Dối có thể chấp nhận, nhưng gian thì không

16/09/2020 08:05

Một đấng mày râu khi thiết lập mối quan hệ trên cơ sở gian trá, gian xảo, gian tặc, gian tà thì không xứng mặt đàn ông.

Về từ gian dối, Đại từ điển tiếng Việt giải thích: “Không thật thà”, tuy nhiên nếu tách riêng thì gian có nghĩa “dối trá, lừa lọc”, còn dối là “nói sai sự thật, không công nhận thực tế nhằm che đậy điều gì”.

Với từ gian dối, có lẽ nhiều người vẫn còn nhớ đến ca từ “Với đôi ba lần gian dối/ Đời vẫn ban cho ngọt bùi”. Còn với từ dối, làm sao có thể quên: “Yêu nhau cởi áo cho nhau/ Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay”.

Theo tôi, trong chừng mực nào đó, thì gian dối và dối, tùy ngữ cảnh, có thể chấp nhận được.

Hiểu rành mạch theo nghĩa vừa nêu, nếu có ai đó cắc cớ đem dối/gian/gian dối áp dụng trong… quan hệ tình cảm yêu đương thì thế nào? Thế nào ở đây là xét ở góc độ, có thể chấp nhận người của mình là gian hay dối.

Trả lời câu hỏi này, có nhiều cách lựa chọn của mỗi người. Xin nói luôn cho vuông, đôi lúc tôi nghiến răng chấp nhận dối, chứ quyết không bao giờ ầu ơ ví dầu với gian. Thiết nghĩ sự lựa chọn này, không phải của riêng tôi. Một đấng mày râu khi thiết lập mối quan hệ trên cơ sở gian trá, gian xảo, gian tặc, gian tà thì không xứng mặt đàn ông. Khi bị phát hiện, nói như ngôn ngữ bình dân của người Nam Bộ, thì chỉ còn có nước “đội quần”. Mắng như vậy còn nhẹ.

Đàn ông gian tà với phụ nữ là hạng chỉ đáng đội quần. Ảnh minh họa
Đàn ông gian tà với phụ nữ chỉ là hạng "đội quần". Ảnh minh họa

Hãy nghe tôi kể lại câu chuyện có thật xảy ra vào năm 1929 tại Khám lớn Sài Gòn. Chuyện rằng, năm đó có thầy giáo nọ bị tống vào khám vì tội ngủ với gái ăn sương không trả tiền, mà còn ăn cắp đồ của cô đó nữa.

Các tay anh chị cùng phòng biết chuyện đáng khinh bỉ này, họ xếp vào hạng “xò”, chứ không phải loại “bảnh”, loại “cứng” nên không thèm đánh cho bẩn tay. Họ nghĩ ra cách làm nhục như sau: buộc hắn ta mỗi ngày “quần áo chỉnh tề, đứng nghiêm trang bên lỗ cầu tiêu, vòng tay tâm niệm, rồi sụp xuống lạy ba lạy có nhịp nhàng, lên gối xuống gối đúng lễ. Vừa lạy vừa phải nói ba câu: “Tôi lạy ông cố nội!”. Thế là nhục lắm!

Chuyện này, ông Phan Văn Hùm có kể lại trong hồi ký Ngồi tù Khám lớn (Nhà xuất bản Dân Tộc - 1957, trang 99) lúc “xộ khám” cùng nhà cách mạng Nguyễn An Ninh. Sở dĩ hắn ta bị làm nhục đến cỡ đó vì rằng, làm gì thì làm, gian đâu thì gian, nhưng với phụ nữ thì không thể. Thế đấy! Từ xưa đến nay, hễ ai có toan tính âm mưu gian tà với giới nữ thì không thể chấp nhận.

Mà, trên đời này, loại đàn ông như gã thầy giáo trắc nết kia đâu thiếu, kể cả người đầu ấp tay gối với mình, có kẻ không những dối mà còn gian đến mức oái oăm. Tôi nhớ nhà văn Nguyễn Công Hoan có viết truyện ngắn kể lại tình tiết lúc ông chồng nọ sai vợ đi tết cho sếp. Chuyện này, nghĩ cho cùng cũng “bình thường như cân đường hộp sữa”, thế nhưng cô vợ quyết không chịu. Hắn ta đùng đùng nổi giận.

Cơn cớ tại làm sao cô vợ nhất quyết không chịu vâng lời chồng? Thì đây, cô ấm ức hỏi trong đầm đìa nước mắt: “Thiếu gì cách lễ tết mà cậu phải làm tôi nhục nhã như thế này!”.

Ngài trợn mắt: “Câm ngay! Làm gì mà bô bô cái mồm lên thế. Đồ ngu như lợn. Cái gì thì mua được, chứ cái này mua được à?”. Rồi ngài đứng nhìn chiếc xe kéo vợ đi khuất, mới quay lại, ra dáng yên lòng. Ngài yên lòng vì không phải thẹn với lương tâm mà chắc chắn rằng sẽ được ông ấy khen là biết ơn và tử tế”. Lễ tết bằng cách dâng vợ mình cho sếp thì đó là hạng người gì? Tình huống này, rõ ràng hắn ta đối xử với vợ bằng sự “dối trá, lừa lọc” chứ còn gì nữa!

Nói đi cũng phải nói lại. Không chỉ đàn ông gian với phụ nữ, mà còn ngược lại nữa. Ở đời hiếm gì chuyện, nhưng tôi chẳng dại gì kể ra, không khéo mang tiếng bép xép, nhiều chuyện. Vậy nên xin kể lại mẩu chuyện Oẳn tà roằn cũng của nhà văn Nguyễn Công Hoan cho vui cái sự đời mà cũng có tính khái quát về vấn đề đang bàn.

Đàn ông đểu cáng với phụ nữ Ảnh minh họa
Đàn ông quân tử, làm ơn đừng gian dối trá, lừa lọc phụ nữ Ảnh minh họa

Rằng, chàng nọ và cô nọ yêu nhau, ngày nọ cô nọ đeo “ba-lô ngược”, chàng hỏi có phải là con của chàng không. Nàng tự ái quát ầm lên: “Tôi con nhà trâm anh, anh cũng con nhà thế phiệt, vì một lời giao ước, nên tôi mới quá chiều anh. Tuy tôi chưa là vợ anh, nhưng cũng như là vợ, nên tôi dốc một lòng chung thủy, thì chữ trinh tôi giữ nguyên cho anh. Nếu bây giờ tôi loan chung phượng chạ thì đây này, tôi sẽ chết như thế này này”.

Ngày nàng khai hoa nở nhụy, ẵm bồng lấy “kết quả tình yêu”, chàng “nhìn kỹ cái tóc, cái mặt, cái mũi con… Rồi giở bọc ra ngắm cả người thằng bé… Ngắm xong, bọc cẩn thận trả lại, chàng từ từ lui ra, thở một cái rõ dài, nét mặt thất vọng.

Té ra thằng bé con chàng mà nước da lại đen như cái cột nhà cháy! Vậy nó không phải con Rồng cháu Tiên. Nó là giống “Oẳn tà roằn” không biết chống gậy”.

Hỡi các bậc hiền nhân quân tử, trước tình huống cực gian này, quý ngài có chấp nhận được không?

Lê Minh Quốc

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Dối có thể chấp nhận, nhưng gian thì không
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO