Dòng tiền lừa đảo qua điện thoại di chuyển như thế nào?

03/10/2020 18:17

Khi nhận được tiền lừa đảo, các đối tượng thường rút ra ngay hoặc chuyển sang tài khoản khác mua thẻ game, mua hàng online hoặc chuyển sang ví điện tử nên rất ít vụ thu hồi được tài sản.

Theo VKSND TP HCM, trong những năm gần đây, mặc dù các cơ quan truyền thông, báo, đài truyền hình liên tục cảnh giác chiêu lừa đảo qua điện thoại nhưng số vụ tiếp nhận không có xu hướng giảm. Số vụ giả danh công an, tòa án, viện kiểm sát ra lệnh bắt rồi yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đi xác minh diễn ra khắp cả nước.

Bên cạnh đó, các đối tượng lừa đảo luôn thay đổi phương thức hoạt động. Trước đây, đối tượng kêu nạn nhân chuyển vào tài khoản chỉ định thì hiện nay, các đối tượng còn ma mãnh yêu cầu nạn nhân mở tài khoản ngân hàng có dịch vụ internet banking (ngân hàng điện tử).

Sau đó, yêu cầu nạn nhân cung cấp tài khoản vừa mở, khi nạn nhân chuyển tiền vào, các đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp mã OTP. Khi đăng nhập được vào tài khoản của nạn nhân, băng nhóm lừa đảo nhanh chóng chuyển tiền sang tài khoản khác để rút ra sử dụng.

Dòng tiền lừa đảo qua điện thoại di chuyển như thế nào? - Ảnh 1.

Một băng tội phạm lừa đảo qua điện thoại

Từ thực tế điều tra các vụ án lừa đảo, VKSND TP HCM cho biết băng nhóm lừa đảo gửi yêu cầu kết bạn với nạn nhân qua zalo, viber để trao đổi thông tin. Các đối tượng làm giả cả lệnh bắt tạm giam có tên tuổi, số điện thoại, địa chỉ của nạn nhân; bên dưới có dấu mộc đỏ và chữ ký của thủ trưởng cơ quan điều tra.

Ngoài ra, trong cuộc gọi, các đối tượng thường mở tiếng còi xe tù hoặc liên tục hù dọa khiến nạn nhân sợ mà chuyển tiền để chứng minh tiền của mình là sạch, không liên quan đến các đường dây tội phạm. Tinh vi hơn, có những vụ đối tượng gửi đường dẫn trên mạng cho nạn nhân cài đặt các ứng dụng mạo danh "Bộ Công an", sau đó yêu cầu nhập thông tin tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt thông tin tài khoản và thực hiện việc chuyển tiền mà nạn nhân không hay biết.

Theo Bộ Công an, số tiền các nạn nhân chuyển cho băng nhóm lừa đảo cũng có xu hướng tăng từ hàng tỉ đến hơn chục tỉ đồng. Cụ thể, tháng 1-2020, Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05 - Bộ Công an) đã phối hợp Công an tỉnh Quảng Nam triệt phá một băng nhóm 10 đối tượng (có 2 người nước ngoài) phát hiện nhiều tài khoản ngân hàng đã nhận được số tiền lừa đảo lên đến hơn 500 tỉ đồng.

Thiếu tá Nguyễn Chí Thanh - Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự, Công an quận 10 (TP HCM) - cho biết để thực hiện các vụ lừa đảo công nghệ cao, các đối tượng đã tính toán, phân công nhiệm vụ và chuyển tiền sang tài khoản khác, rồi rút ngay lập tức.

Khi bị lừa đảo, cách tốt nhất là liên hệ ngay ngân hàng và cơ quan điều tra gần nhất để được hướng dẫn. Nếu may mắn, công an phối hợp với ngân hàng ngăn chặn kịp thời số tiền nạn nhân chuyển vào tài khoản thì ngân hàng sẽ phong tỏa. Sau khi xác định được dòng tiền đúng là của nạn nhân chuyển thì cơ quan điều tra ra quyết định xử lý tang vật của vụ án, phối hợp với ngân hàng trao trả lại số tiền nạn nhân bị lừa đảo.

"Tuy nhiên, một tài khoản ngân hàng dùng để lừa đảo thường nhận rất nhiều nguồn tiền của những nạn nhân khác nhau. Cơ quan điều tra và ngân hàng phải phối hợp xác định nguồn tiền của nạn nhân cụ thể, nếu dòng tiền nạn nhân chuyển đã bị rút thì không thể trao trả mà phải xác định đúng người mới làm thủ tục trả lại", thiếu tá Nguyễn Chí Thanh thông tin.

Trong hàng chục vụ án lừa đảo qua điện thoại thì có rất ít vụ lấy lại tiền cho bị hại vì vừa nhận được tiền, các đối tượng rút ra ngay nên khi ngân hàng kiểm tra thì tiền đã hết. Nói về sự di chuyển của dòng tiền lừa đảo, thiếu tá Nguyễn Chí Thanh cho biết ngoài việc rút tiền mặt, các đối tượng còn chuyển tiền qua ví điện tử, mua card điện thoại, mua thẻ game hoặc mua hàng trên mạng.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Dòng tiền lừa đảo qua điện thoại di chuyển như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO