Dự luật hải cảnh Trung Quốc: Tăng hiện diện, ‘đòn thử’ với tân Tổng thống Mỹ

10/11/2020 07:07

Trong khi dư luận thế giới tập trung theo dõi bầu cử ở Mỹ thì căng thẳng trên Biển Đông vẫn không thuyên giảm với các hành động đầy khiêu khích từ Bắc Kinh.

Mới đây, Chính phủ Trung Quốc đã công bố dự thảo luật Hải cảnh với mục tiêu thông qua dự luật này trong năm nay. Mặc dù Bắc Kinh tuyên bố rằng dự luật này nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên dưới biển và ngành ngư nghiệp Trung Quốc nhưng nó cũng là dấu hiệu báo trước các vụ xâm phạm vùng biển của các quốc gia ven Biển Đông và Biển Hoa Đông do tàu Trung Quốc thực hiện sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Dự luật này được công bố trên trang mạng của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Nhân Đại - tức Quốc hội Trung Quốc) hôm 4/11 để trưng cầu ý dân cho đến ngày 3/12.

Hải cảnh tăng cường hiện diện

Đặc biệt, điều 19 của dự luật trao quyền cho lực lượng hải cảnh Trung Quốc, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí, khi chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán bị các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài xâm phạm bất hợp pháp trên biển hoặc đối mặt với nguy cơ sắp bị xâm phạm bất hợp pháp. Dự luật cũng làm rõ những loại vũ khí - cầm tay, trên tàu hoặc trên không - có thể được sử dụng trong các trường hợp khác nhau.

Dự luật hải cảnh Trung Quốc: Tăng hiện diện, ‘đòn thử’ với tân Tổng thống Mỹ
Tàu hải cảnh Trung Quốc

Dự luật cũng cho phép lực lượng hải cảnh đưa các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi lấp, cải tạo và xây dựng trái phép trên Biển Đông (trong đó có 7 thực thể tại quần đảo Trường Sa và một số thực thể tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam) vào trong phạm vi bảo vệ của lực lượng này, cho phép họ tham gia thực thi pháp luật trên tất cả các vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và cả trên không.

Thậm chí, dự luật còn cho phép hải cảnh dỡ bỏ các công trình do nước ngoài xây dựng tại những vùng biển thuộc "quyền quản lý" của lực lượng này. Ngoài ra, hải cảnh còn được tịch thu và tiêu hủy tàu nước ngoài nếu họ "xâm phạm trái phép vùng biển" của Trung Quốc.

Thông tin từ Bắc Kinh cho biết dự luật này nhằm cho phép hải cảnh tăng cường sự hiện diện trên các vùng biển, do vậy tới đây lực lượng này sẽ đẩy mạnh hoạt động trên Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Bước đi nguy hiểm

Trên thực tế, dự luật này đã được đưa ra thảo luận tại Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc từ trung tuần tháng 10 và có khả năng sẽ được Quốc hội Trung Quốc thông qua trong tháng 12.

Truyền thông Nhật Bản nhận định đây là bước đi nguy hiểm và đe dọa trực tiếp tới an ninh chủ quyền lãnh thổ của Nhật Bản cũng như một số quốc gia láng giềng khác với Trung Quốc.

Lực lượng hải cảnh Trung Quốc được thành lập năm 2013, đã được đưa vào lực lượng cảnh sát vũ trang và nằm dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương từ năm 2018. Trong dự thảo lần này có ghi rõ rằng, hải cảnh được phép thực thi các nhiệm vụ tác chiến phòng ngự, một ý đồ nhằm khẳng định vai trò của hải cảnh là một đơn vị vũ trang bán quân sự.

Hợp nhất dần hải cảnh - hải quân Trung Quốc

Dự luật này cũng là bước đi nhằm tăng cường sự hợp tác giữa hải cảnh và hải quân Trung Quốc. Các chuyên gia nhận thấy rằng, thực chất hải cảnh đang dần dần hợp nhất với hải quân Trung Quốc.

Theo qui định trong luật Lực lượng cảnh sát vũ trang sửa đổi thông qua hồi tháng 6, tàu của hải cảnh sẽ cùng tàu hải quân tham gia các chiến dịch tác chiến quân sự khi xảy ra chiến sự. Ngay cả trong thời bình, hải cảnh cũng sẽ tham gia huấn luyện, tập trận và cứu hộ, cứu nạn chung với hải quân.

Mục đích của Trung Quốc là tạo ra trạng thái sẵn sàng và nhanh chóng chuyển từ việc bảo vệ an ninh trên biển thông thường sang hoạt động quân sự trong thời chiến. Hiện nay, người đứng đầu hải cảnh là một cựu tướng lĩnh hải quân trước đây.

Tính tới cuối năm ngoái, số tàu tuần tra của lực lượng hải cảnh Trung Quốc là khoảng 130 chiếc, gấp đôi số tàu của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG - 66 chiếc). Một số tàu hải cảnh Trung Quốc trên 10.000 tấn đã được trang bị các loại pháo cỡ 76mm.

Dự luật hải cảnh Trung Quốc: Tăng hiện diện, ‘đòn thử’ với tân Tổng thống Mỹ
Tàu hải cảnh Trung Quốc trong một chuyến áp sát Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: JCG

Theo nhận định của báo Nikkei, dự thảo luật này nếu được thông qua sẽ đẩy nguy cơ xung đột trên vùng biển Senkaku lên cao vì nó cho phép hải cảnh Trung Quốc sử dụng các loại vũ khí trang bị trên tàu để tấn công các tàu nước ngoài xâm phạm chủ quyền của Trung Quốc.

So sánh với JCG, các điều khoản áp dụng quyền sử dụng vũ khí của hải cảnh Trung Quốc nới lỏng hơn nhiều. Khi tình huống chưa đáp ứng đủ 4 điều kiện được qui định nghiêm ngặt, thì JCG không được phép gây tổn hại tới đối phương.

Động thái trên của Bắc Kinh khiến Tokyo hết sức lo ngại. Ngay sau khi có thông tin này, Chánh văn phòng Nội các Katsunobu Kato cho biết Nhật Bản đang theo dõi sát sao các diễn biến liên quan tới lực lượng hải cảnh Trung Quốc.

Ông nhấn mạnh Tokyo sẽ nỗ lực hết sức để tiến hành các hoạt động cảnh báo và giám sát trên các vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku, ứng phó với các động thái của Trung Quốc một cách bình tĩnh và kiên quyết, mặt khác sẽ tiếp tục phối hợp giữa các bộ ngành để thu thập thông tin về vụ việc này.

Đòn thăm dò

Chuyên gia Bonnie Glaser, Giám đốc dự án Sức mạnh Trung Quốc, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế của Hoa Kỳ bình luận trên Twitter của mình về dự luật sắp được thông qua này: “Nếu đúng, điều này khá đáng lo ngại, sẽ dẫn đến khả năng bạo lực gia tăng ở các vùng biển tranh chấp”.

Đây cũng là một “đòn” thăm dò của Bắc Kinh đối với Tổng thống và chính quyền mới của Hoa Kỳ. Cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung vẫn đang diễn biến hết sức quyết liệt trên 3 mặt trận: Chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ và Biển Đông.

Giới quan sát cho rằng, chính sách về Trung Quốc của tân Tổng thống sẽ mang dấu ấn của chính quyền Obama trước đó và sẽ không “mạnh tay” với Trung Quốc như thời ông Trump, cho nên đây cũng sẽ là bài “thử” phản ứng từ chính quyền mới của Hoa Kỳ.

Phản ứng trước hành động này của Trung Quốc, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Dương Hoài Nam đã phát biểu: “Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Việt Nam luôn ủng hộ giải quyết các tranh chấp thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982”.

Đáng chú ý là ngày 3/11, với tư cách quốc gia Chủ tịch luân phiên ASEAN năm 2020, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức cuộc hội thảo trực tuyến giữa 10 nước Đông Nam Á với Trung Quốc về nội dung “đối xử công bằng và nhân đạo với ngư dân” và thúc đẩy đưa vấn đề trở thành “lĩnh vực hợp tác ưu tiên” giữa hai phía.

Tuy Trung Quốc luôn nói tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS và sẵn sàng giải quyết với các bên tranh chấp biển với Trung Quốc bằng biện pháp đối thoại, song trong thực tế, hành động của Trung Quốc luôn đi ngược lại.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Dự luật hải cảnh Trung Quốc: Tăng hiện diện, ‘đòn thử’ với tân Tổng thống Mỹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO