Điều gì khiến tàu ngầm Indonesia chìm sâu 850 mét dưới biển?

25/04/2021 20:50

Các chuyên gia và giới chức quân sự Indonesia vẫn đang đi tìm lời giải cho sự cố chìm tàu ngầm sau khi phát hiện các mảnh vỡ trôi dạt trên biển.

Điều gì khiến tàu ngầm Indonesia chìm sâu 850 mét dưới biển? - 1

Tàu ngầm KRI Nanggala-402 mất tích khi đang chuẩn bị cho cuộc diễn tập ở ngoài khơi đảo Bali (Ảnh: Reuters).

Ít có mối quan hệ nào bền chặt hơn sự gắn kết giữa các thủy thủ trên tàu ngầm. Mỗi người được chọn vào thủy thủ đoàn đều phải hoàn thành một vai trò quan trọng trong một guồng máy tương tác phức tạp nhằm cho phép một con tàu có thể lặn sâu dưới biển trong nhiều tuần.

Những hành lang trên tàu ngầm chật chội đến mức các thủy thủ không thể vượt qua nhau nếu không có một người nhường đường. Tiếng rít của động cơ là âm thanh mà các thủy thủ có thể cảm nhận liên tục trong răng.

Các thủy thủ xếp chồng lên nhau trong các buồng chật hẹp. Họ thực hành cách mà người đi tàu ngầm thường gọi là thở "tiết kiệm", để bảo tồn thứ quý giá nhất trong con tàu đang lặn sâu dưới nước: không khí sạch.

"Đó là tình anh em rất bền chặt. Chúng tôi là bạn bè suốt đời", Frans Wuwung, một thủy thủ đã nghỉ hưu, người từng huấn luyện cho thủy thủ đoàn trên tàu ngầm KRI Nanggala-402 - một trong năm tàu ngầm của hải quân Indonesia, cho biết.

Trước bình minh ngày 21/4, 53 người lần lượt xuống tàu ngầm Nanggala khi con tàu bắt đầu cuộc diễn tập phóng ngư lôi ở nam Thái Bình Dương. Trên con tàu 44 tuổi do Đức chế tạo có Đại tá Harry Setyawan - chỉ huy hạm đội tàu ngầm Indonesia.

Khoảng 3 giờ sáng, tàu Nanggala được cho phép bắt đầu cuộc diễn tập ở vùng biển phía bắc đảo Bali của Indonesia. Thân tàu sẫm màu chìm xuống vùng nước đen tối. Sau đó là sự im lặng. Các tín hiệu liên lạc gửi đi không được trả lời. Tàu Nanggala đã biến mất.

Điều gì khiến tàu ngầm Indonesia chìm sâu 850 mét dưới biển? - 2

Vị trí tàu ngầm mất tích (Ảnh: AFP).

Trong khi giới chức hải quân Indonesia đếm từng giờ cạn kiệt khí ôxy trên tàu Nanggala, các tàu và máy bay từ nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đã tập trung về vùng biển Bali với hy vọng tìm thấy tàu ngầm mất tích. Mọi người đều lo sợ rằng tàu sẽ hết ôxy vào sáng sớm ngày 24/4, 72 tiếng sau khi mất tích.

Chiều 24/4, Đô đốc Yudo Margono, tham mưu trưởng hải quân Indonesia, thông báo đã tìm thấy mảnh vỡ gần nơi tàu ngầm lặn xuống trước đó 3 ngày. Hải quân Indonesia khẳng định con tàu đã chìm xuống đáy biển sâu và nứt vỡ.

Một số vật dụng nổi lên mặt nước được xác định rơi ra từ bên trong tàu Nanggala: bao gồm miếng thảm cầu nguyện, loại mút đặc biệt để làm sạch hơi nước ngưng tụ và một lọ dầu mỡ dùng để bôi trơn kính tiềm vọng của tàu ngầm.

Nhưng Đô đốc Yudo nói rằng thi thể của thủy thủ đoàn vẫn chưa được tìm thấy.

Đô đốc Yudo cho biết công nghệ sonar (định vị thủy âm) đã phát hiện ra tàu Nanggala chìm ở độ sâu 850 mét, vượt quá độ sâu an toàn cho phép. Ở độ sâu này, áp lực nước mạnh đến mức tàu ngầm vỏ thép có thể bị vỡ.

Susantyas Nefo Handayani Kertopati, nhà phân tích quân sự và tình báo Indonesia, cho biết ngay cả khi tàu Nanggala bằng cách nào đó rơi xuống một thung lũng dưới biển và một trong số khoang tàu không bị ngập nước, cơ hội sống sót ở độ sâu như vậy với lượng ôxy hạn chế là rất thấp.

"Họ sẽ bị hoảng loạn. Chỉ cần bị nhốt ở trong phòng, chúng ta đã hoảng sợ rồi. Còn hãy tưởng tượng, đây là ở độ sâu 850 mét. Chúng ta rốt cuộc vẫn là con người mà thôi", Susantyas nói.

Vì sao tàu ngầm gặp sự cố?

Điều gì khiến tàu ngầm Indonesia chìm sâu 850 mét dưới biển? - 3

Các mảnh vỡ và vật dụng được tìm thấy tại khu vực tàu ngầm mất tích (Ảnh: Reuters).

Hiện vẫn chưa rõ điều gì đã khiến tàu ngầm chạy bằng điện diesel lao xuống độ sâu như vậy. Tuy nhiên, các chuyên gia hải quân cho rằng quá trình tàu lao xuống nước có thể đã diễn ra nhanh chóng và đột ngột, do tàu không phát đi tín hiệu khẩn cấp cho thấy nó đang gặp nạn.

"Tàu ngầm của Indonesia rất có thể đã gặp sự cố ở bên trong, bị ngập nước qua đường ống hoặc nổ pin", Norman Polmar, nhà sử học người Mỹ nghiên cứu về tàu ngầm, cho biết.

Julius Widjojono, phát ngôn viên của hải quân Indonesia, cho biết ngay trước khi biến mất, tàu Nanggala đã tham gia một cuộc diễn tập phóng ngư lôi khác. Tuy nhiên, cuộc diễn tập đó đã kết thúc "không hoàn hảo" với việc ngư lôi bị bắn trượt mục tiêu.

Tư lệnh hải quân Indonesia đã ra lệnh cho tàu Nanggala diễn tập lại một lần nữa. Khi đang chuẩn bị cho cuộc diễn tập này, tàu đã mất liên lạc.

Chuyên gia Susanetyas đặt ra nghi vấn về việc liệu tàu ngầm được triển khai diễn tập liên tục có cho phép tàu có đủ thời gian để bảo trì hay không.

"Tàu đã bị buộc phải tham gia vào hoạt động diễn tập ở Bali, rất ép buộc. Người đứng đầu hải quân phải chịu trách nhiệm", bà Susanetyas nói.

Điều gì khiến tàu ngầm Indonesia chìm sâu 850 mét dưới biển? - 4

Một vật dụng được cho là liên quan tới tàu ngầm mất tích được trưng bày tại cuộc họp báo ngày 24/4 (Ảnh: Reuters).

Được chế tạo vào năm 1977, tàu Nanggala được trùng tu hoàn toàn ở Hàn Quốc vào năm 2012. Hải quân Indonesia cho biết giấy tờ cấp phép hoạt động của tàu vẫn bình thường. Tuy nhiên, một chuyên gia quốc phòng giấu tên tiết lộ tàu Nanggala đã không được bảo dưỡng toàn bộ kể từ tháng 5/2018.

Các chuyên gia hải quân Indonesia đã đặt ra giả thuyết rằng, khi tàu Nanggala lặn xuống vào ngày 21/4, bằng cách nào đó nước biển đã tràn vào tàu ngầm, có thể thông qua một đường ống hoặc ống phóng ngư lôi. Trong điều kiện hoàn hảo, thủy thủ đoàn có thể tìm cách để bảo vệ chỗ bị rò rỉ và bịt kín khoang tàu bằng cửa kín nước, nhưng các tình huống khẩn cấp hiếm khi diễn ra hoàn hảo. Khi nước từ bên ngoài tràn vào, áp lực có thể khiến tàu ngầm chìm xuống.

"Con tàu sẽ chìm rất nhanh, như một hòn đá", Soleman Ponta, chuyên gia phân tích quân sự, nhận định.

Các nhà chức trách Indonesia hiện vẫn chưa đưa ra lời giải thích chính xác về nguyên nhân khiến tàu ngầm bị chìm. Hải quân Indonesia cho rằng sự cố về điện có thể đã xảy ra trong lúc tàu làm nhiệm vụ, khiến tàu bị mất kiểm soát và không thể thực hiện các thao tác và quy trình khẩn cấp để có thể nổi lại trên mặt nước.

Tham mưu trưởng hải quân Indonesia nói rằng các mảnh vỡ và vật dụng họ thu được không thể thoát ra ngoài, trừ khi có tác động của áp lực nước hoặc hỏng ống phóng ngư lôi. Trong khi đó, Tư lệnh quân đội Indonesia cho biết không có vụ nổ nào xảy ra trong quá trình tàu chìm.

Thành Đạt

Theo New York Times, SCMP

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điều gì khiến tàu ngầm Indonesia chìm sâu 850 mét dưới biển?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO