3 tỷ đồng.

Với phương án này mặt cầu sẽ đảm bảo tuổi thọ của lớp bê tông siêu tính năng (UHPC) tối thiểu là 30 năm và lớp phủ bê tông nhưa Polime là 10 năm (theo tuổi thọ thông thường của vật liệu nhựa).

Thông xe cầu Thăng Long, kết nối xuyên suốt đường trên cao đẹp nhất Hà Nội - 3
Các phương tiện qua cầu Thăng Long ngay sau khi thông xe (ảnh: Quân Đỗ)

Công tác triển khai thi công sửa chữa bắt đầu triển khai từ 16/8/2020, đây là dự án có giải pháp kỹ thuật phức tạp lần đầu tiên được áp dụng trên quy mô và khối lượng lớn với các công tác chủ yếu: phân luồng tổ chức giao thông trên địa bàn TP.Hà Nội và các tỉnh lân cận; làm sạch và sơn toàn bộ mặt cầu; hàn 1,4 triệu đinh neo; lắp đặt 800 tấn thép; đổ 2.000 m3 bê tông siêu tính năng; quét keo dính bám và thảm bê tông nhựa polyme 27.200 m2.

Đến thời điểm hiện nay, công tác triển khai thi công đã đảm yêu cầu về tiến độ, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng; theo kết quả thử tải độ cứng của cầu tăng lên khoảng 2 lần so với trước đây.

"Việc hoàn thành dự án sửa chữa cầu Thăng Long sẽ kết nối đồng bộ và phát huy hiệu quả khai thác của toàn tuyến vành đai 3 thành phố Hà Nội, góp phần quan trọng vào lưu thông và kết nối vận tải giữa TP.Hà Nội với sân bay quốc tế Nội Bài và với các tỉnh thành trong cả nước, giảm ùn tắc giao thông trong các tuyến đường cửa ngõ thủ đô Hà Nội đặc biệt trong dịp Tết nguyên đán sắp tới" - ông Huyện nhấn mạnh.

Sở GTVT Hà Nội đã chấp thuận các phương tiện được phép lưu thông qua cầu Thăng Long ngay sau khi thông xe. Toàn bộ 16 tuyến xe buýt hoạt động qua cầu Thăng Long cũng được phục hồi lộ trình theo như phương án vận hành trước khi sửa chữa cầu Thăng Long, gốm: 35B, 46, 53A, 53B, 56A, 58, 60B, 61, 64, 93, 95, 109, 112, CNG04 và 212.

Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng triển khai phương án kiểm soát tải trọng xe để bảo vệ kết cấu hạ tầng  giao thông cầu Thăng Long, xử lý nghiêm xe chở quá tải theo quy định.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Thông xe cầu Thăng Long, kết nối xuyên suốt đường trên cao đẹp nhất Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO