Nữ sinh khiếm thị và hành trình viết tiếp ước mơ

Minh An| 15/12/2020 09:34

Việt BáoHọ bị khiếm khuyết trên cơ thể. Họ thường nhận được những ánh nhìn ái ngại từ mọi người xung quanh, cho đến một ngày họ vươn cao, khiến những ánh mắt ấy thay đổi thành ngưỡng mộ và trân trọng.

Có những người mà điều ước của họ chỉ đơn giản là “một người bình thường”, tức là có đầy đủ mặt mũi, tay chân, có thể nhìn rõ, có thể trò chuyện, lắng nghe và ôm vỗ về người thân an ủi. Thế nhưng, cuộc đời kém may mắn khiến họ phải gánh chịu nỗi đau về thể xác, tinh thần, “đặc ân” được làm một người bình thường bị tước đoạt. Họ phải nỗ lực gấp nhiều lần so với mọi người, cho đến ngày họ vươn cao, bay xa hơn.

Nghiêm Vũ Thu Loan 22 tuổi - tác giả của cuốn sách Giấc mơ nơi thiên đường là cô gái kém may mắn như vậy.

Nữ sinh Nghiêm Vũ Thu Loan

Từ lúc sinh ra cho đến 5 tuổi, Loan phải trải qua 5-6 cuộc phẫu thuật. Mỗi lần mở băng là một lần bà Hương – mẹ của Loan hy vọng nhưng rồi lại thở dài vì bệnh tình của con không có gì thay đổi.

"Sẽ sống chung với bệnh cả đời vì không có cách chữa trị", bác sĩ nói với người mẹ của Loan.Và cho đến khi học lớp 1, Loan không may bị tai nạn khiến mắt em hoàn toàn không nhìn thấy một chút ánh sáng.

Lớn lên bên nếp nhà ở vùng ngoại ô huyện Ứng Hòa của Hà Nội, cô gái nhỏ đã gặp những trở ngại khi biết mình không thể nhìn rõ mọi vật. Loan đến lớp nhưng không thể viết chữ mà chỉ nghe thầy cô giáo giảng.

Hết nửa năm lớp 1, Loan đành phải nghỉ học dù gia đình có chạy chữa nhiều nơi vẫn không tìm lại ánh sáng cho cô con gái nhỏ.

Ở nhà, Loan nhờ chị gái dạy cách làm toán, nghe và đọc theo chị nên Loan luôn khát khao được đi học trở lại. Thấy vậy, mẹ của Loan đã đưa cô con gái đến học nội trú tại Trường Nguyễn Đình Chiểu khi cô bé lên 9 tuổi. Thỉnh thoảng mẹ từ quê chạy xe máy lên thăm.

Suốt cả thời cấp 1 rồi cấp 2, Loan luôn thể hiện niềm say mê học tập của mình, vì thế lên cấp 3, cô bé thi đậu vào Trường THPT Yên Hòa. Mẹ Loan lặn lội từ quê lên, thuê nhà trọ ở cạnh trường để đỡ đần con gái.

Hàng ngày, mẹ đưa Loan đến trường, rồi lại trở về với góc quán nhỏ, bán nước, làm đủ việc mưu sinh để kiếm tiền trang trải chi phí cho hai mẹ con. Và không phụ lại sự tần tảo, hy sinh của mẹ, 3 năm cấp 3 của Loan luôn đạt học sinh giỏi.

Thầy cô Trường Yên Hòa yêu mến và quý trọng sự nỗ lực, chăm chỉ học tập của Loan. Loan luôn đứng đầu trong lớp vì những thành tích học tập, sự kiên trì và chăm chỉ đã giúp cô bé vượt ra khỏi bóng tối đi tìm mục đích sống cho riêng mình.

Tốt nghiệp PTTH, Loan thi đậu đại học. Nhưng nếu cứ theo đuổi việc học hành, Loan sẽ trở thành gánh nặng của mẹ. Và ở một góc độ nào đó, Loan trở thành người ích kỷ vì mẹ đã phải vất vả vì em quá nhiều. Loan quyết định không học đại học.

khi trở thành cô sinh viên say mê học tập, trở thành tác giả của một cuốn sách, Thu Loan lại bắt đầu hành trình khác của cuộc đời

Không học đại học không có nghĩa là từ bỏ, Thu Loan tiếp tục tự học, tự trau dồi khả năng tiếng Anh để xin học bổng Chắp cánh ước mơ của Trường Đại học RMIT. Cuốn sách Giấc mơ nơi thiên đường cũng bắt đầu những dòng đầu tiên trong thời điểm khó khăn này.

Nghiêm Vũ Thu Loan nói: “Có thể em không phải là sinh viên thông minh nhất, nhưng em tự tin rằng mình là sinh viên cần cù, bền bỉ và chủ động nhất vì em có ước mơ và mục tiêu rõ ràng: đó là sử dụng kiến thức học được ở trường để nâng cao điều kiện sống và cơ hội giáo dục cho những bạn đồng cảnh ngộ”.

Giờ đây, khi trở thành cô sinh viên say mê học tập, trở thành tác giả của một cuốn sách, Thu Loan lại bắt đầu hành trình khác của cuộc đời. Loan muốn trở thành một nhà hoạt động nhân quyền, cụ thể là một nhà văn nhân quyền.

“Một nhà nhân quyền, điều đầu tiên cần có là một trái tim thuần thiện, muốn đóng góp cho xã hội. Nhưng không chỉ một trái tim ấm áp, tôi cần trau dồi luật dành cho người khuyết tật, hiểu kiến thức nhiều lĩnh vực và cần trải nghiệm thực tế. Nếu có cơ hội du học nước ngoài, đó là chân trời để tôi học hỏi thêm”, Thu Loan chia sẻ.

Cô gái nhỏ bé ngày nào giờ đây mong muốn truyền đi những thông điệp yêu thương, cách sống lạc quan, luôn nhìn về phía trước. Thu Loan nói muốn tác động tích cực đến càng nhiều người càng tốt nhưng trước mắt, cô mong trong cộng đồng của mình, mọi người tìm được “ánh sáng”.

“Ánh sáng” đó là sự lạc quan, tự tin, mong muốn hoàn thiện bản thân để là người sống có ích cho xã hội: “Khi những người khác gặp gỡ chúng tôi - những đứa trẻ bị khiếm khuyết, tôi muốn thay vì ánh mắt tò mò, mọi người thấy chúng tôi ấn tượng; thay vì thương hại, mọi người sẽ dành sự cảm thông”...

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Nữ sinh khiếm thị và hành trình viết tiếp ước mơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO