Tiếng khóc trẻ thơ trong ngôi nhà cặp vợ chồng khuyết tật

09/10/2020 12:30

Phép màu đã tới với cặp đôi khuyết tật tưởng chừng không thể sinh con. Tất bật chăm sóc hai bé gái sinh đôi, cuộc đời họ như bước sang trang mới.

Yêu là bất chấp

Anh Can sinh ra và lớn lên như bao đứa trẻ bình thường khác. Đến năm lớp Mười, anh quyết định bỏ học vào Nam kiếm kế sinh nhai, giúp đỡ gia đình. Không lâu sau đó, một tai nạn kinh hoàng đổ ập xuống cuộc đời: anh bị cẩu bê tông rơi thẳng vào lưng. Tỉnh dậy sau cơn mê, anh đau đớn khi biết mình bị chấn thương cột sống, liệt tủy, vĩnh viễn mất cảm giác với đôi chân vốn khỏe mạnh trước đây, và buộc phải ngồi xe lăn suốt đời. Anh cũng mất hoàn toàn khả năng về sinh dục và bài tiết.

Không chịu khuất phục số phận, anh kiên trì đi châm cứu, tập di chuyển trên xe lăn và chăm chỉ bán sim, thẻ điện thoại khắp các chợ gần nhà, vừa để tự nuôi sống bản thân, vừa giúp anh khuây khỏa tinh thần sau những ngày dài liệt nằm một chỗ.

Sự xuất hiện của hai thiên thần nhỏ khiến ngôi nhà đầy ắp tiếng cười
Sự xuất hiện của hai thiên thần nhỏ khiến ngôi nhà đầy ắp tiếng cười

Anh còn nhớ, mỗi khi có “khuyến mại”, người trong khu vực thường ưu tiên mua hàng của anh, gọi là của ít lòng nhiều để giúp đỡ người tật nguyền. Dần dà, nỗi tủi phận cũng vơi đi. Can được hãng Viettel tặng giấy khen, được vui vầy với sự chia sẻ động viên của bà con xung quanh.

Chị Thúy sinh ra và lớn lên trong một gia đình ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Năm lên mười tuổi, chị không may bị viêm màng não. Do di chứng của bệnh, chị vận động rất khó khăn, tay, chân bên trái yếu nên chỉ đi tập tễnh.

Năm 2017, trong một buổi sinh hoạt câu lạc bộ người khuyết tật ở Thanh Hóa, chị Thúy gặp anh Can. Ban đầu chỉ là những lời hỏi thăm xoay quanh cuộc sống hiện tại, vậy mà những câu chuyện tưởng không đầu không cuối lại làm cả hai vui đến lạ. Mưa dầm thấm lâu, thấy anh hiền lành dễ mến, con tim chị Thúy xao xuyến lúc nào không hay.

Chị nói: “Ban đầu mình cảm mến anh bởi đức tính thật thà lại rất đàn ông của anh. Nói chuyện một thời gian, anh Can chủ động giãi bày về bản thân như chuyện đi tiểu, rồi chuyện sinh lý đàn ông bị ảnh hưởng do liệt. Nghe xong mình càng thấy thương anh hơn. Anh Can bảo: “Em nên xuống nhà anh chơi, ở đây thử ít ngày, nếu thấy một người tàn phế như anh mà “chấp nhận được” thì về làm vợ anh”.

Nghe anh nói, mình cũng thủ thỉ: “Em sinh ra tật nguyền, nên đã tự nhủ sẽ không lấy chồng. Nhưng gặp anh, em bị rung động. Chuyện chăn gối có thể cũng quan trọng đấy, nhưng nó sẽ chẳng là gì trước tình người hay một tình yêu đích thực.

Cứ như vậy, cả hai nói chuyện và qua lại suốt tám tháng. Bất chấp những “khiếm khuyết” trên cơ thể, gạt bỏ những lo toan về một tương lai đầy khó khăn, họ quyết định dọn về chung sống vào cuối năm 2017. Họ không ngừng động viên và giúp đỡ nhau, chăm chỉ đi bán vé số, thẻ cào. Với thu nhập ít ỏi, họ nương vào nhau sống một cuộc đời bình yên.

Phép mầu kỳ diệu

Sau những ngày dài sống chung dưới một mái nhà, họ bắt đầu mong mỏi có được một mụn con để vui vầy sớm tối. Chị Thúy nói: “Mình ước ao được thực hiện thiên chức làm mẹ. Vợ chồng cũng muốn có con nối dõi tông đường, làm chỗ nương tựa tuổi già bóng xế”.

Bản năng làm mẹ luôn trỗi dậy trong tâm trí chị. Dù rất nhiều hạn chế về sức khỏe, thiếu thốn về kinh tế, nhưng anh chị vẫn luôn hy vọng sẽ có được con nhờ kỹ thuật hiện đại. Từ suy nghĩ ấy, anh Can chị Thúy bước vào hành trình tìm con bằng cách làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Giữa năm 2018, với số tiền dành dụm cùng khoản vay từ một người bạn, anh chị khăn gói lên Hà Nội. Qua thăm khám sàng lọc và kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy cả hai vợ chồng đều đảm bảo sức khỏe để tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm.

Vợ chồng anh Can, chị Thúy
Vợ chồng anh Can, chị Thúy những ngày chị mang bầu

Không giấu được cảm xúc khi được bác sĩ thông báo tình trạng sức khỏe, anh nói: “Nghe bác sĩ nói “vẫn còn cơ hội làm cha”, mình chỉ muốn hét lên thật to vì sung sướng. Mình đã từng nghĩ cơ thể tàn tật, không có chuyện chăn gối thì sẽ chẳng thể có con. Vậy mà y học hiện đại lại có thể giúp mình điều đó, thì không còn hạnh phúc nào bằng”.

Ngay lần đầu mổ vi phẫu, bác sĩ đã tìm được tinh trùng khỏe, chất lượng để làm IVF cho vợ chồng anh Can. Nửa năm sau đó, anh Can đưa vợ đi kích trứng. Và phải chờ thêm một thời gian, khi dành dụm thêm được ít tiền, vợ chồng mới quyết định chuyển phôi. Chị Thúy không giấu được cảm xúc: “Hôm ấy, cả hai vợ chồng đều rất hoang mang. Nhiều bạn bè cùng cảnh ngộ khuyết tật phải chuyển phôi bốn năm lần mà chưa được. Không biết mình có may mắn thành công ngay lần đầu không, vì nếu không, chắc vợ chồng mình không đủ tiền để làm IVF thêm một lần nữa”.

Nửa tháng sau chuyển phôi, chị Thúy chủ động một mình đi xét nghiệm beta HCG, anh Can ngồi nhà ôm khư khư điện thoại. Khi nhận được tin nhắn: “Vợ có bầu rồi”, anh mừng quá hét một tiếng thật to, rồi cứ ngồi cười một mình. Hạnh phúc đến quá bất ngờ, tựa như một phép mầu.

Chị Thúy thấy mình thật sự may mắn khi thai kỳ trôi qua khá thuận lợi. Chị chỉ bị ốm nghén chút ít, vẫn ăn uống đều đặn. Chỉ có điều, do mang song thai, bản thân lại kém vận động nên mọi sinh hoạt của chị gặp đôi chút khó khăn. Vì có tiền sử mắc bệnh cao huyết áp nên những tuần cuối của thai kỳ, chị phải thường xuyên đi bệnh viện kiểm tra. Nhận định đây là một trường hợp đặc biệt và có nhiều nguy cơ nên bác sĩ theo dõi thai kỳ cho chị đã tư vấn các phương án đem lại hiệu quả tốt nhất cho cả mẹ và bé.

Đến tuần 35 của thai kỳ, hai thiên thần Thiên An và Thiên Ý chào đời khỏe mạnh, lành lặn, khiến cả nhà không giấu được nước mắt hạnh phúc. Mặc dù niềm vui nhân đôi, nhưng những ngày sau đó, vợ chồng anh Can lại phải đối diện với vô vàn nỗi lo trong việc chăm sóc, nuôi nấng hai em bé còn đỏ hỏn.

Chị Thúy sinh mổ, anh Can khó khăn trong việc đi lại, nên chị Thúy được nhà ngoại đón về chăm sóc. Khi các con được hơn một tháng, anh Can mới đón vợ con về sống cùng mình. May mắn các con ngoan ngoãn nên vợ chồng anh cũng bớt vất vả.

Hiện nay, ngoài việc đi bán sim, thẻ ở chợ, anh Can còn tranh thủ giúp đỡ vợ chăm con. Hai đứa trẻ đã được ba tháng tuổi, sức khỏe chị Thúy cũng đã ổn định hơn, chị cũng đã chăm được con nên vợ chồng anh cứ san sẻ công việc cho nhau. Nói đến đây, anh Can bộc bạch: “Nuôi con chưa bao giờ là công việc dễ dàng với bất kỳ ông bố bà mẹ nào. Hành trình ấy sẽ càng gian khó hơn nếu gia đình ấy có bố hoặc mẹ hoặc cả hai đều không lành lặn. Nuôi một bé đã vất vả, nhà mình có hai bé sinh đôi nên càng vất vả hơn. Đặc biệt khá tốn kém về tiền sữa, bỉm. Tuy nhiên, con cái là lộc trời cho nên mình luôn cố gắng để giúp vợ con có cuộc sống tốt nhất”.

Mỗi lần bế hai con trên tay, anh Can cảm thấy rất mãn nguyện. Dẫu biết chặng đường phía trước còn rất dài và gian nan, nhưng anh tin vợ chồng anh sẽ vượt qua tất cả, để mang những điều tốt đẹp nhất đến cho các con.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Tiếng khóc trẻ thơ trong ngôi nhà cặp vợ chồng khuyết tật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO