Gian nan thầy giáo mang chữ...lên ngàn

MINH AN| 21/11/2022 17:33

Giữa tâm lõi rừng Phong Nha - Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình) có một trường thiếu thốn đủ thứ nhưng ngày ngày những người giáo viên nơi đây vẫn hăng say với nghề.

Ở đâu đó giáo dục còn có tiêu cực, còn phải nêu khẩu hiệu để bàn, để chống các mặt trái, làm hình ảnh thầy cô giáo nhạt nhòa thì tôi tin rằng những ngàn non tôi đã đi qua hình ảnh giáo viên vẫn rực rỡ và vẫn được người dân coi trọng nhất.

Ở những nơi này, vị thế thầy cô giáo được các em đưa lên vị trí thứ hai sau bố mẹ mình. Vì sao vậy, vì họ đóng góp, đến với học sinh bằng sự yêu thương và bằng sự kính trọng đối với nghề của mình

Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Bố Trạch của tỉnh Quảng Bình có lẽ là ngôi trường huyền thoại và cũng đặc biệt nhất. Là trường nội trú, nhẽ ra, theo thông thường phải đặt ở huyện nhưng trường này, lạ thay được đặt ở trong xã.

bo-trach1.jpeg
Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Bố Trạch của tỉnh Quảng Bình

Theo lãnh đạo nhà trường sở dĩ có cái đặc thù như vậy là vì giáo dục nơi đây, các thầy cô nơi đây quý và thương học trò như con em của chính mình. Đưa vào đây, nghĩa là sẽ tạo cho trường gần các em, các em đỡ khổ. Và để đổi lại cho cái sự không vất vả của học sinh này lại là sự khổ của các thầy cô giáo.

Trước đây, như thường lệ, Trường Dân tộc Nội trú của huyện Bố Trạch được đặt ở dưới trung tâm huyện. Mỗi tuần, huyện cắt cử một chuyến xe tải lên để đón các em ở hai xã vùng sâu, xa nhất của huyện là Tân Trạch và Thượng Trạch về học. Tạo điều kiện là thế, nhưng do đi lại trên con đường có một không hai này học sinh đã sợ và bỏ rất nhiều. Trường vắng, lớp vắng, có thời Trường Dân tộc Nội trú này của huyện gần như bị xóa sổ.

Sau rất nhiều tính toán, vì học sinh và sự khai sáng cho các lớp trẻ nơi sát biên giới Việt – Lào này, huyện đã quyết định đưa trường lên đây. Đưa trường lên, thuận cho học sinh nhưng lại sợ không có thầy. Nhưng lạ thay, khi đưa ra ý kiến thăm dò thì đã không ít thầy cô giơ tay quả quyết lên đất khó này với học trò. Thế là trường có thầy, có cô, có trò, tiếng trống vang lên giữa đại ngàn và tíu tít những bước chân trẻ.

bo-trach2.jpeg
Học sinh tíu tít tới trường

Thầy Nguyễn Văn Thanh, hiệu trưởng trường, người có thâm niên và sở trường đi lại trên con đường gian khó này bộc bạch: Có lẽ không ở đâu sự vất vả của thầy cô giáo lại có thể cô đọng như những người làm nghề dạy học ở đây.

Phần lớn 18 thôn bản của Thượng Trạch này dân đều lạc hậu, dân lạc hậu lên dẫn đến trình độ và sự thích nghi của trò cũng không cao. Các em dè dặt, sợ sệt và sống hết sức bản năng. Vậy nên để các em học được cái chữ thì giáo viên ở đây phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai thao tác: Vừa dậy – Vừa dỗ trò. Nếu không kết hợp được hai yếu tố này thì học sinh sẽ bỏ trường, bỏ lớp về bản ngay.

Giáp biên giới Việt – Lào nên khí hậu ở đây cơ cực vô cùng. Mùa mưa thì ầng ậc nước, mùa khô đến thì gió Lào ràn rạt quất, thêm đó là cảnh thiếu nước sinh hoạt. Ấy thế mà ngày nào cũng vậy, ngoài sách vở thì thầy cô nơi đây lại kín nước, lại giục học trò ra tắm rửa. Không những chỉ dậy chữ, dậy cách làm người mà thầy trò nơi đây còn phải dậy các em đến cả các phương pháp vệ sinh cho đúng, cho khoa học.

Nhưng kì lạ thay, vượt lên tất cả những gian khó ấy, vì học sinh, vì tương lai một vùng đất, hơn chục phòng học đã được xây dựng và thu hút tới gần hàng học sinh theo học.

Bằng sự hy sinh đúng chất và đúng nghĩa nhất của những người thầy, người cô, từ cuộc sống gần như tự cung tự cấp và phụ thuộc vào tự nhiên thì nay Thượng Trạch đã có những học sinh vượt núi ra phố thị học ở những trường cao đẳng, trung học và chuyên nghiệp dậy nghề.

Và trong mắt các em học sinh nơi đây, tôi tin, hình ảnh người thầy, người cô vẫn là những gì thiêng liêng và thanh khiết nhất...

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Gian nan thầy giáo mang chữ...lên ngàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO