Vụ thầy giáo giúp học sinh gian lận: “Hành vi vụ lợi cá nhân cần phải xử lý”

Thanh Thanh| 04/06/2020 10:43

Việt BáoVừa qua, hơn 73.000 học sinh lớp 12 của Hà Nội đã tham gia bài thi khảo sát chất lượng trực tuyến môn Toán. Tuy nhiên, thầy Đ. vẫn yêu cầu học sinh cứ yên tâm tiếp tục học bài mới, còn “kỳ thi của Sở đã có thầy lo”.

Thầy giáo này đã cho trợ giảng giải đề và cung cấp đáp án đưa lên mạng cho nhóm học sinh học ở lớp luyện thi chép đáp án và nộp bài.

Việc làm này của thầy Đ. ngay sau đó đã nhận nhiều ý kiến trái chiều, trong đó nhiều người cho rằng, đây là hành vi tiếp tay cho sự gian lận và bản thân thầy đã vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Thầy Đ. - giáo viên dạy toán tại Hà Nội bị tố giúp học sinh gian lận 

Theo Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, cho hay: Xu hướng giáo dục trong xã hội hiện đại đối với giáo dục phổ thông, đặc biệt là với bậc tiểu học và THCS thì cơ sở giáo dục sẽ hạn chế chấm điểm, không công khai điểm số trước lớp để tránh trường hợp các học sinh bị phân biệt đối xử, bị kỳ thị, xấu hổ, không phát huy được sở trường của mình.

Xu hướng này đưa ra trên cơ sở tôn trọng học sinh, đánh giá học sinh ở nhiều mặt và khuyến khích học sinh phát triển với những sở trường của mình. Tuy nhiên, đối với những thời điểm quan trọng như chuyển cấp và ở các cấp học cao hơn thì việc thi cử sẽ đánh giá được chất lượng đào tạo, phân loại được học sinh để có phương pháp đào tạo phù hợp cũng như là hình thức để lựa chọn nhân tài.

Kết quả kỳ thi không chỉ đánh giá năng lực học sinh để có phương pháp đào tạo phù hợp mà còn cho thấy chất lượng đào tạo, khả năng đào tạo của giáo viên và từng cơ sở đào tạo. Bởi vậy, không chỉ học sinh gian lận trong các kỳ thi, thực tế có không ít giáo viên và cơ sở đào tạo đã có những hành vi gian lận, chủ ý để sơ hở cho các học viên nâng cao điểm số vì bệnh thành tích và mưu lợi cá nhân, tập thể của đơn vị đào tạo đó.

Tâm lý chung của học sinh là mong muốn điểm số cao nên hành vi gian lận luôn thường trực. Bởi thi cử tiềm ẩn nhiều gian lận nên mới đòi hỏi có những quy chế, quy trình trong việc quản lý kỳ thi, mới sinh ra giám thị, giám khảo để duy trì sự nghiêm túc trong các kỳ thi.

Tuy nhiên, thời gian gần đây vì bệnh thành tích cũng như vì mưu lợi cá nhân mà nhiều thầy cô giáo cố ý sửa điểm, nâng điểm, tác động vào hoạt động thi cử để thay đổi kết quả thi... Mọi hành vi gian lận trong thi cử đều gây ra sự bất bình đẳng, mất công bằng và tạo tâm lý, dư luận xấu cho các học sinh và xã hội. Bởi vậy pháp luật luôn có những chế tài đối với những hành vi vi phạm này ở mức độ kỷ luật, xử phạt hành chính, thậm chí có thể truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong vụ việc nêu trên, mặc dù đây là kỳ thi thử, kết quả thi không quyết định đến tương lai của học sinh, tuy nhiên, kết quả kỳ thi này sẽ đánh giá được mặt bằng chung của chất lượng giáo dục, trình độ giáo dục của các thầy cô cũng như năng lực, khả năng tiếp thu của học sinh. Việc thầy giáo cung cấp đáp án trước cho học sinh hoặc chuyển đáp án cho học sinh sẽ làm vô hiệu hóa giá trị của kì thi.

Điểm số sẽ không phản ánh đúng thực tế năng lực của học sinh cũng như chất lượng giáo dục của cơ sở giáo dục. Việc này gây tốn kém, lãng phí thời gian, công sức và tiền của của các cơ sở giáo dục cũng như của nhà nước, gây tâm lý xấu trong xã hội, ảnh hưởng đến đạo đức xã hội. Bởi vậy cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh làm rõ hành vi, mức độ sai phạm và hậu quả để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Cơ quan chức năng sẽ làm rõ đề thi, đáp án trong kỳ thi này có thuộc dạng bí mật nhà nước chưa được công bố hay không. Đề thi, đáp án trong các kỳ thi phổ thông trung học được xếp loại mật theo quy định của pháp luật. Bởi vậy, cơ quan chức năng sẽ làm rõ với loại thi thử này có thuộc dạng này hay không để có hình thức xử lý.

Ngoài ra, sẽ đối chiếu với quy chế thi, quy định về đạo đức giáo viên để xem xét đến hành vi của các thầy giáo làm lộ đề thi. Cơ quan chức năng cũng sẽ đánh giá hậu quả do hành vi này gây ra đối với kỳ thi đó để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Theo thông tin dư luận phản ánh thì không chỉ một thầy giáo dạy online mà một số thầy giáo dạy online có hành vi như thế này phải làm lộ đề thi gây ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi, gây tâm lý xấu trong dư luận xã hội. Vì thế, cơ quan chức năng cũng sẽ xem xét để tăng cường công tác quản lý trong hoạt động giảng dạy online.

Trường hợp cung cấp thông tin đáp án trước cho học sinh nhằm thu hút lượng người truy cập trên tài khoản của thầy hoặc che giấu năng lực trình độ giảng dạy của thầy giáo, tạo ra kết quả đào tạo không trung thực thì đây rõ ràng là hành vi mưu lợi cá nhân, cạnh tranh không lành mạnh, làm thiếu đi tính nghiêm túc của các kỳ thi và làm xấu đi hình ảnh của người thầy trong môi trường giáo dục.

Bởi vậy những hành vi vi phạm cần phải xử lý nghiêm minh, đồng thời phải tăng cường công tác quản lý để tránh những trường hợp tiêu cực như thế này có thể xảy ra.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Vụ thầy giáo giúp học sinh gian lận: “Hành vi vụ lợi cá nhân cần phải xử lý”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO