Diện mạo mới xe tăng chủ lực tương lai của quân đội Nga

06/07/2021 17:44

Những đặc điểm và triển vọng của xe tăng chủ lực của quân đội Nga trong tương lai đã được thảo luận tại hội nghị khoa học ở Kazan mới đây, trong đó có xem xét các xu hướng toàn cầu và thực tiễn chiến tranh hiện đại.

Trong nhiều thập kỷ qua, các chuyên gia quân sự đã tranh luận về tương lai của xe tăng. Một số chuyên gia dự đoán về sự kết thúc của kỷ nguyên xe tăng.

Song dựa trên kinh nghiệm thực tế của các cuộc xung đột quân sự gần đây, hầu hết các chuyên gia dự báo về những thay đổi mang tính cách mạng trong lĩnh vực xe tăng. Đặc biệt, kinh nghiệm chiến đấu ở Syria cho thấy nhu cầu về xe tăng vẫn tiếp tục.

Đặc điểm mới của xe tăng tương lai

Một hội nghị khoa học gần đây đã được tổ chức tại Trường chỉ huy xe tăng cao cấp Kazan (LB Nga), nhằm thảo luận các vấn đề về sự phát triển của đơn vị xe tăng chủ lực trong tương lai của Các Lực lượng vũ trang Liên bang Nga.

Các chuyên gia quân sự đặc biệt quan tâm tới tham luận của người đứng đầu Trường chỉ huy xe tăng cao cấp Kazan, Thiếu tướng Kirill Kulakov và Tổng giám đốc - kiến trúc sư trưởng của Cục Thiết kế chế tạo máy Ural Andrey Terlikov.

Đơn vị xe tăng của Các Lực lượng vũ trang Liên bang Nga. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga.

Theo đó, các ý kiến nhấn mạnh về triển vọng nghiên cứu và phát triển các ý tưởng sản xuất xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới (MBT) tại Nga.

Đồng thời, có một vài quan điểm trình bày về các tính năng thiết kế khác nhau của xe tăng, phụ thuộc vào đặc điểm các cuộc chiến tranh trong tương lai, cũng như việc lựa chọn các hướng hợp lý để phát triển MBT thế hệ mới trong những điều kiện này.

Trong tương lai gần, xe tăng sẽ được thiết kế để thực hiện các nhiệm vụ chính như: Tiêu diệt các loại vũ khí bọc thép và chống tăng của đối phương, nhân lực, các công trình hỏa lực tầm xa và các mục tiêu bay tầm thấp. Để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ này, xe tăng mới phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật và chiến thuật nhất định.

Một điểm cơ bản của xe tăng tương lai là kíp lái sẽ gồm 3 người, với khả năng hoán đổi vị trí cho nhau giữa các thành viên.

Ngoài ra, xe tăng chủ lực phải trang bị tổ hợp vũ khí và hệ thống điều khiển hỏa lực có khả năng phát hiện, xác định, bám bắt và theo dõi mục tiêu, đảm bảo đạn bắn chính xác ở cự ly hơn 5.000m.

Bên cạnh đó, bộ phận điều khiển các loại vũ khí phải được loại bỏ hoặc thu gọn tại vị trí làm việc của xạ thủ, người điều khiển và chỉ huy xe tăng.

Vũ khí chính của xe tăng vẫn là pháo, phải đảm bảo việc sử dụng các loại đạn gia tăng sức mạnh, cũng như các loại đạn dựa trên các nguyên tắc vật lý mới.

Hiện tại, xe tăng quân đội Nga có pháo nòng trơn 125mm kiểu D-81. Trong 40 năm qua, sản phẩm này đã trải qua một số nâng cấp. Nhờ đó, độ chính xác của việc bắn được tăng lên. Cường độ năng lượng được tăng lên dựa vào việc cải tiến các giải pháp kết cấu và bố trí, cũng như phát triển các loại thép súng có độ bền cao hơn.

Tăng cường khả năng sống sót

Một trong những vấn đề nan giải trong việc chế tạo và vận hành xe tăng hiện nay là gia tăng khả năng sống sót trên chiến trường.

Do đó, việc lựa chọn hướng phát triển và xác định diện mạo kỹ thuật mới của tổ hợp súng pháo tương lai là rất quan trọng, nhằm bảo đảm khả năng tiêu diệt hiệu quả các vũ khí hiện đại của đối thủ.

Một số đề tài nghiên cứu đã được thực hiện với sự tham gia của hầu hết các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế tạo xe tăng của Nga. Dữ liệu thu được cho thấy, việc đảm bảo khả năng xuyên giáp của các loại đạn cỡ nòng nhỏ mới, đòi hỏi phải tăng cường độ năng lượng cho súng pháo.

Đồng thời, các ý kiến cũng nhận định, trong trung hạn sẽ khó có sự gia tăng đáng kể về khả năng chống giáp của các loại xe tăng chủ lực của nước ngoài. Điều này chủ yếu là do các hạn chế về kích thước và trọng lượng của chúng. Do đó ngành công nghiệp của Nga vẫn có tiềm năng phát triển pháo tăng cỡ nòng 125mm hiện có.

Bên cạnh đó, cần sử dụng các loại đạn có tính năng khí động học cải tiến, góp phần tiêu diệt mục tiêu chính xác cao hơn. Hiện nay, việc phát triển các loại đạn xe tăng 125mm đang được tiến hành. Việc chế tạo các loại đạn xuyên giáp mới đã được hoàn thành, trở thành loại đạn động năng tiêu chuẩn hiệu quả nhất.

Ngoài ra, theo các chuyên gia quân sự, trong tổ hợp vũ khí của xe tăng cần phải lắp đặt thêm súng máy phòng không điều khiển từ xa. Tại hội nghị ở Kazan, các chuyên gia cũng đặt ra vấn đề về chất lượng các phương pháp bảo vệ xe tăng mới. Theo đó, cách hóa giải vũ khí chống tăng bằng cách tăng cường hơn nữa lớp bảo vệ phía  trước xe chỉ là giải pháp tạm thời.

Bởi vì, việc sử dụng các loại vũ khí dẫn đường và đạn chính xác cao mới, với đầu đạn chùm có thể bắn trúng nhiều xe tăng, chỉ với một phát bắn ở cự ly hàng chục km. Áo giáp vẫn là cơ sở cần thiết để giảm hiệu ứng xuyên giáp của vũ khí chống tăng, sau khi chúng vượt qua lớp giáp ngoài cùng.

Nhiệm vụ của lớp giáp này là đảm bảo định hướng lại, phân tán hoặc hấp thụ động năng của đạn xuyên giáp cỡ nhỏ, hay của phản lực tích lũy súng phóng lựu chống tăng hoặc tên lửa chống tăng. Theo đó, để bảo vệ xe tăng khỏi các mối đe dọa trên, một tổ hợp bảo vệ tích cực đã được phát triển.

Quân đội Nga tiếp tục nâng cấp, cải tiến xe tăng chủ lực. Ảnh: TASS.

Các chuyên gia tại hội thảo đặc biệt chú ý đến các phương tiện diệt xe tăng, thực hiện đòn tấn công từ bán cầu trên trở lên. Đầu đạn của tên lửa và đạn pháo cỡ lớn dùng để đánh mục tiêu bọc thép (nhằm vào phần bán cầu) được trang bị đầu đạn chùm và đầu đạn tự ngắm.

Nóc xe tăng gần đây đã được bố trí lớp giáp phản ứng, giúp chống lại các loại đạn tấn công từ trên cao. Tuy nhiên, việc phát triển của các loại vũ khí diệt tăng mới này vẫn tiếp tục diễn ra. Do đó, lần đầu tiên vấn đề tạo ra một tổ hợp bảo vệ bán cầu trên cho các loại xe bọc thép đã được đặt ra tại Nga.

Khả năng bảo vệ bị động và chủ động của xe tăng cũng có thể được bổ sung bằng các hệ thống làm giảm khả năng va chạm với xe chiến đấu. Đây là những hệ thống và phức hợp làm giảm các tín hiệu quang học, nhiệt, điện từ và âm thanh.

Tự động hóa cao hơn

Theo các chuyên gia tham gia hội nghị, trọng lượng chiến đấu của xe tăng và kích thước tổng thể của nó nên giữ nguyên trong phạm vi hiện có. Đồng thời, các ý kiến cũng chú ý đến khả năng cơ động của xe tăng, chú trọng đến việc sử dụng tối đa công suất động cơ, với hiệu suất cao hơn. Theo đó, một đề xuất mới là chuyển sang lắp đặt động cơ có công suất ít nhất 1.500 mã lực. Trong trường hợp này, tổ máy phát điện phải sử dụng đa nhiên liệu.

Cùng với sự phát triển của máy phát điện, việc chuyển đổi từ hộp số truyền động sang truyền động cơ thủy với hộp số lùi hoàn toàn và hộp số thủy tĩnh trong các cơ cấu quay vòng đã được nêu ra. Triển vọng trong tương lai là việc lắp đặt hệ thống số tự động và hệ thống điều khiển nhân bản của xe tăng từ vị trí ghế chỉ huy.

Một khối vấn đề khác liên quan đến lệnh điều khiển. Các phương tiện liên lạc trong quá trình trao đổi vô tuyến phải đảm bảo không bị gây nhiễu và nhận dạng tín hiệu. Tất cả các thành viên phi hành đoàn cần được đảm bảo thông tin liên lạc nội bộ và bên ngoài, dưới tác động tác chiến điện tử của đối phương.

Theo đó, xe tăng tương lai cần được tích hợp vào một Hệ thống điều khiển chiến thuật tự động (ACS TZ). Ở chế độ chính, việc điều khiển hệ thống ACS TZ cần được thực hiện từ giọng nói, vì khi di chuyển và khi chiến đấu đều gặp khó khăn với việc gõ lệnh trên bảng cảm ứng (bàn phím). Thông tin phải được hiển thị trên màn hình đa phương tiện khổ lớn.

Ngoài ra, một báo cáo từ Viện Nghiên cứu Trung ương mang tên I.P. Bardin (hay TsNIIchermet) cho biết, cơ quan này đang phát triển hợp kim thép mới cho xe bọc thép. Theo đó, hầu hết các hợp kim cũ được phát triển từ những năm 1970 đang cạn kiệt.

Các hợp kim mới có trọng lượng nhẹ hơn so với các hợp kim trước đây. Điều này sẽ cho phép các mẫu xe tăng có khả năng chống giáp tăng lên trong khi trọng lượng và kích thước giảm xuống, giúp hoạt động tác chiến và di chuyển nhanh hơn trước.

MINH TUẤN (theo Redstar.ru)

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Diện mạo mới xe tăng chủ lực tương lai của quân đội Nga
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO