Gia đình ở chung cư F0 nhiều hơn F1, làm sao để không lây nhiễm chéo?

Phạm Đông| 21/02/2022 08:04

Số ca mắc liên tục tăng cao khiến phần lớn các bệnh nhân phải cách ly, điều trị tại nhà. Tuy nhiên, ở nhiều gia đình, số thành viên F0 nhiều hơn F1. Biện pháp phòng tránh COVID-19, tránh lây nhiễm chéo cho người F1 thế nào?

Gia đình ở chung cư F0 nhiều hơn F1, làm sao để không lây nhiễm chéo?
Gia đình đình bà Thịnh có 3 người mắc COVID-19. Ảnh: NVCC

Lây nhiễm chéo khi cách ly cùng F0 trong nhà chung cư

Gia đình bà Nguyễn Thị Thịnh (60 tuổi, Phương Canh, Nam Từ Liêm, Hà Nội) có 3 thành viên mắc COVID-19, riêng bà là F1 hiện đang được sinh sống cùng nhà với F0. Ban đầu, con trai bà mắc bệnh do lây nhiễm của đồng nghiệp cùng cơ quan và được cách ly điều trị tại nhà.

Tuy nhiên, do sinh sống tại chung cư nên lần lượt con dâu, cháu gái của bà Thịnh đều mắc COVID-19. Theo bà, do chỉ có 2 phòng ngủ và 1 nhà vệ sinh, lại phải cách ly trong không gian hẹp, khép kín nên khả năng lây nhiễm COVID-19 cao hơn những căn nhà bình thường.

Do các thành viên trong gia đình đã có sự lây chéo nhau nên bà Thịnh cũng lo lắng "sớm muộn gì cũng đến lượt mình thành F0". Lúc này, nhà có 2 phòng, con trai bà được cách ly tại phòng riêng, còn con dâu và cháu gái (3 tuổi) được cách ly riêng để chăm sóc con vì cháu hiện đang bị sốt và rất mệt.

Để tránh lây nhiễm, bà Thịnh phải chuyển đồ ra phòng khách để sinh hoạt. Do dùng chung nhà vệ sinh cùng F0 nên rất bất tiện, bà phải mua rất nhiều xịt khuẩn, găng tay, khẩu trang để sử dụng 1 lần. Chỉ 3 ngày bà, đã dùng gần hết 280 đôi găng tay, vì khi bật công tắc nhà tắm hay vào nhà vệ sinh đều phải sử dụng găng tay. Thậm chí, khi lấy đồ ăn, rửa bát cho F0 cũng phải sử dụng găng tay.

Tương tự, gia đình anh Hoàng Tuấn Long (46 tuổi, trú quận Bắc Từ Liêm) có 3 thành viên đều mắc COVID-19. Căn chung cư nhỏ có 2 phòng ngủ, 1 phòng khách và 1 không gian chung. Anh Long được "cách ly" một phòng riêng, các không gian còn lại trong nhà "nhường" 3 F0 (vợ và 2 con).

Theo anh Long, hai người con trai học lớp 8 và 12, sau khi đi học, được nhà trường thông báo trong lớp có F0, chuyển sang học online. Sáng 15.2, con trai lớn xuất hiện triệu chứng ho và sổ mũi, test nhanh cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Từ đó, vợ và người con còn lại cũng nhiễm bệnh, riêng anh Long âm tính.

Anh cho rằng không gian nhà chung cư kín, để giữ tuyệt đối cho bản thân không mắc COVID-19 là điều rất khó. Người con trai thỉnh thoảng ho hắng, nhưng không nghiêm trọng, các thành viên đều sinh hoạt và làm việc bình thường. Mỗi ngày, mỗi thành viên một góc, tự sinh hoạt và làm việc.

Anh Long là F1 duy nhất trong gia đình có 3 F0.
Anh Long là F1 duy nhất trong gia đình có 3 F0.

Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tính đến ngày 18.2, Hà Nội có 161.745 bệnh nhân đang điều trị, cách ly tại nhà, chiếm 96,74% tổng số F0. Hơn 1.000 F0 được điều trị tại khu cách ly; 4.348 bệnh nhân tại các bệnh viện.

Làm sao để giữ an toàn cho F1 trong gia đình?

Nói về khả năng lây nhiễm khi cách ly tại chung cư và cách phòng tránh, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, để tránh lây nhiễm khi sinh sống cùng F0 thì phải ở riêng phòng, mọi sinh hoạt như tắm giặt, ăn uống phải tách biệt với những người mắc bệnh. Bên cạnh đó, khi chung nhà thì dù là F0 hay F1 cũng phải đeo khẩu trang. Đồng thời, F1 phải tự theo dõi sức khoẻ của bản thân trong quá trình cách ly chung với F0.

Khi gia đình xuất hiện trẻ nhỏ là F0, ông Nga cho rằng cần phải có sự phân loại để chăm sóc. Cần phải căn cứ vào sức khoẻ của người chăm đó, nếu họ chưa được tiêm vaccine, có bệnh nền, sức khoẻ yếu thì nguy cơ lây nhiễm là cực lỳ lớn, rủi ro cao. Để phòng tránh tốt hơn, người chăm sóc cần tuân thủ việc đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn liên tục khi cầm nắm vào các vật dụng sinh hoạt.

Một số chung cư dán thông báo những căn hộ có F0 để cư dân phòng tránh.
Một số chung cư dán thông báo những căn hộ có F0 để cư dân phòng tránh.

Đưa ra giải pháp để phòng chống dịch khi sinh sống tại chung cư, ông Nga khuyến cáo mọi thành viên trong gia đình nếu có F0 cần hạn chế nói chuyện với nhau, có thể trao đổi qua điện thoại hoặc tin nhắn. Đặc biệt, cần lưu ý ở những vị trí như bếp nấu, nhà vệ sinh, tay nắm cửa...

Trong đó, nếu phải sử dụng chung nhà vệ sinh thì cả F0 và F1 phải có ý thức. Nếu làm vệ sinh sạch sẽ, giữ nhà vệ sinh thông thoáng thì nguy cơ lây lan không lớn. Mỗi người sau khi sử dụng xong thì nên cọ rửa, dội nước xà phòng, tẩy rửa thì mới đảm bảo an toàn. Người dùng khi đi vệ sinh cần đậy nắp lại mới dội nước để tránh chất thải bắn ra ngoài. Đặc biệt, trong nhà vệ sinh các thành viên không nên ho, khạc nhổ bừa bãi để tránh virus lây lan. Chú ý vệ sinh thườn xuyên các vị trí như tay nắm cửa nhà vệ sinh, công tắc điện.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - cố vấn Khoa Nhiễm thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng, những nơi ở chung cư dễ lây lan virus gồm những hành lang hẹp thường đóng kín cửa, tay nắm cửa và thang máy.

“Khi đi ra ngoài, phải nghĩ mình có thể tiếp xúc với virus thông qua mũi và họng. Cũng có thể tiếp xúc gián tiếp với virus qua bàn tay của mình. Do đó khi đi ra khỏi cửa, nơi hành lang thì phải vắng người mới đi. Đồng thời, phải mang khẩu trang và kính chắn giọt bắn. Khi đi bất cứ chỗ nào cũng phải cầm theo chai nước rửa tay, nếu cầm nắm vào vật gì đó phải sử dụng ngay nước rửa tay”, bác sĩ Khanh khuyến cáo.

Sau khi bấm nút mở thang máy, cửa thang mở ra thì cư dân không nên đi vào ngay mà đợi cho luồng gió trong thang được đẩy hết ra ngoài. Đặc biệt, không được lơ là đối với vùng tay và miệng khi đi ra ngoài hoặc trong thang máy. 

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Gia đình ở chung cư F0 nhiều hơn F1, làm sao để không lây nhiễm chéo?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO