Đừng xem việc trẻ không bình thường là bình thường

09/02/2023 07:35

Ước tính tại Việt Nam có trên 3 triệu thanh, thiếu niên gặp các vấn đề tâm lý nhưng chỉ khoảng 20% được hỗ trợ.

Nhiều người hay nghĩ trẻ con đang tuổi ăn tuổi lớn có gì mà áp lực, căng thẳng, trầm cảm… Học hành mới khó khăn một chút đã than thở, chán nản, bất mãn.

Tuy nhiên, với không ít đứa trẻ, khó khăn bé tí cũng trở thành vấn đề lớn, chỉ là trẻ thiếu khả năng bày tỏ, thông báo với người lớn. Dần dà, những chất chứa, ức chế tâm lý khiến trẻ hành động thiếu kiểm soát, gây tổn hại cho bản thân và người khác.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Shutterstock

Cố tỏ ra mạnh mẽ 

Dù đã 1 năm qua, nhiều giáo viên, nhân viên, học sinh Trường THPT N.H.T. (quận 4, TPHCM) vẫn còn ám ảnh vụ việc em N. - học sinh giỏi của trường - đã gieo mình từ tầng 3 sau câu nói “nhảy lầu đây”. N. có dấu hiệu trầm cảm và rất nhiều lần ra hiệu cảnh báo cho người xung quanh thông qua hành động, lời nói “có phần khác thường”, đặc biệt là ý định tự tử.

N. sống với bà nội và ba từ nhỏ, thiếu tình cảm của mẹ, ba lại thường xuyên vắng nhà hoặc ít có thời gian quan tâm nên lúc gặp khó khăn, cần tâm sự, em không biết bày tỏ cùng ai.

Có lần, tôi được mời tham gia một chương trình tư vấn tâm lý, N. cũng là nhân vật xuất hiện trong chương trình, em bộc bạch: “Em thấy cô đơn khi về nhà, ba em thuộc kiểu người sao cũng được, ba không đặt kỳ vọng, cũng không thất vọng khi em học không tốt”. Em vốn cầu toàn nên cố gắng hết sức để luôn là học sinh giỏi, không để gia đình buồn lòng, nhưng sâu thẳm trong em chất chứa nhiều tâm tư, buồn tủi và cảm thấy cô độc ngay trong trường học, trong chính gia đình của mình.

Tự tử chính là “cái kết” cho việc cảm xúc đã “rơi tự do” quá lâu. Em bảo: “Nó tự nhiên tới, em không điều khiển được”. Ngoài mặt, N. nói cười với bạn bè, học giỏi và gương mẫu, ở nhà là cháu ngoan, là đứa con biết điều, hiểu chuyện nhưng bên trong em phải chịu đựng nhiều áp lực tâm lý nhưng vẫn cố tỏ ra mình ổn.

Ảnh mang tính minh họa - Jcomp
Ảnh mang tính minh họa - Jcomp

Có lần tôi tiếp chị H. (TP Thủ Đức, TPHCM), con gái chị phát hiện bản thân trầm cảm từ năm lớp Mười nhưng “cố chịu đựng” suốt một thời gian dài vì sợ gia đình lo lắng. Nhà chị H. làm ăn thua lỗ, phá sản, chồng bị tai biến, chị mất việc, con trai còn quá nhỏ nên cô con gái lớn tự nguyện gánh vác mọi việc.

Con gái chị cố quên đi tình trạng bệnh của mình, đi làm kiếm tiền, tự thăm khám và mua thuốc. Sau cùng chị và người nhà biết chuyện nhưng không thể giúp gì cho con vì cháu luôn tỏ ra mạnh mẽ: “Con không sao, ba mẹ đừng lo”. Mãi đến năm 4 đại học, con chịu không nổi mới đồng ý đến gặp chuyên gia tâm lý.

Ngày tôi hẹn gặp lại hai mẹ con để bắt đầu công cuộc hỗ trợ thì nghe chị H. gọi: “Con bé đã về trời rồi thầy ạ”. Người mẹ ân hận vì bản thân đã không phát hiện sớm, không quyết liệt hơn trong việc giúp con điều trị khi hay chuyện, chị cứ nghĩ con ổn, cuối cùng chị mất con trong đau đớn, giày vò.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cứ 20 người bình thường sẽ có 1 người đã từng trải qua một giai đoạn trầm cảm trong năm trước. Mỗi năm trung bình có 850.000 người chết vì trầm cảm. Rối loạn trầm cảm không phân biệt giới tính hay độ tuổi, nhưng tỉ lệ mắc chứng trầm cảm ở phụ nữ gấp đôi nam giới.

Hiện nay trầm cảm đang có xu hướng trẻ hóa với độ tuổi từ 15-27 thay vì 60-65 như trước đây. Tại TPHCM, số lượng bệnh nhân đến thăm khám các bệnh lý liên quan đến trầm cảm tăng 20 - 30% mỗi năm.

Gần đây, các bệnh viện cũng ghi nhận có sự gia tăng đáng kể của bệnh nhân trầm cảm trẻ tuổi, đa số là học sinh, sinh viên.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Freepik

Con phải gánh quá nhiều trọng trách 

Tháng 10/2022, nhận ra nhu cầu quá lớn từ phụ huynh và các con sau nhiều năm làm tư vấn tâm lý, tôi khởi động dự án “Tâm sự cùng người lạ” với đa dạng hình thức tư vấn: tư vấn trực tiếp, tư vấn tại nhà, tư vấn thông qua các chuyến đi và tư vấn trực tuyến. Nhiều lượt đăng ký với đa dạng vấn đề từ ly hôn, khủng hoảng tâm lý, nuôi dạy con cho đến việc gặp rắc rối trong giao tiếp với con cái; trong đó chiếm hơn 50% số lượng đặt lịch với lý do “con tôi có ý định tự tử”. Đa phần con cái/học sinh trong trường hợp này rơi vào độ tuổi dậy thì.

Chị Ng. (quận 7, TPHCM) có cậu con trai 11 tuổi đang gặp vấn đề, chia sẻ: “Con tôi bảo không muốn sống với lý do mẹ không cho con vận động mạnh và chơi thể thao”. Chị rất lo lắng nhưng vô phương khuyên bảo con.

Câu chuyện này xuất phát từ việc, con trai chị T. gặp chấn thương nên phải bó bột một thời gian. Người lớn vì muốn đảm bảo con ổn và bình phục sớm nên nói tạm thời không được vận động mạnh, không chơi thể thao. Chỉ như vậy thôi, nhưng cậu bé lại nghĩ gia đình không quan tâm đến cảm xúc của mình, một mực đòi sống, đòi chết.

Chị H.X. (quận 8, TPHCM) mong được tư vấn sớm với lý do con gái năm nay học lớp Bảy nhưng rất bất ổn, mệt mỏi, hay đau đầu, ngại giao tiếp với người nhà, không tập trung, ngủ nhiều, dễ tủi thân, hay cau có. Có lần bé bảo không muốn sống nữa. Con rất cần giải tỏa tâm lý, tạo động lực và hạn chế suy nghĩ nhiều. Được biết, con chị X., ngoài chịu sự quản thúc của mẹ, còn gặp nhiều áp lực khi giao tiếp với chị gái gần 20 tuổi, nói năng rất khó nghe, cách dạy em khá “phát xít” và đòi hỏi cao.

Thực tế, nhiều trẻ hiện bận rộn học chính khóa cộng với học thêm suốt tuần, từ sáng tới đêm, cuối tuần còn bị ép tham gia các lớp năng khiếu, bồi dưỡng, gần như không còn thời gian nghỉ ngơi, vui chơi và quây quần bên gia đình. Nhiều phụ huynh đặt lên vai con mình nhiều trọng trách: học giỏi, ngoan hiền, tài năng, khôn khéo… mà không quan tâm đến cảm giác của con, khiến trẻ cảm thấy buồn tủi, cô đơn và mệt mỏi.

Lâu dần sản sinh nhiều bất ổn cả về thể chất lẫn tâm lý nhưng phụ huynh không đủ kiến thức để nhận ra và đưa trẻ đi thăm khám để được hỗ trợ kịp thời.

Ảnh mang tính minh họa - Freepik
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Freepik

Theo nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF), khoảng 8 - 29% trẻ em đang trong độ tuổi vị thành niên ở Việt Nam mắc các bệnh về sức khỏe tâm thần. Nhiều chuyên gia lý giải rằng, việc thường xuyên gặp áp lực học hành, thi cử cũng như sự kỳ vọng quá lớn của cha mẹ là 2 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bất ổn tâm lý ở trẻ, đặc biệt là việc trẻ hóa rối loạn trầm cảm ở Việt Nam hiện nay.

Ước tính tại Việt Nam có trên 3 triệu thanh, thiếu niên gặp các vấn đề tâm lý nhưng chỉ khoảng 20% được hỗ trợ.

Cởi trói và cởi mở hơn với con 

Muốn tâm lý của con cái ổn định, được cởi trói khỏi những áp lực, phụ huynh cần cởi mở hơn trong việc giáo dục con, không đặt kỳ vọng quá cao, không bắt con “gánh vác ước mơ thay mình”. Để trẻ được sống đúng tuổi và không “tước đi tuổi thơ” của con bằng lịch trình học tập, rèn luyện quá sức, thiếu khoa học và cân nhắc.

Chỉ khi phụ huynh có hành động cụ thể như thay đổi góc nhìn, tìm hiểu đặc điểm tâm lý lứa tuổi, giao tiếp khéo léo, không ép con học tập trong sự mệt mỏi, căng thẳng; cho con bước ra ngoài khám phá thế giới, thiên nhiên, văn hóa, con người, trò chuyện, tâm sự thường xuyên để hiểu con… mới có thể giúp con đạt được sự cân bằng trong cuộc sống hằng ngày. Khỏe về thể chất nhất thiết phải đi đôi với lành mạnh và ổn định về tâm lý. Đây là tiêu chí cơ bản đảm bảo sự khỏe mạnh.

Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn: Lifestylememory

Riêng đối với các trường hợp trẻ em có biểu hiện bất thường như mệt mỏi, đau đầu, chóng mặt, chán ăn, rối loạn giấc ngủ, lo âu, sợ hãi, ám ảnh, muốn nghỉ học, sợ giao tiếp hoặc thể hiện ý định muốn tự tử… phụ huynh không nên chủ quan, lơ là hay xem nhẹ.

Phải thu thập đầy đủ thông tin từ nhiều nguồn, đưa trẻ đến các cơ sở y tế, làm các xét nghiệm y khoa, đánh giá tâm lý để xác định vấn đề nhằm hỗ trợ con trẻ kịp thời, tránh hậu quả đáng tiếc.

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân 

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đừng xem việc trẻ không bình thường là bình thường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO