Cuộc tranh giành ghế đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc

03/03/2021 10:47

Cuộc cạnh tranh quyền điều hành Myanmar đã lan đến Liên Hợp Quốc khi đại sứ và phó đại sứ đều tuyên bố đại diện Myanmar tại tổ chức này.

Cuộc tranh giành ghế đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc - 1
Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun (Ảnh: Reuters)

Trong một lá thư gửi Liên Hợp Quốc, đại sứ Myanmar Kyaw Moe Tun nói rằng, ông vẫn là đại diện của Myanmar sau bài phát biểu gây chú ý chống lại chính quyền quân sự, phản đối đảo chính. Trong khi đó, phó đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc cũng tuyên bố hiện giờ ông mới là người mà chính quyền quân sự muốn cử làm đại diện cho Myanmar. Cả hai đều đã gửi thư cho Liên Hợp Quốc để khẳng định vai trò đại diện này.

Quân đội Myanmar ngày 1/2 đã lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi . Tuy nhiên, chính quyền quân sự Myanmar đến nay vẫn chưa có được sự công nhận của quốc tế. Suốt 1 tháng qua, hàng trăm nghìn người ở Myanmar đã xuống đường biểu tình phản đối đảo chính, yêu cầu khôi phục nền dân chủ.

Ông Kyaw Moe Tun bị chính quyền quân sự Myanmar cách chức đại sứ tại Liên Hợp Quốc sau bài phát biểu "phản quốc" cuối tuần trước. Trong bài phát biểu này, ông nói, ông vẫn đại diện cho chính quyền của bà Suu Kyi. Ông nói rằng những người đứng sau cuộc đảo chính phi pháp không có thẩm quyền để đại diện Myanmar. Tuy nhiên, theo người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric, Bộ Ngoại giao Myanmar ủng hộ phó đại sứ đại diện Myanmar tại Liên Hợp Quốc.

Một tình huống hiếm thấy

"Đây là một tình huống hiếm thấy", ông Dujarric nói với báo chí ngày 2/3 và nhấn mạnh Liên Hợp Quốc sẽ "nỗ lực giải quyết các vấn đề nhanh nhất có thể".

Đáng nói là cả đại sứ và phó đại sứ Myanmar đều có thẻ chứng nhận để ra vào tòa nhà, làm dấy tranh cãi ai thực sự là đại diện của Myanmar tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Trước kia trong trường hợp các trường hợp căng thẳng ngoại giao, nếu xảy ra tranh chấp, một ủy ban của Liên Hợp Quốc sẽ xác định ai được sở hữu thẻ đại diện quốc gia của họ.

Với tình huống hiện nay của Myanmar, ông Dujarric nói: "Trước tiên chúng tôi phải nhận được thông báo chính thức về sự thay đổi chính quyền, thay đổi đại diện thường trực... Nếu phát sinh những câu hỏi về thẻ đại diện của một quốc gia thành viên tại Liên Hợp Quốc, thì các quốc gia thành viên sẽ tranh luận thông qua Ủy ban chứng nhận của Đại hội đồng". Tuy nhiên, quá trình đó có thể khiến cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn và tốn kém thời gian.

Đến nay, Liên Hợp Quốc chưa nhận được thông báo nào liên quan đến những thay đổi đối với đại diện của Myanmar. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cũng cho biết, Mỹ vẫn công nhận ông Kyaw Moe Tun là đại diện thường trực của Myanmar tại Liên Hợp Quốc. Anh - một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an - đã đề xuất một cuộc họp của hội đồng để thảo luận vấn đề Myanmar vào ngày 5/3 tới. Nếu diễn ra, đây sẽ là một một cuộc họp kín.

Về phần mình, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres muốn Hội đồng Bảo an buộc quân đội Myanmar khôi phục nền dân chủ ở nước này. Trước đó, ông Christine Schraner Burgener, đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, hôm 26/2 cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế không công nhận chính quyền quân sự Myanmar.

Minh Phương
Theo Washington Post

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cuộc tranh giành ghế đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO