Doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn trong chuỗi logictics

Hồng Nhung-Minh Hưng (TTXVN/Vietnam+)| 16/07/2021 14:30

Thiếu container rỗng, cước phí vận tải biển tăng cao để bù đắp cho khoản chi phí phát sinh trước đó khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam thêm khó khăn chồng chất.

Các container hàng hóa tại Cảng Quốc tế Lạch Huyện tại Hải Phòng. (Ảnh: Đức Nghĩa/TTXVN)
Các container hàng hóa tại Cảng Quốc tế Lạch Huyện tại Hải Phòng. (Ảnh: Đức Nghĩa/TTXVN)

Dịch COVID-19 kéo dài đã gây ra nhiều hệ lụy về sức khỏe và kinh tế toàn cầu. Để ứng phó với dịch bệnh, các quốc gia đã phải tiến hành giãn cách xã hội.

Các biện pháp này đã gây ảnh hưởng đến hoạt động giao thương, thông quan… làm cho tình trạng hàng hóa muốn xuất hay nhập về đều rất khó khăn do thiếu container rỗng, cước phí vận tải biển tăng cao để bù đắp cho khoản chi phí phát sinh trước đó khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam khó thêm khó.

Giá thuê container quá cao

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), từ cuối tháng 11/2020, phí thuê container đi từ Việt Nam (cho cả container hàng khô và hàng lạnh) đã tăng đột biến. Ở một số cảng, giá đã tăng gấp đôi tháng sau so với tháng trước và gấp gần 6 lần so với giá đầu năm 2020.

Cụ thể, giá vận chuyển container lạnh từ Việt Nam đi cảng Southampton (Anh) đầu năm 2020 là 1.600 USD/cont, tháng 12/2020 là 5.000 USD/cont, nhưng đến tháng 5/2021 là 9.100 USD/cont.

Giá vận chuyển container lạnh từ Việt Nam đi cảng Los Angeles (Mỹ) đầu năm 2020 là 1.800 USD/cont, tháng 12/2020 là 4.000 USD/cont và đến tháng 5/2021 là 8.000 USD/cont.

Giá vận chuyển container hàng khô từ Việt Nam đi Israel tháng 10/2020 mới chỉ là 2.300 USD/cont 20feet thì tháng 3/2021 đã lên 6.300 USD/cont 20feet (hãng tàu Hapag Lloyd, Evergreen) đến 7.000 USD/cont 20feet (hãng tàu Zim), thậm chí có hãng tàu còn báo cước phí lên đến 11.000 USD/cont 20feet.

Giá vận chuyển container hàng khô từ Việt Nam đi cảng Klaipeda (cảng biển duy nhất của Litva) thì trước đây chỉ là từ 2.100-2.300 USD/cont 20feet thì đến tháng 1/2021 đã lên đến 8.000 USD/cont 20feet.

Đồng thời, ngay cả cước phí vận tải biển đi từ các nước khác cũng đang tăng cao kỷ lục. Theo đó, phí vận chuyển một container 40feet từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Rotterdam (Hà Lan) ngày 27/5/2021 đã đạt mức 10.174 USD, cao hơn 3,1% so với trước đó 1 tuần và tăng 485% so với cùng kỳ năm 2020.

Chỉ số giá tổng hợp của 8 tuyến đường vận tải biển chính trên thế giới cũng đã tăng gần 300% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến các nhà xuất nhập khẩu rơi vào tình cảnh khó khăn.

Ở Mỹ và nhiều nơi khác trong năm nay, nhiều chủ hàng đã phải trả mức phí hơn 10.000 USD cho mỗi container hàng xuất khẩu.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp vẫn phải "cắn răng," "bấm bụng" để có thể thuê được container rỗng để xuất hàng theo đơn đã nhận. Bởi việc thiếu hụt container cho xuất nhập khẩu hàng hóa đã và đang dẫn đến ách tắc cả cho đầu ra (các lô hàng xuất khẩu) lẫn đầu vào (các lô nguyên liệu nhập khẩu) của doanh nghiệp.

Đồng thời, làm gia tăng chi phí thuê container tại tất cả các cảng biển, gây ra nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng của nhiều ngành hàng. Đồng thời, cũng khiến nhiều doanh nghiệp phải trả thêm chi phí lưu kho, lưu bãi do các lô hàng bị ách tắc tại các cảng biển do không thuê được container vận chuyển.

"Tuy nhiên, ngay cả khi doanh nghiệp đã đăng ký được container đóng hàng đưa ra cảng để lên tàu xuất khẩu, nhưng vì thiếu hụt lượng container dẫn đến các hãng tàu liên tục trễ chuyến, hoãn chuyến, có nhiều tàu phải hoãn từ 4-5 lần (tương đương khoảng 10-15 ngày) gây nên việc chậm trễ đơn hàng xuất khẩu, nhất là các đơn hàng phải giao để kịp quota nhưng tàu chậm, hoãn dẫn đến chậm trễ buộc phải hủy giao hàng, chi phí lưu container ở cảng cũng tăng lên gấp bội," đại diện VASEP chia sẻ.

Tạo nguồn container

Thực trạng thiếu container rỗng được cho là do đại dịch COVID-19 làm đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng logictics. Trong khi đó, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực đã tạo điều kiện cho xuất khẩu hàng hóa Việt Nam tăng lên. Số lượng hàng xuất đi nhiều kéo theo nhu cầu cần container rỗng tăng cao hơn.

Thêm vào đó, Việt Nam hiện quá phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài, nên chưa chủ động được nguồn container. Theo thống kê của Hiệp hội Logictics Việt Nam (VLA), đội tàu biển của nước ta mới chỉ đảm nhiệm được khoảng 10% thị phần vận tải hàng từ Việt Nam ra thế giới.

Đội tàu container cũng hoạt động chủ yếu trên các tuyến vận tải ngắn như: Đông Nam Á và Đông Bắc Á,…

Khó khăn về vấn đề vận chuyển, vận tải, logictics hiện nay là khó khăn chung cho các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, trong đó, có ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản.

Để có thể "cứu vãn" tình thế, cuối tháng Sáu vừa qua, VASEP đã gửi Công văn số 74 /CV-VASEP tới Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo về 8 khó khăn, bất cập và vướng mắc đang tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thủy sản.

Theo đó, VASEP kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét và có các chỉ đạo giải quyết tháo gỡ vấn đề thiếu container đi các tuyến và giảm giá cước vận tải biển trở lại như trước tháng 11/2020.

Cùng với ngành chế biến, xuất khẩu thủy sản, các doanh nghiệp thuộc ngành nghề khác cũng đưa ra các đề xuất về giải quyết để có container rỗng, phục vụ cho xuất nhập khẩu.

Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó chủ tịch Hội Xuất nhập khẩu Đồng Nai cho rằng, cần có thêm áp lực với các hãng tàu để luân chuyển container nhanh hơn và chấp nhận hy sinh một phần chi phí vận chuyển container rỗng cho hàng xuất khẩu.

Các thủ tục thông quan hàng cần nhanh chóng hơn, đồng thời giảm thời gian lưu kho, lưu bãi đối với các container nhập khẩu. Khi doanh nghiệp lấy hàng ra nhanh thì cũng góp phần tạo nguồn container rỗng.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất container rỗng cũng đang được Bộ Công Thương đồng tình ủng hộ.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, nếu như trước đây chúng ta chưa có doanh nghiệp sản xuất container quy mô lớn, thì hiện nay, trước thực trạng thiếu hụt container, đã có doanh nghiệp bắt tay vào sản xuất container cung ứng cho hoạt động xuất khẩu.

Đây chính là kỳ vọng một hướng đi mới trong sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam. Thực tế này cũng cho thấy trong khó khăn do các yếu tố dịch bệnh, doanh nghiệp vẫn tìm được cơ hội để vượt qua khó khăn, đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế.

Theo ông Vũ Đức Sính, Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất container Hòa Phát, sản xuất container là sản phẩm giá trị gia tăng nằm trong hệ sinh thái sản xuất gang thép của Hòa Phát.

Dự kiến đến đầu quý 2 năm sau, những sản phẩm container rỗng đầu tiên của Hòa Phát sẽ có mặt trên thị trường để cung ứng cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam./.

Hồng Nhung-Minh Hưng (TTXVN/Vietnam+)
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp khó khăn trong chuỗi logictics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO