Đồng minh và đối tác của Mỹ điều tàu chiến tới Biển Đông - Trung Quốc có 'ngồi trên đống lửa'?

Thái Bình| 06/08/2021 07:00

Baoquocte.vn. Chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, một số quốc gia đồng minh thân cận và đối tác của Mỹ đã liên tiếp điều tàu quân sự đến Biển Đông. Ẩn ý đằng sau những động thái này là gì?

Hàm ý của các quốc gia khi cử tàu chiến tới Biển Đông
Khinh hạm Surcouf của Pháp tháng 2 vừa qua đã tiến hành tuần tra trên Biển Đông. (Nguồn: AFP)

Các nước đồng loạt hành động

Hãng tin Reuters ngày 4/8 dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, một hạm đội đặc trách của Hải quân nước này sẽ được triển khai đến Biển Đông trong tháng này để tham gia tập trận với các nước trong khu vực.

Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, các sáng kiến hàng hải tương tự là cách để củng cố tăng cường sức mạnh tổng hợp và hợp tác giữa Hải quân Ấn Độ cùng các quốc gia bè bạn dựa trên lợi ích hàng hải chung và cam kết hướng đến tự do hàng hải trên biển.

Trước đó 2 ngày, tàu chiến Bayern của Đức cũng bắt đầu hành trình kéo dài 7 tháng, dự kiến sẽ đi qua Biển Đông và ghé thăm các quốc gia Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam vào tháng 12 tới.

Giới chức Đức tuyên bố, hành trình này là nhằm nhấn mạnh Berlin không chấp nhận các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực, đánh dấu lần đầu tiên trong gần 20 năm nay, một tàu chiến của Đức tham gia bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông.

Hồi tháng 7, khu vực cũng từng chứng kiến một loạt động thái liên quan của phương Tây như tàu khu trục USS Benfold của Mỹ đi vào quần đảo Hoàng Sa ở Biển Đông để tiến hành tuần tra tự do hàng hải.

Cũng trong tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Anh công bố kế hoạch của London nhằm triển khai thường trực 2 tàu hải quân tại châu Á vào cuối năm nay, dự kiến được thực hiện sau khi tàu sân bay Queen Elizabeth đi qua Biển Đông vào tháng 9 tới.

Trước đó, đầu tháng 2, Pháp cũng đưa tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân tiến hành tuần tra qua Biển Đông.

Theo đánh giá của tờ South China Morning Post, cuộc tuần tra này là một phần trong nỗ lực của Pháp nhằm thách thức các yêu sách phi lý của Trung Quốc tại vùng biển này.

Khinh hạm Bayern của Đức đến Biển Đông: Kết cấu tàu chiến có gì đặc biệt?Khinh hạm Bayern của Đức đến Biển Đông: Kết cấu tàu chiến có gì đặc biệt?

Động thái của Đức chỉ mang tính biểu tượng

Giới quan sát cho rằng, động thái Đức điều tàu Bayern tới Biển Đông chỉ là biểu tượng mang tính chính trị, không phải là hành động mang tính răn đe về quân sự.

Bộ Ngoại giao Đức ngày 4/8 tuyên bố rất rõ, mục tiêu của hành trình là để bảo vệ quyền tự do hàng hải, an ninh ở Biển Đông, tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế về biển. Vì vậy, động thái này còn nhằm ủng hộ các nỗ lực của Mỹ và đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Theo Asia Times, mãi cho đến gần đây, Đức vẫn là một nhân tố bên ngoài về các vấn đề Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Không giống Pháp và Anh, Đức không có bất kỳ lãnh thổ nào trong khu vực và cũng không có các tàu sân bay tân tiến hay năng lực hải quân “nước xanh” phát triển.

Nước Đức hậu Chiến tranh Lạnh cũng chứng kiến sự sụt giảm đáng kể trong năng lực và triển khai quân sự.

Trên thực tế, Đức được cho là chú trọng củng cố ảnh hưởng chính trị nội địa, khẳng định vị thế lãnh đạo "đầu tàu" trong Liên minh châu Âu (EU), nỗ lực xây dựng trật tự trên các đấu trường chính của thế giới với tư cách một cường quốc kiến tạo.

Với ý định thay đổi cuộc chơi, năm 2020, Berlin đã công bố hướng dẫn chính sách dài 40 trang, với các kế hoạch tham gia các vấn đề tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và "để mắt" tới Trung Quốc.

Berlin khẳng định sẽ tìm cách “thúc đẩy một chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mang màu sắc châu Âu” và đem đến “những đóng góp chủ động nhằm định hình trật tự quốc tế tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Trong một động thái chưa từng có tiền lệ, Đức đã cùng các cường quốc châu Âu khác là Anh và Pháp đệ trình công hàm phản đối các tranh cãi ở Biển Đông lên Liên hợp quốc.

Cả 3 quốc gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ “sự toàn vẹn” của luật pháp quốc tế cũng như “nhấn mạnh tầm quan trọng của quyền được tự do tại các đại dương, nhất là quyền tự do đi lại trên biển, trên không và quyền đi lại vô hại” ở vùng biển này.

Anh luôn sát cánh với đồng minh Mỹ

Theo thông báo chính thức, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Hải quân Anh đã rời cảng Portsmouth hồi cuối tháng 5 để đến thăm 40 quốc gia, trong đó có Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore.

Tại Biển Đông, hạm đội Anh dự định tham gia cuộc tập trận do Mỹ tiến hành trong khuôn khổ chương trình “bảo vệ tự do hàng hải”.

Sau chuyến đi này, các nhà chức trách Anh có kế hoạch rõ ràng về việc đồn trú thường trực 2 tàu chiến luôn trong tình trạng báo động ở phía Tây Thái Bình Dương.

Đài Sputnik cho rằng, quân đội Anh đang hành động theo đường lối của Nhà Trắng để chống sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Do đó, nhiều khả năng phía Bắc Kinh sẽ có phản ứng cứng rắn trước sự xuất hiện của hạm đội Anh ở ngoài khơi Trung Quốc.

Một câu hỏi đặt ra là, điều gì đã thúc đẩy London đưa tàu chiến đến Biển Đông, hành động khá mạo hiểm về mặt chính trị?

Đài Sputnik nhận định, điều này liên quan với việc Anh rời EU, hay còn gọi là Brexit.

Cho đến nay, trên thế giới và chính ở nước Anh, người ta vẫn tranh cãi về việc liệu có cần thiết phải rời khỏi khối EU hùng mạnh, nơi Anh đóng vai trò rất đáng chú ý, thậm chí còn được công nhận là quốc gia hàng đầu, ngang hàng với Đức và Pháp, hay không?

Sau Brexit, chính phủ Anh muốn chứng minh rằng, sự vĩ đại trước đây của Đế chế Anh đang được hồi sinh.

Hải quân luôn là biểu tượng cho sự vĩ đại của nước Anh kể từ những kỷ nguyên trước, và giờ chính quyền Anh đang đặt cược vào việc phô trương sức mạnh của hạm đội Anh.

Theo nhận định của Sputnik, London cư xử ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như một đồng minh quân sự trung thành của Mỹ, và đó có lẽ là lý do tại sao Washington làm ngơ trước các cuộc tranh luận về Brexit.

Hàm ý của các quốc gia khi cử tàu chiến tới Biển Đông
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh tiến hành tập trận chung với các tàu của Hải quân Mỹ ở Biển Đông vào ngày 5/8. (Nguồn: Twitter)

Ấn Độ trở nên quyết đoán hơn

Việc quan hệ Ấn Độ và Trung Quốc liên tiếp căng thẳng do các cuộc đụng độ ở biên giới hồi năm ngoái được cho là "chất xúc tác" khiến New Delhi xích lại gần Washington hơn trong nỗ lực kiềm chế Bắc Kinh.

Trong tuyên bố mới đây, 4 tàu của Hải quân Ấn Độ sẽ được triển khai trong thời gian 2 tháng tới Đông Nam Á, Biển Đông và phía Tây Thái Bình Dương.

Tuyên bố có đoạn: "Việc triển khai các tàu của Hải quân Ấn Độ nhằm nhấn mạnh tầm hoạt động, sự hiện diện hòa bình và tình đoàn kết với các nước thân thiện nhằm đảm bảo trật tự hiệu quả trong lĩnh vực hàng hải”.

Theo giới phân tích, thông điệp của Ấn Độ rất rõ ràng, thứ nhất là Biển Đông, và thứ hai là Ấn Độ sẵn sàng đáp trả Trung Quốc trong các xung đột và tranh chấp.

Bộ tứ gồm 4 nước Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia trên thực tế được thành lập để đáp trả sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

Washington từ lâu đã coi New Delhi là đối tác quan trọng trong nỗ lực làm giảm sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trung Quốc có “ngồi trên đống lửa”?

Việc liên tiếp các quốc gia đã và đang có kế hoạch đưa tàu chiến đi qua Biển Đông khiến Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ.

Trang South China Morning Post ngày 3/8 cho biết, Trung Quốc yêu cầu Đức nói rõ ý định đưa tàu chiến đến Biển Đông trước khi nước này cân nhắc đề xuất ghé thăm cảng Thượng Hải của tàu Bayern.

Một bài viết trên tờ Global Times đã cảnh báo các tàu chiến của Đức và Anh không nên thực hiện "những hành động cố ý" trong hành trình triển khai tới châu Á, phản ứng cho thấy các diễn biến liên quan có thể làm suy yếu mối quan hệ giữa các chính phủ châu Âu với Trung Quốc.

Theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế có trụ sở ở Washington DC, Đức và Anh nằm trong số 8 quốc gia ủng hộ rõ ràng phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực về bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với tất cả các nguồn tài nguyên bên trong cái gọi là "Đường 9 đoạn". Sáu quốc gia còn lại là Mỹ, Canada, Australia, New Zealand, Philippines và Nhật Bản.

Về phía các hoạt động của Anh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của London và đội hộ tống không tiếp cận các đảo nhân tạo của Bắc Kinh khi triển khai tại Biển Đông.

Thông báo có đoạn: “Trung Quốc hy vọng tàu hải quân của các quốc gia khác tuân thủ luật pháp quốc tế khi đi qua Biển Đông, tôn trọng các quyền và chủ quyền của các quốc gia ven biển, đồng thời tránh các hành động gây tổn hại đến hòa bình khu vực”.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đồng minh và đối tác của Mỹ điều tàu chiến tới Biển Đông - Trung Quốc có 'ngồi trên đống lửa'?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO