Dự án nghiên cứu bào chế vaccine của Malaysia đạt tiến độ khả quan

Hằng Linh (TTXVN/Vietnam+)| 05/07/2021 06:09

Giám đốc Viện Nghiên cứu y khoa của Malaysia cho biết vaccine của Malaysia cũng đã tính đến các biến thể cần quan tâm của virus SARS-CoV-2 như biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao.

Du an nghien cuu bao che vaccine cua Malaysia dat tien do kha quan hinh anh 1Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa cOVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 20/6/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Giám đốc Viện Nghiên cứu y khoa của Malaysia (IMR), Tiến sỹ Tahir Aris cho biết vaccine ngừa COVID-19 đang được điều chế ở Malaysia cũng được thiết kế để tiêm nhắc lại và sẽ sẵn sàng để sử dụng vào năm 2024.

Phát biểu trước báo giới sau khi tham quan phòng thí nghiệm IMR ở Setia Alam ngày 4/7, Giám đốc Tahir cho rằng những người được tiêm chủng đầy đủ có thể cần tiêm nhắc lại để duy trì sự miễn dịch đối với virus SARS-CoV-2 và thậm chí họ có thể cần tiêm hằng năm.

Ông khẳng định đây là biện pháp quan trọng để tiếp tục bảo vệ con người chống lại virus SARS-CoV-2. Malaysia không nên hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung cấp vaccine nhập khẩu.

Cũng theo ông Tahir, vaccine của Malaysia cũng đã tính đến các biến thể cần quan tâm của virus SARS-CoV-2 như biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao và khẳng định tiến độ của dự án rất khả quan.

Vaccine bất hoạt này sẽ trải qua các thử nghiệm tiền lâm sàng trên động vật vào tháng 8 tại cơ sở của Viện Nghiên cứu thú y ở thành phố Ipoh, bang Perak và sẽ trải qua các cuộc thử nghiệm 6 tháng trước khi tiến hành các thử nghiệm lâm sàng liên quan đến con người vào năm 2022, và hy vọng rằng vaccine sẽ sẵn sàng vào năm 2024.

IMR, trực thuộc Bộ Y tế, đang nghiên cứu hai loại vaccine ngừa COVID-19 gồm một loại sử dụng công nghệ mRNA cùng một loại sử dụng phương pháp vaccine bất hoạt, và đang hợp tác với các chuyên gia thuộc Đại học Putra Malaysia và Viện Nghiên cứu Thú y, trực thuộc Cục Dịch vụ Thú y để bào chế những vaccine này.

Đến thời điểm hiện tại, Malaysia đã phân bổ 3,1 triệu ringgit (hơn 740.000 USD) từ ngân sách để điều chế vaccine ngừa COVID-19 và tiến hành các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên động vật.

Giai đoạn tiếp theo của điều chế vaccine là nghiên cứu lâm sàng và cận lâm sàng, và giai đoạn này sẽ cần phải có thêm ngân sách./.

Hằng Linh (TTXVN/Vietnam+)
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Dự án nghiên cứu bào chế vaccine của Malaysia đạt tiến độ khả quan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO