Em bé qua đời vì té chấn thương sọ não nhưng không được phát hiện kịp thời

Phương Linh| 13/04/2022 11:49

Tại phòng khám tư, bác sĩ không phát hiện dấu hiệu nguy hiểm của trẻ, chỉ cho thuốc giảm đau về uống. Sáng hôm sau, phát hiện con bị hôn mê cha mẹ mới đưa đến bệnh viện thì đã quá muộn.

Câu chuyện đau lòng

TS.BS Trần Chí Cường vừa chia sẻ câu chuyện bé trai 8 tuổi tử vong do chấn thương sọ não khi té ngã đập đầu. Đây là câu chuyện đau lòng và là bài học cảnh tỉnh cho nhiều phụ huynh có con nhỏ.

Bác sĩ Cường cho biết sau khi té ngã, sau gáy bệnh nhi bị sưng to. Ban đầu, gia đình bé đưa con đi khám ở một phòng khám tư gần nhà. Tại đây, bác sĩ không phát hiện dấu hiệu nguy hiểm cho bệnh nhi, không chẩn đoán chấn thương sọ não có xuất huyết não và xử trí sớm. Vị bác sĩ chẩn đoán em bé chỉ sưng đau thông thường và cho thuốc giảm đau về uống.

unnamed-768x375.jpeg
Hình ảnh phim chụp của bé trai 8 tuổi. Ảnh: BSCC.

Sáng hôm sau, phát hiện bé bị hôn mê, ba mẹ bé đưa con đưa đi Bệnh viện đột quỵ Cần Thơ cấp cứu nhưng đã muộn, bé đã ngưng tim.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 4 triệu trẻ em bị chấn thương sọ não. Nguyên nhân phổ biến nhất gây chấn thương sọ não ở trẻ dưới 5 tuổi là do trẻ bị ngã tại nhà đập đầu vào đồ đạc và vật dụng trong nhà như: cầu thang, sàn nhà, giường, tường, bàn ghế hoặc trẻ bị bạo hành…

Theo bác sĩ Cường, chấn thương sọ não xảy ra khi có va đập vào vùng đầu gây ra các tổn thương đến da đầu, xương sọ và bộ não. Các tổn thương này sẽ dẫn đến các thay đổi về thực thể, sinh lý, chức năng của hệ thần kinh trung ương.

“Trẻ em bị chấn thương ở đầu có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết não vì hộp sọ các bé còn rất mềm. Tuy nhiên, một số chấn thương sọ não ở trẻ nhỏ rất dễ bị bỏ sót”, bác sĩ Cường chia sẻ.

Tại sao trẻ bị chấn thương sọ não nguy hiểm bị bỏ qua?

Lý giải vì sao trẻ bị chấn thương sọ não khi bị té lại bị bỏ sót hoặc phát hiện muộn, bác sĩ Cường cho rằng, khi trẻ bị té ngã không nói lại vì không chủ động, không biết mức độ nghiêm trọng hoặc có thể sợ cha mẹ la mắng nên giấu. Vì vậy, cha mẹ khi tắm rửa cho con nếu thấy có vết bầm trầy trên đầu hoặc nghi ngờ trẻ va chạm do chấn thương thì nên hỏi kỹ.

1.jpeg
Hình ảnh máu tụ rất nhiều tại vùng chẩm (sau gáy) của bệnh nhi 8 tuổi. Ảnh: BSCC.

Theo Bs Cường, trẻ em bị đánh vào đầu có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết não vì hộp sọ rất mềm. Chẩn đoán sớm có thể cứu được các cháu. Nếu không chẩn đoán, não các cháu dễ bị tổn thương dẫn đến tử vong.

Nhiều trẻ, thậm chí người lớn, sau khi bị ngã nhưng gia đình không để ý, chỉ nghĩ là sang chấn nhẹ không theo dõi hay kiểm tra thì bệnh nhân có thể diễn tiến đến ngủ gà hoặc lơ mơ, nôn ói, đó là dấu hiệu cho thấy tổn thương thần kinh.

Có trường hợp thì máu tụ xuất hiện trong não, não bị phù, nếu không chẩn đoán, cấp cứu kịp thời bệnh nhân sẽ bị hôn mê và tử vong rất nhanh.

Vì vậy, Bs Cường khuyến cáo, khi bị té ngã nếu vết thương, vết bầm trên da đầu thường liên quan đến chấn thương bên trong.

Đặc biệt, trẻ ở tuổi tập đi rất hay bị ngã và trẻ bị ngã ở tư thế đang đi hay chạy trên mặt đất thường không gây chấn thương đầu nghiêm trọng. Kích thước của vết sưng trên đầu không liên quan với mức độ nặng của chấn thương.

Sau khi va đập (nguy hiểm nhất là va đập vào sau gáy – vùng chẩm), nếu bệnh nhân bị đau đầu, ói và lơ mơ, đó là triệu chứng điển hình của chấn thương sọ não. Bệnh nhân có thể dẫn đến hôn mê và yếu liệt.

Với trẻ nhỏ, nếu trẻ biết nói sẽ than mình bị đau đầu, trẻ chưa biết nói sẽ quấy khóc và nôn ói, ngủ gà. Nếu gặp phải các triệu chứng đó, phụ huynh cần đưa các cháu đi khám bác sĩ ngay.

Thời gian cấp cứu chấn thương sọ não dài hơn đột quỵ nhưng vẫn phải nhanh nhất, càng nhanh thì di chứng để lại càng ít. Thời gian vàng để cấp cứu trong 6 đến 12 giờ đầu.

tre-bi-chan-thuong-so-nao.jpg
Theo bác sĩ Cường, trẻ em bị chấn thương ở đầu có thể dẫn đến tình trạng xuất huyết não vì hộp sọ các bé còn rất mềm. Ảnh minh họa một em bé phải cấp cứu do chấn thương sọ não.

Những lưu ý khi con bị té ngã

Khi trẻ bị ngã, phụ huynh cần bình tĩnh và đánh giá tổn thương của trẻ để xử lý, không tự ý nâng đầu hoặc đỡ trẻ sai cách khiến trẻ hoảng sợ, nếu trẻ la khóc, không giữ được bình tĩnh thì cố gắng động viên, trấn an trẻ.

Chấn thương sọ não thường đi kèm với các chấn thương khác, nhất là cột sống cổ nên trẻ cần hạn chế tối đa các cử động khu vực này.
Việc cha mẹ tự ý nâng đầu, xoa đầu cho trẻ có thể gây chấn thương nặng nề hơn. Việc quan trọng nữa là cần đưa trẻ đến cơ sở y tế với chuyên khoa thần kinh càng sớm càng tốt.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Em bé qua đời vì té chấn thương sọ não nhưng không được phát hiện kịp thời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO