Ngồi bên cạnh chỗ tôi, ngoài Nghiệp còn có Bích, bí thư chi đoàn kiêm lớp trưởng lớp 8C. Hồi học lớp Năm ở trường cấp hai Hải Hà, tôi đã học một lớp với Bích. Hai năm trời xa bẵng, tình cờ nay lại được gặp nhau. Ngồi tâm sự, Bích thường vỗ vai tôi nói:
- Giá biết vậy, hồi ấy mình cũng xin về trường cấp hai Hải Phương học với Ký thì hay biết mấy.
Hằng ngày đi học về Bích phải đi bộ theo con đường mòn qua xóm tôi. Hai chúng tôi vì thế đã trở thành đôi bạn đường thân thiết. Ngày nào đến lớp Bích cũng vào tận nhà gọi tôi cùng đi. Bích sửa lại hộ tôi chiếc cổ áo, quàng lại cho tôi chiếc khăn đỏ.

- Chiếc khăn này chắc Ký quàng lâu lắm rồi nhỉ? - Bích nhẹ giọng hỏi tôi.
- Ừ, gần năm năm rồi đấy.
- Thế Ký đã nghĩ đến ngày sẽ thay nó bằng chiếc huy hiệu Đoàn chưa?
Tôi biết ngay là Bích có ý nói đến việc vào Đoàn của tôi. Tôi nhìn Bích, đáp nhỏ:
- Nhất định có chứ. Mình sắp hết tuổi Đội rồi còn gì.
- Mình cũng mong Ký suy nghĩ và cố gắng để đến khi ra Đội sẽ được vào Đoàn ngay. Mình cũng như cả chi đoàn đều rất mong và tin ở cậu.
Thầy Chử trong ban phụ trách Đội thiếu niên tiền phong của trường, một lần đến chơi nhà tôi, cũng cặn kẽ khuyên:
- Ký nên cố gắng phấn đấu em ạ! Được các thầy và các bạn chú ý chăm sóc, em càng phải cố gắng hơn nữa. Tuổi Đội của em sắp hết. Em phải phấn đấu trở thành một đoàn viên ngay sau khi ra Đội. Trước mắt, em phải khiêm tốn học hỏi bạn bè, giữ vững danh hiệu một học sinh tiên tiến.
Nghe thầy Chử nói, tôi bỗng nhớ ngay đến chiếc huy hiệu Đoàn mà thầy Châu tặng. Tự suy nghĩ về mình, tôi cảm thấy ân hận. Quả thật gần hai tháng qua, từ khi bước vào lớp Tám tôi học có phần sút hơn trước. Tôi bị một điểm ba về toán. Tôi đã chủ quan. Tôi có phần tự phụ trong học tập rồi. Lời khuyên của thầy Chử có ý nhắc nhở tôi điều này. Đúng rồi, tôi phải kịp thời sửa chữa ngay.
“Hãy phấn đấu. Hãy đừng để cho một phút nào của tuổi trẻ trôi đi hoài phí”.
Sau khi suy nghĩ, tôi thầm nói với mình như vậy.
Tôi bắt đầu đề ra cho mình cách học mới. Một hôm có giờ giảng văn. Tôi say sưa nghe thầy giảng. Đến một ý quan trọng, tôi cúi xuống định cầm bút ghi vào vở. Nhưng lạ thay, tôi không thấy quyển vở của mình đâu nữa. Tôi quay hỏi mấy bạn ngồi gần đấy, nhưng vẫn chẳng ai nhận cả. Tôi đành ngồi lặng nghe thầy giảng tiếp.
Hết giờ, cả lớp đứng dậy chào thầy. Thầy bước ra khỏi cửa, tôi quay nhìn lại cái bàn của mình. Thật kỳ lạ, quyển vở của tôi bỗng hiện ra ngay ngắn trên đó. Tôi vội mở ra xem và bỗng tròn mắt ngạc nhiên khi thấy trên trang vừa ghi dở bài học, ai đó đã ghi tiếp trọn cả bài hộ tôi rồi. Tất cả có tới hơn ba trang chứ không ít.

- Ông bạn nào buồn cười thế này. Lấy vở ghi hộ bài người ta mà chả nói gì. Ghi lại dài như bè muống thế này, học làm sao mà vào được. - Tôi cười và quay sang hỏi mấy bạn chung quanh.
Nhưng các bạn cũng chỉ nhìn tôi cười. Chẳng ai nói gì cả.
Chăm chú nhìn lại nét chữ, lần này tôi nhận ra chữ của Nghiệp.
- Nghiệp! Đúng mày là “thủ phạm” rồi. Thế mà cứ im thin thít. Tao chẳng thích chơi thế đâu.
- Vẫn biết mày ghi được. Nhưng hôm nay trời lạnh quá. Bọn tao ngồi viết mà cũng thấy cứng tay nữa là mày. Thấy mày mãi mới viết được mấy chữ, tao biết ngay là mày bị cóng chân không ghi được, nên tao làm thế.
- Không phải thế đâu Nghiệp ạ! Không phải vì lạnh quá mà mình không ghi được bài đâu. Đây là cách ghi bài nằm trong phương pháp học tập mới của mình đấy.
Tôi chủ trương ghi ít, nghe là chính. Trong giờ học, bao giờ tôi cũng đặt sách giáo khoa trước mặt. Khi thầy nhấn mạnh ý nào, tôi dùng bút chì màu gạch dưới ngay ý ấy trong sách. Tôi chỉ ghi tóm tắt những ý chính vào vở. Tôi cố gắng tập trung tư tưởng, nghe đến đâu là hiểu đến đấy.
Vì bài vở bây giờ đã nhiều hơn gấp bội so với những năm cấp hai. Mỗi buổi không còn học bốn tiết mà đã học năm tiết. Khi giảng, các thầy lại nói nhanh. Mỗi lần ghi xong bài, ngẩng lên là thấy lưng mỏi nhừ. Có khi ghi không kịp, phải bỏ trắng giữa bài.
Cách ghi mới này đã giúp tôi khắc phục được phần nào những khó khăn ấy.
Tôi tiếp tục kể cho Nghiệp nghe cách học ở nhà.
Buổi tối đi học về, ăn cơm xong là tôi bắt đầu ngồi học. Để tập trung tư tưởng và học đều các môn, tôi quy định thời gian học cụ thể cho từng môn một. Môn nào dễ thì ít giờ, môn nào khó sẽ nhiều giờ hơn. Chia xong giờ học cụ thể cho từng môn tôi liền ghi ra giấy, đặt trước bàn học bên cạnh chiếc đồng hồ. Khi kim đồng hồ chỉ hết giờ học môn nào là tôi chuyển ngay sang học môn khác. Do vậy, khi học bài tôi phải tập trung tư tưởng tìm mọi cách học bằng thuộc trong số giờ đã định sẵn.
Trích sách Tôi đi học.