Di sản lớn của Thủ tướng bốn nhiệm kỳ Angela Merkel

08/02/2021 18:01

Sau gần 4 nhiệm kỳ cầm quyền, Thủ tướng Angela Merkel đạt được nhiều thành tựu và cũng phạm phải sai lầm, nhưng di sản bà để cho nước Đức sẽ còn tồn tại về lâu dài.

Kỷ nguyên của Thủ tướng Đức Angela Merkel sắp kết thúc khi cuộc bầu cử Quốc Hội Đức diễn ra vào tháng 9 năm nay. Những di sản bà để lại cho nước Đức có cả thành tựu và cả những sai lầm.

Di sản lớn của Thủ tướng bốn nhiệm kỳ Angela Merkel  - 1

Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Vực dậy nền kinh tế Đức

Khi so sánh dữ liệu kinh tế của Đức vào năm 2005 (bà Angela Merkel trở thành Thủ tướng) với số liệu hiện tại, có thể thấy được khác biệt rõ rệt.

Kể từ năm 2001, tăng trưởng kinh tế Đức chỉ đạt trung bình 0,5% mỗi năm. Thâm hụt ngân sách chiếm 3,3% tổng sản lượng kinh tế. Trong nhiều năm, Đức liên tục đạt ngưỡng giới hạn nợ của châu Âu. Tỷ lệ nợ là 67%, và không có dấu hiệu dừng lại. Tỷ lệ thất nghiệp là 11% và tình trạng bất bình đẳng thu nhập gia tăng. Trong khi nền kinh tế Tây Ban Nha và Anh ghi nhận tăng trưởng mạnh mẽ, nền kinh tế Đức dường như bị tê liệt.

Ngày nay, bức tranh đã thay đổi hoàn toàn. Bất chấp sự sụt giảm trong cuộc khủng hoảng tài chính, tăng trưởng kinh tế vẫn đạt trung bình 1,6% kể từ năm 2005. Có thêm việc làm cho hơn 6 triệu lao động và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống còn 3,4%. Nhà nước đang thu nhiều hơn chi tiêu và tỷ lệ nợ công đã giảm xuống dưới mức 60%, đáp ứng đúng Hiệp ước Maastricht.

Sự ổn định cũng là một yếu tố làm nên thành công của Thủ tướng Merkel, bởi bà là nhà lãnh đạo nắm quyền lâu bậc nhất ở Đức. Bà đã tạo dựng một thập kỷ thành công trong kinh tế của nước Đức. Tỷ lệ thất nghiệp giảm đáng kể, ngân sách nhà nước được cân bằng và cuộc sống của người dân Đức đang thịnh vượng hơn bao giờ hết.

Nếu so sánh với tình hình ở những quốc gia khác, rõ ràng Thủ tướng Merkel đã làm rất tốt công việc của mình.

Di sản lớn của Thủ tướng bốn nhiệm kỳ Angela Merkel  - 2

Sự ổn định là một yếu tố làm nên thành công của Thủ tướng Merkel.

Ngăn chặn khủng hoảng tài chính

Sau vụ phá sản của Ngân hàng đầu tư Mỹ Lehman Brothers, các tổ chức tín dụng tại Đức cũng gặp phải khó khăn. Ngân hàng đầu tư bất động sản Hypo Real Estate được quốc hữu hóa để ngăn khỏi bị phá sản. Cùng với Bộ trưởng Tài chính Peer Steinbrück khi đó, Thủ tướng Merkel đã bảo lãnh cho tất cả các khoản tiền gửi tiết kiệm để tránh tình trạng trốn nợ. Điều đó đã thành công giúp bảo vệ các ngân hàng tại Đức.

Chuyển đổi năng lượng

Sau khi chứng kiến thảm họa hạt nhân khủng khiếp ở Fukushima năm 2011, Thủ tướng Đức đã quyết định đóng cửa phần lớn các lò phản ứng hạt nhân của Đức và hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo. Chỉ ba tháng sau thảm họa Fukushima, Hạ viện đã thông qua “Đạo luật sửa đổi Năng lượng Nguyên tử” giúp quá trình loại bỏ năng lượng hạt nhân diễn ra nhanh hơn. Đến năm 2050, nước Đức dự kiến sử dụng đến 80% năng lượng tái tạo trong tiêu thụ điện.

“Hiện đại hóa” nước Đức

Thủ tướng Merkel đã "hiện đại hóa“ nước Đức một cách toàn diện, đánh dấu bởi những quyết sách tiêu biểu như: bãi bỏ nghĩa vụ quân sự, hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, đấu tranh vì nữ quyền và giải phóng phụ nữ, đẩy mạnh toàn cầu hóa kinh tế và phát triển công nghệ số hóa.

Phòng chống dịch COVID-19

Bà luôn cảnh báo người dân về hậu quả nghiêm trọng của COVID-19 và đưa ra những biện pháp cứng rắn nhằm ngăn chặn bệnh dịch lây lan. Ví dụ khi hầu hết chính trị gia trong và ngoài nước đều phản đối việc đóng cửa biên giới, bà Merkel đã phát biểu: "Tôi yêu cầu tất cả công dân của Cộng hòa Liên bang Đức phải chấp hành nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống COVID-19 của chính phủ. Trường học, cửa hàng, nhà hàng, rạp hát đều phải đóng cửa. Nếu những nước xung quanh không áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt giống như Đức, tôi sẽ không thể khoanh tay đứng nhìn người Đức đi sang các nước láng giềng khác”.

Di sản lớn của Thủ tướng bốn nhiệm kỳ Angela Merkel  - 3

Thủ tướng Merkel đã "hiện đại hóa“ nước Đức một cách toàn diện.

Những sai lầm

Ba sai lầm lớn nhất của Thủ tướng Angela Merkel gắn liền với ba cuộc khủng hoảng lớn của châu Âu, đó là khủng hoảng đồng euro, khủng hoảng người nhập cư và khủng hoảng Brexit. Ba cuộc khủng hoảng này có cùng một điểm chung, đó là đã có những dấu hiệu báo trước về việc tình hình có thể trở nên trầm trọng và khủng hoảng có thể xảy ra. Nhưng chính phủ liên bang Đức và Thủ tướng Angela Merkel đã làm ngơ trước các dấu hiệu cảnh báo và không chuẩn bị trước các biện pháp để đối phó với khủng hoảng.

Cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã cảnh báo về tình hình nợ công có chiều hướng xấu đi kể từ năm 2005. Khủng hoảng nợ công tại Hy Lạp tiềm ẩn các nguy cơ bùng phát từ trước năm 2009. Năm 2009, IMF đã công khai bày tỏ lo ngại trước làn sóng phá sản của các ngân hàng tại Hy Lạp.

Cũng trong rất nhiều năm, số liệu về ngân sách nhà nước Hy Lạp được ghi nhận đã bị làm giả và chỉnh sửa hàng loạt. Vậy tại sao Thủ tướng Angela Merkel không chuẩn bị trước các giải pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu?

Cuộc khủng hoảng người nhập cư

Cuộc khủng hoảng người nhập cư đã tiềm ẩn các nguy cơ bùng phát vào năm 2011. Bởi vào năm này, các tòa án tối cao châu Âu đã ban hành phán quyết: người tị nạn đến từ Hy Lạp đã nhập cảnh trái phép vào một quốc gia EU sẽ không bị gửi trả về Hy Lạp.

Lý do cho việc này là Hy Lạp đã xúc phạm nhân phẩm của những người nhập cư trong quá trình họ làm thủ tục xin tị nạn và trong thời gian họ lưu trú tại đất nước này! Việc gửi họ trở lại Hy Lạp là không thể vì những hành động đối xử với người tị nạn của Hy Lạp đã vi phạm Công ước Châu Âu về Nhân quyền.

Đó là thời điểm năm 2011, khi cuộc nội chiến ở Syria bùng nổ. Chính phủ liên bang Đức đáng lẽ phải dự đoán trước được dòng người tị nạn sẽ tràn vào Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ khi có phán quyết của Tòa án Nhân quyền Châu Âu, những người tị nạn này có thể di chuyển qua Hy Lạp để đến Trung Âu mà không gặp phải bất cứ trở ngại nào.

Thủ tướng Merkel nên nhận ra mối liên hệ giữa khủng hoảng nợ công Hy Lạp và khủng hoảng người nhập cư từ năm 2011 và tính đến việc rất nhiều người tị nạn sẽ khao khát được sống ở Đức. Thủ tướng nên khai tử Hiệp định Dublin(*) lỗi thời và “đóng cánh cửa” dành cho người tị nạn trước khi cuộc khủng hoảng xảy ra. Nhưng thay vì chuẩn bị trước các biện pháp ứng phó, Thủ tướng Merkel lại chỉ “bình chân như vại”.

Di sản lớn của Thủ tướng bốn nhiệm kỳ Angela Merkel  - 4

Ba sai lầm lớn nhất của Thủ tướng Angela Merkel gắn liền với ba cuộc khủng hoảng lớn của châu Âu.

Brexit

Sai lầm lớn thứ ba của Thủ tướng Angela Merkel được coi là một trong những nguyên nhân dẫn tới Brexit, để từ đó EU gặp phải cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất từ trước đến nay.

Vào đầu năm 2013, Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố người Anh sẽ tham gia một cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2017 để quyết định nước Anh có rời khỏi EU hay không. Vào thời điểm đó, nhiều người Anh bày tỏ rõ sự "thờ ơ“ với EU và nguy cơ EU sẽ mất đi một trong những quốc gia thành viên quan trọng nhất là rất lớn. Thủ tướng Angela Merkel nhận ra được tầm quan trọng khi giữ Anh ở lại EU bởi Anh là đối tác thương mại quan trọng của Đức và là quốc gia đóng góp nhiều thứ hai cho Ngân sách EU (chỉ sau Đức).

Cũng vào thời điểm này, Thủ tướng Cameron đã kêu gọi cải tổ EU. Ông không mong đợi sẽ nhận được sự đồng tình của Pháp, Ba Lan hay Ý nhưng ông hy vọng nước Đức sẽ đứng về phía mình. Nếu Đức và Anh cùng đồng lòng thì ước mơ về một EU tự do hơn, dân chủ hơn, ít quan liêu hơn sẽ trở thành hiện thực. Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel lại lựa chọn đứng về phe các quốc gia EU khác và phản đối mong muốn cải tổ EU của Thủ tướng David Cameron.

Ngài Cameron đã bị “phản bội lòng tin“ và EU rơi vào cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử. Nước Đức sẽ còn tiếc nuối trước sự ra đi của người Anh trong tương lai và Thủ tướng Angela Merkel là người chịu trách nhiệm một phần cho việc này.

(*)Hiệp định Dublin: Hiệp định Dublin quy định người nước ngoài phải nộp đơn xin tị nạn ở bất kỳ nước nào mà họ đặt chân đến đầu tiên khi vào EU.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Di sản lớn của Thủ tướng bốn nhiệm kỳ Angela Merkel
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO