
- Giá vàng: Vàng nhẫn tăng vọt lên mốc kỷ lục 97 triệu đồng/lượng
Giá vàng thế giới hôm 18/3 bật tăng bởi nhu cầu trú ẩn vốn an toàn tăng cao trong bối cảnh ảnh hưởng những chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump, giao dịch ở mức 3.006,5 USD/ounce. Trong nước, giá vàng miếng và vàng nhẫn SJC tiếp tục bùng nổ, giao dịch lần lượt ở mức 96,9 triệu đồng/lượng và 96,8 triệu đồng/lượng.
Trong phiên giao dịch hôm 18/3, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn các thương hiệu trong nước đồng loạt tăng gần 1 triệu đồng/lượng; đặc biệt vàng nhẫn Doji tăng vọt lên ngưỡng 97,4 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, tại thời điểm 9 giờ 30 phút ngày 18/3, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào-bán ra ở mức 95,4-96,9 triệu đồng/lượng, tăng 600 nghìn đồng mỗi lượng ở chiều mua vào và 800 nghìn đồng mỗi lượng ở chiều bán ra so chốt phiên hôm trước. Chênh lệch mua-bán ở mức 1,5 triệu đồng.
Giá vàng nhẫn SJC 9999 mua vào 95,3 triệu đồng/lượng, bán ra 96,8 triệu đồng/lượng, tăng 600 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và 800 nghìn đồng/lượng ở chiều bán ra so kết phiên trước đó.
Trong khi đó, giá vàng miếng DOJI tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mua vào ở mức 95,4 triệu đồng/lượng và bán ra 96,9 triệu đồng/lượng, giữ nguyên so chốt phiên hôm trước.
Thương hiệu này niêm yết giá vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 tăng 800 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều so với chốt phiên hôm 17/3, giao dịch mua vào và bán ra lần lượt là 95,9-97,4 triệu đồng/lượng.
Vàng PNJ niêm yết mua vào ở mức 95,5 triệu đồng/lượng và bán ra mức 97,3 triệu đồng/lượng, tăng 600 nghìn đồng mỗi lượng chiều mua vào và 800 nghìn đồng mỗi lượng ở chiều bán ra so kết phiên liền trước.
Tính đến 9 giờ 30 phút ngày 18/3 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới tăng 22 USD so kết phiên hôm trước lên mức 3.006,5 USD/ounce.
Giá vàng thế giới hôm 18/3 tăng thẳng đứng, vọt lên mức kỷ lục mới hơn 3.000 USD/ounce do căng thẳng thương mại cùng với xung đột địa chính trị và kỳ vọng thay đổi chính sách tiền tệ đã thúc đẩy nhà đầu tư tìm kiếm sự ổn định. Mức 3.000 USD/ounce là ngưỡng tâm lý quan trọng và thị trường vàng sẽ dao động trong vùng giá này.
Ông Adrian Day, Chủ tịch của Adrian Day Asset Management nhận định, các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mua vàng và đây là yếu tố đẩy vàng vượt ngưỡng 3.000 USD/ounce.
Goldman Sachs cũng đánh giá, kim loại quý có động lực tăng giá nhờ nhu cầu mua vàng từ các ngân hàng trung ương.
Trong tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ đưa ra dự báo kinh tế mới. Những thông tin này sẽ giúp thị trường hiểu rõ hơn những đánh giá của nhà lãnh đạo của Ngân hàng Trung ương Mỹ về tác động của các chính sách của Tổng thống Donald Trump đối với nền kinh tế Mỹ.
Dữ liệu công bố mới nhất cho thấy, doanh số bán lẻ của Mỹ phục hồi yếu hơn dự kiến vào tháng 2, báo hiệu tăng trưởng kinh tế ở mức vừa phải.
Trong lưu ý mới đây, các chuyên gia phân tích của Heraeus Metals cho biết, nếu dữ liệu kinh tế tiếp tục suy yếu và cuộc chiến thuế quan toàn cầu leo thang, vàng sẽ tiếp tục được hưởng lợi.
Dự đoán hướng đi của vàng, chuyên gia nhà phân tích độc lập Ross Norman kỳ vọng giá sẽ tăng nhẹ trong ngắn hạn.
- Hơn 560 doanh nghiệp được bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao 2025
Các doanh nghiệp đạt nhãn hiệu chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao 2025, đóng góp ngân sách gần 170.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 250.000 lao động.
Sáng 18/3, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao công bố kết quả cuộc khảo sát Người tiêu dùng bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao 2025, ghi nhận hơn 121.000 lượt bình chọn các doanh nghiệp, qua đó có 562 doanh nghiệp chính thức đạt nhãn hiệu chứng nhận này do người tiêu dùng bình chọn.
Các doanh nghiệp đạt nhãn hiệu chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao 2025, đóng góp ngân sách gần 170.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 250.000 lao động.
Đặc biệt, trong nhóm doanh nghiệp mới được bình chọn lần đầu (doanh nghiệp mới nổi) là những đơn vị sản xuất kinh doanh có nỗ lực mang tính đột phá trong hoạt động phân phối với sự gia tăng độ phủ khá tốt trên thị trường nội địa.
Ngoài ra, còn là các doanh nghiệp có thị trường tối thiểu ở 2-3 khu vực, thuộc top doanh nghiệp tiêu biểu xuất khẩu thâm nhập được vào nhiều thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản.
- Kinh doanh ăn uống thu hơn 688.000 tỷ đồng, ngành F&B sắp vào sóng tăng giá
Với 323.010 cửa hàng đang hoạt động, ngành kinh doanh ẩm thực Việt Nam năm 2024 mang về 688,8 nghìn tỷ đồng và vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm nay.
Báo cáo thị trường Kinh doanh ẩm thực (F&B) tại Việt Nam năm 2024 của iPOS.vn công bố ngày 18/3, cho thấy đến hết năm 2024, số lượng cửa hàng F&B tại Việt Nam đạt 323.010 cửa hàng, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đại diện iPOS.vn, trong khi nửa đầu năm 2024, có 30.000 cửa hàng F&B đóng cửa, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, thì 6 tháng cuối năm ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Số cửa hàng đóng cửa giảm nhanh, các mô hình quán độc lập và chuỗi mới tiếp tục mở.
Dữ liệu này cũng cho thấy, ngành F&B đã vượt qua giai đoạn đáy ngay cuối năm 2024, dù quá trình hồi phục còn thận trọng và thị trường vẫn trong giai đoạn điều chỉnh sau thời kỳ khó khăn.
Sự phục hồi tốt nửa cuối năm cũng giúp doanh thu ngành F&B năm 2024 đạt khoảng 688,8 nghìn tỷ đồng, tăng 16,6% so với năm 2023.
Tuy nhiên, dù doanh thu chung của ngành tăng, nhưng theo khảo sát từ hơn 4.000 doanh nghiệp F&B cả nước, chỉ 25,5% doanh nghiệp có doanh thu ổn định so với cùng kỳ năm 2023, và 14,7% có mức tăng trưởng.
Ở chiều ngược lại, có 34,3% doanh nghiệp cho biết họ đang đối mặt với khó khăn trong kinh doanh. Trong đó, 14,3% giảm doanh thu nghiêm trọng (giảm trên 20% so với cùng kỳ năm trước), còn 20% có mức giảm nhẹ từ 5-20% nhưng vẫn duy trì được hoạt động.
Báo cáo cũng cho thấy người tiêu dùng đang ưu tiên những lựa chọn có chất lượng tốt với mức giá phải chăng. Có 52,3% người Việt hiện chỉ ưu tiên chi tiêu dưới 35.000 đồng cho mỗi món đồ uống. Tuy nhiên, thói quen mua đồ uống bên ngoài lại tăng trưởng mạnh so với năm 2023, với tỷ lệ người uống thường xuyên (3-4 lần/tuần) tăng mạnh từ 17,4% năm 2023 lên 32,8% năm 2024.
Doanh thu từ các chuỗi F&B tại Việt Nam năm qua cũng ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng, tăng 21,5% so với năm 2023. Mô hình chuỗi đang dần gia tăng sức ảnh hưởng, khi thị phần doanh thu tăng tới 7,3% so với mức 5,2% của năm 2023.

- ACB lên kế hoạch phát hành 20.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ
Ngân hàng ACB dự kiến phát hành tối đa 20.000 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi trong năm 2025 nhằm phục vụ hoạt động cho vay và đầu tư.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã: ACB) vừa công bố nghị quyết của HĐQT về việc thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần một năm 2025 của ngân hàng.
Cụ thể, ngân hàng này dự kiến phát hành tối đa 200.000 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, tổng mệnh giá tối đa lên đến 20.000 tỷ đồng. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có bảo đảm và không phải là nợ thứ cấp của ACB.
Trái phiếu sẽ được phát hành thành 10 đợt thông qua phương thức phát hành riêng lẻ theo phương thức đại lý phát hành và/hoặc bán trực tiếp cho nhà đầu tư. Kỳ hạn trái phiếu tối đa là 5 năm.
Tùy theo nhu cầu của thị trường, tổng giám đốc quyết định lãi suất trái phiếu là lãi suất cố định; hoặc lãi suất thả nổi được xác định bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ; hoặc kết hợp giữa lãi suất cố định và lãi suất thả nổi. Thanh toán lãi trả sau, định kỳ 12 tháng/lần.
Mục đích phát hành trái phiếu của ACB nhằm phục vụ nhu cầu cho vay, đầu tư cũng như đảm bảo tuân thủ các chỉ tiêu an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
- Tiền ngại vào, thanh khoản giảm mạnh, thị trường “nguội” dần
Những phút gần cuối phiên sáng nay VN-Index thậm chí đã chớm có màu đỏ, giảm khoảng 0,01 điểm so với tham chiếu. Độ rộng chỉ số dần thu hẹp và thanh khoản chung sụt giảm cho thấy sức mua có biểu hiện suy yếu. Tuy vậy vẫn có những điểm sáng riêng biệt như giao dịch của POW hay một số cổ phiếu dầu khí...
Những phút gần cuối phiên sáng nay VN-Index thậm chí đã chớm có màu đỏ, giảm khoảng 0,01 điểm so với tham chiếu. Độ rộng chỉ số dần thu hẹp và thanh khoản chung sụt giảm cho thấy sức mua có biểu hiện suy yếu. Tuy vậy vẫn có những điểm sáng riêng biệt như giao dịch của POW hay một số cổ phiếu dầu khí.
VN-Index chốt phiên sáng tăng nhẹ 1,22 điểm tương đương +0,09%. Đỉnh cao nhất chỉ số đạt được là khoảng 9h25 – tức là 5 phút đầu tiên sau khi có giá mở cửa – tăng 5,4 điểm so với tham chiếu. Như vậy hướng dao động chính trong phiên sáng nay là trượt giảm dần.
Sự thay đổi trong độ rộng chỉ số cũng phản ánh đúng diễn biến này. Tại đỉnh cao nhất, VN-Index ghi nhận 250 mã tăng/85 mã giảm. Ở đỉnh thứ 2 của chỉ số lúc 10h, ghi nhận 250 mã tăng/142 mã giảm. Kết phiên chỉ còn 193 mã tăng/223 mã giảm. Có thể thấy số lượng cổ phiếu tăng co hẹp lại dần trong khi số giảm mở rộng dần theo chiều chỉ số đi xuống. Ngoài ra toàn sàn HoSE chỉ còn 38 cổ phiếu xanh và chốt ở giá cao nhất tương đương 11% số mã phát sinh giao dịch. Như vậy đại đa số cổ phiếu bất kể là xanh hay đỏ, đều đã bị ép dần xuống theo thời gian.
VN30-Index chốt phiên sáng đã giảm 0,15% với 12 mã tăng/15 mã giảm. Nhóm này dĩ nhiên đang là sức ép chính lên VN-Index dù mới có VPB giảm 1,24% là mạnh nhất và cũng là mã duy nhất mất hơn 1%. Cổ phiếu này trượt giảm tới 1,72% trong phiên, tức là đảo chiều từ tăng thành giảm so với tham chiếu. Ngoài ra trong Top 10 vốn hóa của VN-Index có thêm BID giảm 0,37%, CTG giảm 0,94%, VHM giảm 0,1%, TCB giảm 0,18%.
Nhóm blue-chips tăng giá nổi bật đang là GAS với mức tăng 2,05%. GAS cũng là cổ phiếu vốn hóa lớn thứ 9 của VN-Index. Thanh khoản cổ phiếu này khá tốt, mới phiên sáng đã đạt hơn 2 triệu đơn vị trị giá 139,7 tỷ đồng, đứng thứ 12 thị trường. Đây cũng đã là ngưỡng thanh khoản cao nhất của GAS kể từ giữa tháng 8/2024 và giá cũng lên cao nhất 4 tháng.
Nhóm dầu khí sáng nay giao dịch khá mạnh và GAS là đại diện đáng kể nhất khi nằm trong số vốn hóa lớn. Ngoài ra, BSR tăng 3,63% cũng rất ấn tượng. Cổ phiếu này từ khi lên sàn HoSE đã lao dốc liên tục và chỉ mới hồi lại trong hai ngày gần đây. BSR điều chỉnh từ đầu năm 2025 đã tới gần 17% và từ đầu tuần hồi lại khoảng 5,5%. Các mã dầu khí khác tăng tốt là PCG tăng 3,33%, POS tăng 2,86%, PVC tăng 2,75%, PVD tăng 1,95%, OIL tăng 1,55%, PVO tăng 1,61%, PVB tăng 1,52%. Tuy nhiên nhiều mã trong số này thanh khoản rất tệ.
POW là trường hợp cá biệt trong phiên sáng nay. Cổ phiếu này vừa bị “đá” ra khỏi rổ VN30 và lình xình suốt từ đầu năm. Đột nhiên sáng nay POW tăng kịch trần với thanh khoản cực kỳ ấn tượng 21,4 triệu cổ trị giá 271,6 tỷ đồng. Đây là mức thanh khoản lớn nhất 8 tháng của POW và một phiên kịch trần đã kéo giá vượt đỉnh tháng 12 năm ngoái để lên ngưỡng cao nhất kể từ đầu tháng 10/2024. POW thậm chí lọt Top 5 thanh khoản cao nhất sàn và Top 3 kéo điểm VN-Index. Chỉ riêng GAS, BSR và POW đã đem về 1,8 điểm cho chỉ số, tức là còn nhiều hơn mức tăng chung.
Trừ cổ phiếu dầu khí, nhìn chung các nhóm còn lại phân hóa sâu sắc. Trong 193 cổ phiếu còn xanh trong VN-Index, có 65 mã tăng hơn 1% nhưng thanh khoản chỉ dồn vào khoảng 20 mã giao dịch từ 10 tỷ đồng trở lên. Ngoài dầu khí, có thể kể tới CII tăng 1,39%, GVR tăng 1,06%, HDG tăng 1,44%, BCG tăng 3,06%, GMD tăng 1,72%. Tổng thanh khoản nhóm tăng tốt nhất chiếm 17,9% giá trị khớp sàn HoSE.
Ngược lại, ở phía giảm tuy số lượng nhiều (223 mã) nhưng hầu hết vẫn giảm nhẹ do mất thời gian trượt từ đỉnh cao xuống. Chốt phiên sáng mới có 42 mã giảm hơn 1% và chỉ 10 mã giao dịch được hơn 10 tỷ đồng. VPB, DIG, HSG, MSB, TCH là 5 mã thanh khoản cao nhất. Tổng nhóm giảm mạnh này chỉ chiếm 8,7% giá trị sàn.
Dù biên độ giảm chưa nhiều nhưng diễn biến giá trong phiên là suy yếu rõ ràng. Thêm nữa, sàn HoSE sụt giảm thanh khoản tới 17% so với sáng hôm qua, chỉ đạt hơn 8 ngàn tỷ đồng thấp nhất 13 phiên. Điều này cho thấy nhà đầu tư bắt đầu “ngại” mua giá cao và giảm cường độ gia dịch.
Khối ngoại đang quay lại bán ròng khá mạnh 309,8 tỷ đồng ở HoSE với FPT nổi bật nhất -178,4 tỷ đồng. FPT đã hồi giá nhẹ sáng nay 0,46% và cũng trượt giảm trong phiên tới 1,21%. Khối ngoại xả FPT tới 62% tổng thanh khoản. Ngoài ra SSI -99,5 tỷ, SAB -25,7 tỷ, HSG -22,3 tỷ là các mã bị bán nhiều. Phía mua ròng có VCI +37,6 tỷ, VIC +35,2 tỷ, SHB +34,5 tỷ, VPI +31,5 tỷ, GAS +24,6 tỷ, NAB +24,3 tỷ, POW +21,5 tỷ.