Quan hệ Trump - quan chức Cộng hòa ra sao hậu bầu cử?

23/12/2020 12:29

Những tuần tới là thời điểm ông Trump buộc các quan chức Cộng hòa trả lời câu hỏi: Họ ủng hộ hay chống lại những nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử cuối cùng của ông.

Chỉ một ngày sau khi đại cử tri đoàn bỏ phiếu cho ông Biden, Tổng thống Trump đăng Twitter ủng hộ tuyên bố đệ đơn kiến nghị ngăn Quốc hội chứng nhận kết quả phiếu đại cử tri tại các bang chiến trường vào ngày 6/1 tới của dân biểu Mo Brooks (bang Alabama).

Những ngày gần đây, ông Trump được cho là đã nhóm họp cùng một số nghị sĩ Cộng hòa, trong đó có ông Brooks để lên kế hoạch cho "trận đánh cuối cùng" trong nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử.

Tuy nhiên, giới chuyên gia phân tích nỗ lực đảo ngược kết quả bầu cử tại quốc hội rất khó thành công. Với trường hợp của Brooks, đơn kiến nghị của ông sẽ chỉ được tiếp nhận nếu có một thượng nghị sỹ kỹ tên ủng hộ.

Khi đó kiến nghị này sẽ được trình lên Thượng viện và Hạ viện xem xét riêng rẽ. Chỉ khi lưỡng viện cùng tán thành, kết quả bầu cử mới bị vô hiệu hóa. Nhưng từ thế kỷ 19 đến nay, Quốc hội Mỹ chưa từng hủy bỏ kết quả bỏ phiếu đại cử tri theo kịch bản này.

Quan hệ Trump - quan chức Cộng hòa ra sao hậu bầu cử? - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Politico)

Một số lãnh đạo Cộng hòa và những người xung quanh Trump cũng tin rằng mưu tính của ông Trump về cuộc lật đổ vào ngày 6/1 sẽ thất bại. Nhưng đó không phải là tất cả, nó sẽ là phép thử lòng trung thành của Trump với những người từng tuyên bố sẽ luôn ủng hộ ông.

Những ngày gần đây, Trump liên tục chê bai những người Cộng hòa từ chối ủng hộ mình, chỉ trích họ yếu đuối và không dám đứng lên chống lại gian lận.

Ông sẵn sàng loại bỏ những người tuyên bố không có gian lận bầu cử như Bộ trưởng Tư pháp William Barr, lãnh đạo Cơ quan An ninh mạng và Cơ sở hạ tầng Chris Krebs. Ông chỉ trích gay gắt từ Lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell cho tới các thẩm phán Tòa án tối cao mà mình chỉ định vì đứng ngoài nỗ lực lật ngược kết quả của ông.

Luật sư riêng của Trump - Rudy Giuliani thì than thở về "những kẻ lật lọng ở đảng Cộng hòa" - người người mà ông cáo buộc không thể đương đầu với áp lực.

Một đồng minh Cộng hòa của Trump dự đoán ông sẽ rời nhiệm sở vào ngày 20/1, nhưng vẫn sẽ bền bỉ truyền tải các lý thuyết thúc đẩy gian lận bầu cử.

Khi ngày rời nhiệm sở đang tới gần, Trump được cho là đã có một loạt động thái để ngăn kịch bản này diễn ra. Cuối tuần trước, ông gặp gỡ các cố vấn để thảo luận về đề xuất thu giữ các máy bỏ phiếu được sử dụng ở các bang mà Biden giành chiến thắng. Truyền thông Mỹ loan tin ông chủ Nhà Trắng đã đề cập tới khả năng chọn cựu luật sư chiến dịch pháp lý của ông - Sidney Powell làm công tố viên đặc biệt để điều tra các cáo buộc gian lận bầu cử.

Quan hệ Trump - quan chức Cộng hòa ra sao hậu bầu cử? - 2

Hạ nghị sỹ Đảng Cộng hòa Mo Brooks và Tổng thống Trump. (Ảnh: White House)

Theo Politico, các động thái này cho thấy Trump đang ngày càng bị thu hút bởi những người sẵn sàng cung cấp cho ông những ý tưởng có phần cực đoan vốn bị các trợ lý của ông gạt bỏ.

Tuy nhiên, một số nguồn tin của Politico cho biết kế hoạch ban hành lệnh hành pháp để trao quyền cho bà Powell bị ngưng trệ trong những ngày gần đây khi Tổng thống tập trung vào nỗ lực làm gián đoạn quá trình tố tụng vào ngày 6/1.

Niềm tin của Trump được tiếp thêm động lực khi Thượng nghị sỹ Cộng hòa Tommy Tuberville thừa nhận ông đang xem xét ý tưởng của ông Brooks. Trong khi đó, bản thân Brooks tự tin rằng nhiều Thượng nghị sỹ sẽ ký vào kiến nghị của ông.

Trước các diễn biến trên, lãnh đạo Cộng hòa Mitch McConnel đã đề nghị các Thượng nghị sĩ không tham gia cùng các thành viên của Hạ viện phản đối kết quả bầu cử tại Quốc hội.

McConnell được cho là đã nói với các Thượng nghị sỹ Cộng hòa rằng họ sẽ phải tiến hành một cuộc bỏ phiếu khủng khiếp với kiến nghị của ông Brooks. Và khi phản bác kiến nghị đó, điều đó chẳng khác nào họ chống lại ông Trump.

Hôm 21/12, Thượng nghị sĩ kỳ cựu John Thune (bang South Dakota) khẳng định bất cứ thách thức nào với chiến thắng của ông Biden sẽ thất bại và ông hy vọng các đồng nghiệp của mình sẽ ủng hộ về vấn đề này.

Thượng nghị sĩ Thom Tillis cũng tin rằng kết quả bầu cử tới nay là không thể nghi ngờ và nỗ lực thách thức sẽ không mang lại kết quả.

"Tôi nghĩ rằng nó sẽ tạo ra một tình huống mà một số người muốn lật ngược kết quả bầu cử sẽ thất vọng vì cho rằng đó là một kiểu thiếu trung thành nào đó. Nhưng thực tế, đó chỉ là một thủ tục", ông cho hay.

Trong tweet đăng tải hôm 22/12, ông Trump công kích gay gắt Thune, ám chỉ ông sẽ mất đi các lá phiếu ủng hộ của cử tri để giữ ghế ở Thượng viện hai năm tới khi khẳng định sự nghiệp của Thượng nghị sỹ này sẽ kết thúc vào năm 2022.

Một nhân viên kỳ cựu của đảng Cộng hòa khẳng định trong cuộc bầu cử lưỡng viện hai năm tới, Tổng thống Trump và những người ủng hộ ông sẽ đóng vai trò quan trọng.

Các cử tri ủng hộ Trump sẽ nhớ cách mà các nghị sỹ của họ bỏ phiếu vào ngày 6/1. Nó có thể sẽ ảnh hưởng tới kết quả cuộc đua ở Thượng viện tới đây trong hai năm tới.

"Các cử tri sẽ nhớ ai đã không lên tiếng cho Trump và các cuộc bầu cử công bằng và tự do", Lou Barletta - cựu thành viên Quốc hội và là đồng minh hàng đầu của Trump ở Pennsylvania cho biết.

Một số quan chức Cộng hòa thân cận với Trump cho rằng Tổng thống có thể là người cuối cùng nhận ra nỗ lực tại nhiệm của ông đã thất bại. Nhưng việc công khai thách thức kết quả bầu cử có thể giúp trấn an những người ủng hộ Trump - những người tin vào các tuyên bố về một cuộc bầu cử đầy rẫy gian lận.

"Điều đó không đủ để giúp Trump tiếp tục. Nhưng nó mang lại cho đảng một lối thoát mà không làm ông ấy tức giận", một quan chức Cộng hòa cho hay.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Quan hệ Trump - quan chức Cộng hòa ra sao hậu bầu cử?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO