Giá rau hành phi mã, vận tải lo 'chết yểu' vì xăng dầu

THANH BÌNH| 17/02/2022 10:24

Chỉ trong vòng 1 tuần kể từ khi xăng dầu tăng giá và vượt mức 25.000 đồng/lít cho RON 95, nhiều nỗi lo đã xuất hiện khi giá rau hành lên mức phi mã, trong khi vận tải cho 'chết yểu' vì khách ít chi phí cao.

Nỗi lo phí chồng phí vì xăng dầu tăng giá

Đó là chia sẻ của chị Hoàng (ngụ Bình Tân, TP.HCM) khi mặt hàng kinh doanh cháo gà đang từng ngày giá cả càng tăng trên cả cọng rau mà tô cháo không thể tăng giá.

Theo chị Hoàng, hiện giá cọng hành, rau thơm, gà ta đều tăng giá sau mỗi lần giá xăng tăng, khiến chi phí đầu vào thêm gánh nặng.

"Hành lá hiện mua ở mức trên dưới 60.000 đồng/kg mà nguyên nhân một phần từ phí vận chuyển tăng, trong khi trước đó chỉ 15.000 đồng/kg. Chưa kể giá gas cũng tăng thêm 40% từ đầu năm mà tô cháo bán ra không thể tăng trên nhiều chi phí", chị Hoàng cho biết.

rau-hanh-cao-phi-ma-van-tai-lo-chet-yeu-vi-xang-dau-tang-gia-1.jpg
Kinh doanh ăn uống gặp khó khi chưa thể tăng giá mà chi phí lại tăng.

Ngoài lĩnh vực kinh doanh ăn uống bị ảnh hưởng, xe ôm công nghệ lẫn truyền thống đều chung cảnh ngộ, một phần vì ảnh hưởng giá xăng tăng.

Anh Nguyễn (ngụ Vĩnh Long) cho biết mọi khi đổ xăng trung bình chỉ 70.000 đồng, nay có lúc gần 100.000 đồng mà không thể tăng giá vì sợ mất khách.

"Tính ra cũng gần 30.000 đồng/bình xăng, đủ cho tôi một bữa sáng. Nghề xe ôm mấy nay đã khó vì khách ít nay lại khó hơn vì giá xăng tăng", anh Nguyễn bộc bạch.

rau-hanh-cao-phi-ma-van-tai-lo-chet-yeu-vi-xang-dau-tang-gia-2.jpg
Xe ôm gặp khó khi giá xăng tăng.

Một tài xế chạy xe ôm công nghệ cho biết cước hiện cũng được ứng dụng tính theo bình thường và chỉ tăng giờ cao điểm. Trong khi giá xăng tăng kiểu này thì lời lại không là bao khi tiền ứng dụng, ăn uống, bảo dưỡng, điện thoại... đã chiếm gần 70% chi phí.

Vận tải hành khách đường dài lo 'chết yểu' vì khách ít chi phí tăng


Ngoài những loại hình đơn lẻ, giá xăng tăng cũng ảnh hưởng nặng đến vận tải hành khách đường dài bởi liên quan chi phí, khiến doanh nghiệp như đứng ngồi trên lửa khi lượng khách hiện vẫn còn hạn chế.

Nhà xe Phú Vĩnh Long chuyên tuyến TP.HCM - Vĩnh Long - Sa Đéc thừa nhận, chỉ có một câu để diễn tả trong giai đoạn này chính là “chạy không nổi”.

Theo phân tích, giá xăng dầu dù chiếm khoảng 35- 40% chi phí vận hành. Nhưng với lượng hành khách chỉ đạt khoảng 40% công suất khai thác của xe mà doanh nghiệp không thể tăng giá vé thì nguy cơ cầm chắc lỗ.

"Chúng tôi vẫn phải hoạt động cầm chừng để duy trì, trong khi nhiều chi phí liên quan ngoài giá xăng như bắt buộc lắp đặt camera, chuyển đổi biển số trắng sang vàng… cũng góp phần là phát sinh thêm chi phí", đại diện nhà xe cho biết.

rau-hanh-cao-phi-ma-van-tai-lo-chet-yeu-vi-xang-dau-tang-gia.jpg
Ngành vận tải lo sốt vó vì phí cao, khách ít.

Một công ty chuyên vận tải hàng hóa tuyến Trà Ôn - TP.HCM - Bình Dương cho biết mấy nay chi phí quá cao khi mọi thứ đều theo giá xăng.

Cụ thể, theo doanh nghiệp, ngoài xăng dầu chiếm đến 40% chi phí, việc bảo trì xe, tỷ lệ hao hụt phương tiện, hàng hóa rỗng chiều về... đang khiến kinh doanh vận tải gặp nhiều khó khăn.

Một chuyên gia trong ngành cho rằng, việc điều hành xăng dầu trong đó có cả việc tăng giá cần phải đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp - nhà nước và cả người dân cho bài toán vững bền, tránh ảnh hưởng cho mặt bằng giá.

Về lâu dài, việc giảm thuế để giảm giá xăng dầu có thể thực hiện được, cơ quan chức năng cần xem xét, cân nhắc nhưng phải tính toán đến cân đối, để vừa đảm bảo nguồn thu và nhiệm vụ chi trong thời gian tới.

"Phương án tối ưu nhất theo tôi ở thời điểm này là giảm thuế bảo vệ môi trường, vốn cũng được áp dụng cho nhiên liệu bay trước đó vì ảnh hưởng dịch bệnh", vị chuyên gia chia sẻ.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Giá rau hành phi mã, vận tải lo 'chết yểu' vì xăng dầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO