Giá phân bón tăng mạnh, nhà vườn thiệt hại kép khi nông sản đầu ra yếu

Thanh Bình| 27/08/2021 12:10

Giá phân bón đã tăng mạnh khiến nhà vườn lỗ nặng trong bối cảnh đầu ra cho nông sản yếu, dẫn đến khó khăn đôi đường.

Giá phân bón tăng 60- 80%

Chuẩn bị cho vụ mới trong tình hình giãn cách xã hội đã khiến giá phân bón tăng mạnh. Theo nhiều chủ cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp, từ đầu năm đến nay, tuy không có tình trạng thiếu hàng nhưng giá phân bón tăng liên tục.

gia-phan-bon-tang-manh-nha-vuon-thiet-hai-kep-khi-nong-san-dau-ra-yeu-1.jpg
Giá phân bón tăng chóng mặt trong bối cảnh dịch bệnh và nông sản tiêu thụ khó khăn.

Đáng lưu ý, nhiều loại phân bón tăng giá kỷ lục chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây, khiến nhà vườn trở tay không kịp khi chuẩn bị xuống vụ mới mà tình hình đi lại không khả thi.

So với đầu năm, giá phân DAP, NPK, Kali đã tăng từ 60% đến 80%, các loại phân Urê cũng tăng hơn 80%, một con số phi mã so với các mặt hàng khác.

Theo quan sát của VnEconomy, từ đầu năm 2021 đến nay, giá DAP (tham chiếu từ giá DAP Đình Vũ) tăng 67,3% (từ 8.550 đồng/kg lên 14.300 đồng/kg). Giá DAP 64% nhập khẩu (tham chiếu từ giá DAP Trung Quốc) tăng 50% (từ 11.200 đồng/kg lên 16.800 đồng/kg).

Trong khi đó, chỉ tuần trước, giá phân bón sản xuất trong nước, phân urê Phú Mỹ tăng 83,7% (từ 6.750 đồng/kg lên 12.400 đồng/kg), urê Cà Mau tăng 72% (từ 6.800 đồng/kg lên 11.700 đồng/kg); NPK Bình Điền tăng 24,3% (NPK 16-16-8+13S từ 8.860 đồng/kg lên 10.760 đồng/kg).

Tại Vĩnh Long, một số chủ cửa hàng giải thích nguyên nhân chính khiến giá phân bón tăng là do giá nguyên liệu đầu vào tăng. Thêm vào đó, do thực hiện giãn cách nên chi phí cho vấn đề lưu thông hàng hóa, vận chuyển khó khăn, dẫn đến các loại giá đều tăng lên đáng kể.

Nhà vườn thiệt hại kép khi nông sản thiếu đầu ra

Giá phân bón tăng cùng với nông sản khó tiêu thụ tại nhiều địa phương đã khiến nhà vườn thiệt hại kép trong bối cảnh đang vào vụ mùa.

gia-phan-bon-tang-manh-nha-vuon-thiet-hai-kep-khi-nong-san-dau-ra-yeu-2.jpg
Rau màu đến vụ thu hoạch nhưng vẫn không tìm được nguồn ra hợp lý tại nhiều tỉnh thành.

Tại Vĩnh Long, không chỉ lúa, nhiều loại trái cây, rau màu bị rớt giá, khiến chủ cửa hàng lẫn nông dân gặp khó, trong đó người nông dân chịu ảnh hưởng nặng nề hơn.

Một số chủ cửa hàng cho hay gặp khó trong việc thu hồi tiền nợ vật tư nông nghiệp của nông dân, dẫn đến gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh.

Trong khi đó, vì không tiêu thụ được dẫn đến nông dân không có lời thậm chí thua lỗ, khiến rất khó duy trì sản xuất khi tình hình dịch bệnh kéo dài mà không có giải pháp hiệu quả.

Theo VTV, hiện gần nửa triệu tấn trái cây ở các tỉnh phía Nam mỗi ngày mỗi chín, cần được tiêu thụ gấp. Nhưng thời điểm hiện tại, người thu hoạch thì không có vì đang giãn cách. Thương lái đã ngưng thu mua, phương tiện vận chuyển giảm dẫn đến giá bán trái cây đang thấp kỷ lục.

Thống kê cho thấy, từ giờ đến cuối năm, tổng sản lượng trái cây ở khu vực Nam bộ cần được tiêu thụ khoảng 1,75 triệu tấn và khoảng 1,5 triệu tấn rau củ, bao gồm một số chủ lực như thanh long 35 nghìn tấn, xoài 35 nghìn tấn, chuối 50 nghìn tấn, cam 55 nghìn tấn, bưởi 40 nghìn tấn, nhãn 18,5 nghìn tấn, mít 25,3 nghìn tấn...

Để tháo gỡ đầu ra cho nông sản, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn đang đề nghị các địa phương tăng cường vai trò của các hợp tác xã, kết nối cung cầu các mặt hàng nông sản với các đầu mối tiêu thụ trong nước.

"Trung bình mỗi ngày, các đầu mối của Tổ công tác tiêu thụ khoảng 1.000 tấn rau củ quả, trái cây cho bà con nông dân. Đây không phải là con số lớn trong tổng số nông sản tiêu thụ, song đây có thể xem là một kênh trực tiếp tham gia tiêu thụ cho bà con nông dân tại Đồng bằng Sông Cửu Long cũng như Đông Nam Bộ", ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết.

gia-phan-bon-tang-manh-nha-vuon-thiet-hai-kep-khi-nong-san-dau-ra-yeu.jpg
Lực lượng đoàn viên công an hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản. Ảnh: Công an Bến Tre.

Song song đó, lực lượng Đoàn viên cũng được xem là đáng kể trong bài toán giải cứu nông sản địa phương. Ghi nhận tại Bến Tre, Kiên Giang, Vĩnh Long, lực lượng Đoàn thanh niên Công an tỉnh đã hỗ trợ tiêu thụ hàng chục tấn rau củ nhằm giúp nhà vườn giảm bớt phần nào khó khăn trong mùa dịch.

Đừng để bài toán giải cứu nông sản thành nơi ép giá kinh doanh

Trong bối cảnh nông sản ùn ứ, song song với giải pháp của các Sở/Ban/Ngành địa phương cho đầu ra giá hợp lý, nhiều cá nhân cũng đã tận dụng cơ hội này để ép giá, khiến nông dân bất bình.

Điển hình tại Vĩnh Long, sau khi đưa thông tin về nhóm giải cứu nông sản tự phát của một vài cá nhân trên Facebook, Zalo..., nhiều nông dân cho biết đã gặp tình trạng ép giá.

Theo chị Phấn Võ, một vài nhóm thu mua có tình trạng chào giá cao hơn hoặc gần bằng giá bán lẻ giống thương lái, khiến người nông dân thiệt hại kép khi vừa bị ép giá, vừa bị lỗ song song cho đầu ra không hợp lý.

Bên cạnh đó, do đi lại khó khăn nên tình trạng rau vườn ùn ứ, trong khi chợ siêu thị lại rất cao chênh lệch đến vài trăm phần trăm dẫn đến nhiều phản cảm cho việc giải cứu nông sản tại địa phương.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Giá phân bón tăng mạnh, nhà vườn thiệt hại kép khi nông sản đầu ra yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO