Đột biến nhu cầu tiền mặt và can thiệp từ Ngân hàng Nhà nước

13/02/2021 11:03

Thanh khoản bớt dư thừa do nhu cầu thanh toán gia tăng mạnh dịp cận Tết Nguyên đán (lãi suất liên ngân hàng cán mốc 2%) đã buộc NHNN có động thái can thiệp, bơm ròng 24.100 tỷ đồng cho các ngân hàng.

Đột biến nhu cầu tiền mặt và can thiệp từ Ngân hàng Nhà nước  - 1

Nhu cầu tiền mặt tăng rất mạnh vào dịp cận Tết Nguyên đán

Lãi suất liên ngân hàng bật tăng mạnh

Nhu cầu tiền mặt tăng lên trước Tết Nguyên đán khiến huy động vốn sụt giảm, nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng thương mại (NHTM) gia tăng.

Thống kê trong tuần đầu tiên của tháng 2/2021 cho thấy, sau gần 7 tháng không phát sinh giao dịch, nhà điều hành - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ròng trở lại 24.100 tỷ đồng thông qua mua kỳ hạn 7 và 14 ngày, lãi suất 2,5%/năm trên thị trường mở.

Tuy vậy, lãi suất trên liên ngân hàng vẫn bật tăng mạnh, chốt tuần ở mức 2,13%/năm (tăng 180 bps) với kỳ hạn qua đêm và 2,34%/năm (tăng 188 bps).

Theo nhận định của các chuyên gia phân tích tại Công ty chứng khoán SSI, đây chỉ là yếu tố mang tính chất thời vụ, Theo đó, lãi suất trên liên ngân hàng sẽ nhanh chóng hạ nhiệt khi tiền mặt ngoài lưu thông trở lại hệ thống ngân hàng sau Tết.

Ở báo cáo trái phiếu của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng ghi nhận, đã có 15.568 tỷ đồng với kỳ hạn 7 ngày và 8.529 tỷ đồng kỳ hạn 14 ngày được phát hành mới, cùng ở mức lãi suất 2,5%/năm.

Lượng OMO đang lưu hành đã tăng lên 24.097 tỷ, trong khi lượng tín phiếu đang lưu hành tiếp tục đi ngang ở mức 0 trong tuần đầu tháng 2/2021.

"Thanh khoản hệ thống bớt dư thừa do nhu cầu thanh toán gia tăng mạnh vào dịp cận Tết Nguyên đán (lãi suất liên ngân hàng cán mốc 2% trong tuần qua) đã buộc NHNN có động thái can thiệp vào thị trường mở" - chuyên gia BVSC lý giải.

Tuy vậy, nhóm phân tích vẫn cho rằng, diễn biến này chủ yếu mang tính thời điểm và ngắn hạn nên lãi suất liên ngân hàng sẽ sớm ổn định trở lại sau dịp Tết, tạo điều kiện để NHNN hút ròng vốn trở lại qua kênh OMO.

Đột biến nhu cầu tiền mặt và can thiệp từ Ngân hàng Nhà nước  - 2

Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục có diễn biến tăng ở cả 3 kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần, với mức tăng lần lượt là 1,75%, 1,85% và 1,63%, lên mức 2,08%; 2,21% và 2,11%/năm.

Như vậy, lãi suất liên ngân hàng của cả 3 kỳ hạn đồng loạt đạt mức cao nhất trong vòng 9 tháng vừa qua, với mức tăng từ 5-12 lần so với đầu năm 2021.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của BVSC, lãi suất liên ngân hàng vẫn chưa về với mặt bằng của những năm trước dịch Covid-19 (trung bình 2,15-3,22% trong năm 2018-2019). Diễn biến bật tăng này cũng thường xảy ra vào dịp giáp Tết (tăng gấp 3-5 lần trong năm 2020 và 2 lần trong năm 2018).

Mức tăng bằng lần rất lớn trong tuần qua còn đến từ việc mặt bằng lãi suất ngân hàng đã giảm xuống mức nền rất thấp trong năm 2020 (trung bình quanh 1%). Do đó, BVSC duy trì quan điểm cho rằng đây là biểu hiện mang tính thời vụ do mùa cao điểm thanh toán và chi trả cuối năm đang đến. Vì vậy, lãi suất liên ngân hàng nhiều khả năng sẽ bình ổn trở lại sau kỳ nghỉ Tết.

Tỷ giá diễn biến trái chiều trên ngân hàng và thị trường tự do

Về thị trường ngoại hối, theo cập nhật của SSI Research, tâm lý ưa thích rủi ro tiếp tục được duy trì tích cực trong tuần đầu tháng 2 nhờ tiền trình thông qua gói kích thích tài khóa 1.900 tỷ USD của Mỹ khả quan, lo ngại bong bóng tài sản tạm lắng và các ngân hàng trung ương tuyên bố vẫn tiếp tục duy trì chính sách nới lỏng tiền tệ.

Giá vàng, trái phiếu chính phủ Mỹ, các đồng tiền trú ẩn (JPY, CHF) đều giảm giá. Trong khi đó, USD tiếp tục đà phục hồi, chỉ số DXY có thời điểm lên mức cao nhất 2 tháng gần đây (91,53) sau đó hạ dần, chốt tuần ở mức 91,04.

Đồng USD hưởng lợi khi EUR đang bị bán tháo khá mạnh trước các diễn biến phức tạp của dịch bệnh, lạm phát cao hơn dự báo, lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề tại châu Âu.

Tại Việt Nam, diễn biến trên thị trường quốc tế và chênh lệch giá vàng trong nước - quốc tế tiếp tục giãn rộng (ước khoảng 5-6 triệu đồng) khiến tỷ giá USD/VND trên thị trường tự do tăng 30 VND/USD chiều mua vào và 40 VND/USD chiều bán ra, lên mức 23.550 VND/23.600 VND.

Chênh lệch tỷ giá tự do và tỷ giá niêm yết của các NHTM tiếp tục nới rộng khi tỷ giá niêm yết giảm 50 VND/USD, về mức thấp nhất kể từ tháng 6/2018 đến nay là 22.880/23.090. Tính từ đầu năm đến nay, VND đã lên giá khoảng 0,8% so với USD.

Hiện tại, chênh lệch lãi suất VND-USD trên liên ngân hàng khá cao (khoảng trên 2%) và cung cầu ngoại tệ trong nước vẫn rất thuận lợi nên tỷ giá có thể giảm nhẹ thêm trong tuần này nhưng sẽ nhích tăng trở lại vùng cuối tháng 1 sau Tết khi yếu tố mùa vụ qua đi.

Mai Chi

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đột biến nhu cầu tiền mặt và can thiệp từ Ngân hàng Nhà nước
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO