
- Giá vàng: Vàng nhẫn, vàng miếng tiếp đà tăng không ngừng nghỉ
Giá vàng thế giới hôm 17/3 tăng nhẹ so chốt phiên tuần trước, giao dịch ở mức 2.986 USD/ounce trong bối cảnh nhu cầu trú ẩn an toàn và niềm tin của các nhà đầu tư ngày càng gia tăng. Trong nước, giá vàng tiếp đà tăng không ngừng nghỉ. Vàng miếng SJC giao dịch ở mức 96,1 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn bám sát vàng miếng, giao dịch ở mức 96 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường trong nước, giá vàng sáng 17/3 tiếp tục tăng đồng loạt, vươn lên các mức đỉnh mới. Vàng miếng SJC hiện giao dịch ở mức 96,1 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn giao dịch ở mức 96 triệu đồng/lượng; đặc biệt vàng nhẫn DOJI bán ra ở mức 96,6 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, tại thời điểm 10 giờ ngày 17/3, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng SJC mua vào-bán ra ở mức 94,8-96,1 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt 500.000 đồng và 300.000 đồng so kết phiên tuần trước.
Giá vàng nhẫn SJC 9999 mua vào 94,7 triệu đồng/lượng, bán ra 96 triệu đồng/lượng, , tăng lần lượt 500.000 đồng và 300.000 đồng so kết phiên cuối tuần trước.
Giá vàng miếng DOJI tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh mua vào ở mức 94,6 triệu đồng/lượng và bán ra 96,1 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt 500.000 đồng và 300.000 đồng.
Thương hiệu này niêm yết giá vàng nhẫn Doji Hưng Thịnh Vượng 9999 mua vào-bán ra ở mức 95,2-96,6 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt 500.000 đồng và 300.000 đồng, cao hơn vàng miếng 500.000 đồng/lượng.
Vàng PNJ mua vào ở mức 94,9 triệu đồng/lượng và bán ra mức 96,5 triệu đồng/lượng, tăng lần lượt 400.000 đồng và 300.000 đồng so chốt phiên hôm trước.
Tính đến 10 giờ ngày 17/3 (giờ Việt Nam), giá vàng thế giới nhích nhẹ 2,5 USD so kết phiên hôm trước lên mức 2.987 USD/ounce.
Giá vàng thế giới sáng 17/3 tiếp đà tăng nhẹ trong bối cảnh nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế, bất ổn địa chính trị. Xu hướng tích trữ liên tục của các ngân hàng Trung ương trên thế giới cũng là yếu tố hỗ trợ vững chắc cho xu hướng tăng của kim loại quý này.
Khảo sát vàng hằng tuần mới nhất của Kitco News cho thấy, tâm lý lạc quan của các chuyên gia và các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn mạnh mẽ bất chấp mức giá vàng đang neo ở mức đỉnh kỷ lục.
Adrian Day, Chủ tịch của Adrian Day Asset Management cho biết, hoạt động mua mạnh mẽ của các ngân hàng Trung ương vẫn tiếp tục và vàng sẽ tăng trên 3.000 USD/ounce.
Nhiều ngân hàng lớn dự đoán giá vàng có thể còn tăng cao hơn nữa. Macquarie Group dự báo giá vàng có thể chạm 3.500 USD/ounce trong quý II, trong khi BNP Paribas SA cũng nâng mức dự báo trung bình của mình lên trên 3.000 USD/ounce.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, một đợt chốt lời sẽ diễn ra khiến giá vàng đi xuống trước khi kim loại quý này quay trở lại tấn công mốc 3.000 USD. Trong khi các yếu tố hỗ trợ cho đà tăng dài hạn của vàng vẫn còn đó, bức tranh ngắn hạn có khá nhiều rủi ro khi giá đi lên thẳng đứng những ngày qua.
Tuần này, thị trường đón nhận nhiều tin tức kinh tế quan trọng. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản công bố quyết định lãi suất vào thứ ba, tiếp theo là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vào thứ tư. Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ và Ngân hàng Anh cũng đưa ra thông báo về lãi suất vào thứ năm tuần tới.
Ngoài ra, nhiều dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ cũng sẽ ảnh hưởng đến hướng đi của giá vàng, bao gồm Doanh số bán lẻ và Chỉ số sản xuất vào thứ hai, số liệu về Khởi công nhà ở và Giấy phép xây dựng vào thứ ba. Đến thứ năm, các nhà đầu tư sẽ theo dõi Báo cáo thất nghiệp hằng tuần, Doanh số bán nhà hiện có và Khảo sát sản xuất của FED Philadelphia.
Tuần này, 15 chuyên gia tại Phố Wall-Wall Street đã tham gia Khảo sát vàng của Kitco News. Trong đó, 9 chuyên gia (tương đương 60%) dự đoán giá vàng sẽ tăng. 3 nhà phân tích (20%) cho rằng, giá kim loại quý này sẽ giao dịch thấp hơn và 3 người còn lại cho rằng giá vàng sẽ đi ngang sau thời gian dài tăng mạnh.
Trong khi đó, 175 nhà đầu tư nhỏ lẻ tại Phố Chính-Main Street (tương đương 67%) trong số 262 tham gia cuộc thăm dò trực tuyến của Kitco News hy vọng giá vàng sẽ tăng trong tuần này. 47 nhà đầu tư (18%) tin rằng giá vàng sẽ giảm. 40 nhà đầu tư còn lại (15%) đưa ra quan điểm trung lập.
Sáng 17/3, Chỉ số USD-Index ở mức 103,71 điểm; lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức 4,309%; chứng khoán Mỹ phục hồi nhưng vẫn ghi nhận tuần giảm mạnh nhất trong vòng 2 năm; giá dầu tăng sáng đầu tuần, giao dịch ở mức 71 USD/thùng đối với dầu Brent và 67,31 USD/thùng với dầu WTI.
- Sản lượng ô tô và xe máy tại Việt Nam tăng mạnh
Lượng ô tô và xe máy xuất xưởng tại Việt Nam trong giai đoạn đầu năm đều đạt mức tăng hai chữ số so với cùng kỳ.
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, ước tính có khoảng 36.900 ô tô được sản xuất tại Việt Nam trong tháng 2, giảm nhẹ so với 37.900 xe xuất xưởng tháng 1/2025.
Tuy nhiên cộng dồn từ đầu năm, sản lượng ô tô nội địa đạt 74.800 chiếc, tăng tới 106,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong khi đó, số lượng xe máy sản xuất tại Việt Nam trong tháng 2 ước đạt 266.300 chiếc, tăng hơn 30.000 chiếc so với tháng đầu năm.
Tổng số xe máy xuất xưởng sau 2 tháng đầu năm đạt khoảng 501.600 chiếc, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng vừa qua cũng ghi nhận lượng ô tô bán ra tại tăng mạnh so với cùng kỳ. Báo cáo bán hàng từ Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho thấy, doanh số toàn thị trường đạt 21.606 xe trong tháng 2, tăng 14% so với tháng 1 và tăng tới 86% so với tháng 2/2024.
Trong đó, doanh số xe du lịch tăng 2,5%, xe thương mại tăng 56% và xe chuyên dụng giảm 17% so với tháng liền trước.
Doanh số ô tô lắp ráp trong nước đạt 11.067 chiếc, tăng 21% so với tháng 1, còn doanh số ô tô nhập khẩu là 10.539 chiếc, tăng 8%.
Cộng dồn 2 tháng đầu năm, lượng ô tô bán ra tại Việt Nam đạt 40.499 xe, tăng 31% so với cùng kỳ 2024. Trong đó, doanh số xe lắp ráp tăng 23% lên 20.187 chiếc, còn xe nhập khẩu cũng 41% lên 20.312 chiếc.
- Công ty chứng khoán cấp tập tăng vốn đón nâng hạng
Hàng loạt kế hoạch tăng vốn “khủng” được các công ty chứng khoán dự kiến thực hiện trong năm 2025, trong bối cảnh thị trường chứng khoán kỳ vọng đón các thông tin tích cực dưới các yếu tố hỗ trợ dài hạn.
CTCP Chứng khoán VTG (VTGS) vừa có thông báo lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản nhằm thông qua việc hủy bỏ phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ và thông qua việc chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, VTGS muốn hủy bỏ phương án chào bán cổ phiếu riêng lẻ được thông qua theo nghị quyết ĐHĐCĐ hồi tháng 9/2024. Phương án này là phát hành 286,2 triệu cổ phiếu cho các nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Thay vào đó, VTGS muốn tăng vốn thông qua việc chào bán cho cổ đông hiện hữu 289,8 triệu cổ phiếu, tương đương gấp 21 lần số cổ phần hiện có (13,8 triệu cổ phiếu). Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của VTGS sẽ tăng vọt từ 138 tỷ đồng lên 3.036 tỷ đồng.
Tổng số tiền dự kiến thu được từ đợt chào bán cổ phiếu này là 2.898 tỷ đồng, công ty sẽ sử dụng cho 2 mục đích chính là bổ sung nguồn vốn cho các nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán và đầu tư nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất của công ty. Trong đó, 2.386 tỷ đồng được sử dụng cho các nghiệp vụ kinh doanh sẽ được phân bổ phần lớn cho hoạt động ký quỹ (2.386 tỷ đồng), 400 tỷ cho hoạt động cho vay ứng trước tiền bán và 100 tỷ đồng dùng mua chứng chỉ tiền gửi hoặc gửi tiết kiệm để dự phòng thanh khoản.
VTGS vừa trải qua nhiều thay đổi trong thời gian qua. Cuối năm 2024, công ty có tên mới là Chứng khoán VTG từ tên cũ là Chứng khoán Việt Tín, chuyển trụ sở từ Hà Nội vào TP.HCM tại địa chỉ Bến Thành Tower, số 172-174 đường Ký Con, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP.HCM.
Báo cáo tài chính công ty chứng khoán này ghi nhận, tính đến cuối 2024, tổng tài sản ở mức 130 tỷ đồng, phần lớn nằm ở tiền và các khoản tương đương tiền. VTGS không thực hiện cho vay margin và cũng chỉ chi 10 tỷ đồng cho các khoản đầu tư giữ đến ngày đáo hạn (HTM) được phát sinh mới trong năm 2024. Hiện công ty vẫn còn ghi lỗ lũy kế 33,2 tỷ đồng.
Tính đến cuối năm 2024, 49% vốn của VTGS vẫn thuộc sở hữu của CTCP Du lịch Minh Thành. Năm qua ghi nhận sự xuất hiện của 2 cổ đông mới là Tin Global Pte.Ltd (49%) và bà Nguyễn Thị Thùy Trang (2%), số cổ phần này được mua lại từ 2 cổ đông cũ là bà Hoàng Ngân Hà (50%) và ông Nguyễn Đức Việt (1%).
Ở một công ty chứng khoán nhỏ khác là CTCP Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VISecurities), các kế hoạch sắp tới cũng có sự tương đồng với VTGS.
Theo đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 diễn ra ngày 14/03 vừa qua, cổ đông VISecurities đã thông qua việc đổi tên công ty thành CTCP Chứng khoán OCBS, chuyển trụ sở từ Hà Nội vào thành phố TP.HCM tại tòa nhà The HallMark, đường Trần Bạch Đằng, Phường Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức, TP.HCM. Kèm theo đó là kế hoạch chào bán tối đa 90 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu cũng được thông qua, theo đó tăng vốn thêm 900 tỷ đồng thay cho kế hoạch tăng vốn thêm 600 tỷ đồng trước đó. Vốn điều lệ hiện tại của VISecurities là 300 tỷ đồng, nếu tăng vốn thành công, vốn điều lệ sẽ tăng gấp 4 lần lên 1.200 tỷ đồng.
Số tiền thu được sẽ dùng để nâng cao năng lực tài chính, chủ yếu bổ sung vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ, nâng cao thị phần môi giới, bổ sung vốn cho hoạt động đầu tư, tự doanh chứng khoán và đầu tư tài sản, phát triển hạ tầng và dịch vụ công nghệ của VISecurities.
Mới đây, trong tháng 2 vừa qua, CTCP Chứng khoán Goutai Junan Việt Nam (IVS) cũng vừa phát hành thành công gần 35,6 triệu cổ phiếu ra công chúng, nâng vốn điều lệ lên 1.049 tỷ đồng.
Theo kế hoạch trước đó, IVS dự kiến tăng vốn lên gần 1.400 tỷ đồng trong quý I/2025 thông qua việc chào bán gần hơn 69,3 triệu cổ phiếu. Phần lớn nguồn vốn huy động được từ đợt phát hành sẽ bổ sung dùng cho vay ký quỹ, phát triển sản phẩm phái sinh và tư vấn tài chính.
Các thông tin bàn luận trong cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2025 vẫn đang tiếp tục được cập nhật, cho thấy xu hướng tăng vốn tại các công ty chứng khoán sẽ tiếp tục được diễn ra mạnh mẽ trong năm 2025. Không tăng vốn mạnh gấp nhiều lần như một số công ty chứng khoán nhỏ nhưng các công ty chứng khoán lớn cũng không nằm ngoài cuộc đua khi tiếp tục bổ sung bộ đệm vốn của mình.
CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) sẽ trình lên ĐHĐCĐ thường niên 2025 tới kế hoạch phát hành 77 triệu cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, thông qua 2 đợt. Đợt 1 sẽ phát hành 24,3 triệu cổ phiếu trả cổ tức, 4,7 triệu cổ phiếu ESOP. Đợt 2 chào bán riêng lẻ tối đa 48 triệu cổ phiếu. Cùng với đó VDS cũng muốn phát hành.
Nếu thành công, vốn điều lệ của VDSC dự kiến sẽ tăng từ 2.430 tỷ đồng lên 3.200 tỷ đồng. Nguồn vốn thu về sẽ dùng để bổ sung vốn kinh doanh cho hoạt động giao dịch ký quỹ/ứng trước, tự doanh/bảo lãnh phát hành, tham gia hoạt động thị trường trái phiếu.
Trong tài liệu đại hội, ban lãnh đạo VDSC cũng đưa ra những nhận định tích cực về thị trường chứng khoán Việt Nam. VDS cho biết, với định giá hấp dẫn và tiềm năng nâng hạng, thị trường chứng khoán được kỳ vọng mang đến nhiều cơ hội. Thanh khoản thị trường được dự báo đi ngang trong nửa đầu năm 2025 và tăng cao trở lại vào quý III/2025 khi câu chuyện nâng hạng được kích hoạt. Công ty chứng khoán này dự báo, VN-Index sẽ dao động trong khoảng 1.220-1.486 điểm trong kịch bản cơ sở, mức thanh khoản bình quân đạt 22.000-24.000 tỷ đồng/phiên.
Kế hoạch phát hành tăng vốn cũng sẽ được đề cập trong cuộc họp ĐHĐCĐ của CTCP Chứng khoán FPT (FTS) ngày 1/4 tới. Theo đó, FPTS sẽ trình lên phương án phát hành gần 30,6 triệu cổ phiéu cho cổ đông hiện hữu trong quý II-III/2025 và phương án phát hành gần 10 triệu cổ phiếu ESOP, tương ứng tỷ lệ 2,9%. Tổng lượng cổ phiếu dự kiến phát hành khoảng 40,6 triệu cổ phiếu.
Còn tại Công ty chứng khoán ACB (ACBS), kế hoạch tăng vốn đã được ngân hàng mẹ là ACB ra quyết nghị vào đầu tháng 3 vừa qua. ACB quyết định góp vốn 1.000 tỷ đồng để tăng vốn cho ACBS, dự kiến thực hiện sau khi được Ủy ban chứng khoán chấp thuận. Trước đó, ACBS đã tăng vốn liên tục, từ 3.000 tỷ đồng lên 7.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2023 - 2024 và mới nhất là tăng vốn từ 7.000 tỷ đồng lên 10.000 tỷ đồng được chấp thuận hồi tháng 1/2025.
Các kế hoạch tăng vốn liên tiếp được đề ra và thực hiện cho thấy các thành viên thị trường đều kỳ vọng tích cực và sẵn sàng chuẩn bị cho các triển vọng mới, đặc biệt khi thị trường chứng khoán Việt Nam đang càng lúc càng tiến gần hơn đến mục tiêu nâng hạng lên thị trường mới nổi.
ACBS cho biết, việc được bổ sung nguồn vốn chất lượng cao từ ngân hàng mẹ tạo điều kiện để công ty kinh doanh bứt phá trong năm 2025. Đặc biệt là thị trường chứng khoán Việt Nam đang tiến gần tới lộ trình nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE và tiến tới đạt các yêu cầu của MSCI. Dự kiến tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam sẽ chiếm khoảng 0,7 - 0,9% danh mục thị trường mới nổi Thứ cấp của FTSE và Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn 300 - 400 triệu USD từ các quỹ ETF mô phỏng chỉ số.

- Giá xuất khẩu tiêu tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm 2025
Giá trung bình xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm đạt 6.763 USD/tấn, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2024
Theo số liệu từ Cục Hải quan, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 2/2025 đạt 14,3 nghìn tấn, trị giá 97,2 triệu USD, tăng 10,7% về lượng và tăng 11% về trị giá so với tháng 1/2025; tăng 7,2% về lượng và tăng 79,1% về trị giá so với tháng 2/2024.
Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 27,2 nghìn tấn, trị giá 184,4 triệu USD, giảm 11,6% về lượng nhưng tăng 48,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.
Trong tháng 2/2025, giá trung bình xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 6.774 USD/tấn, tăng 0,3% so với tháng 1/2025 và tăng 67,1% so với tháng 2/2024. Tính chung 2 tháng đầu năm 2025, giá trung bình xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt 6.763 USD/tấn, tăng 68% so với cùng kỳ năm 2024.
Trong tháng 2/2025, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang các thị trường chủ lực có sự biến động trái chiều so với với tháng 2/2024, trong đó, xuất khẩu sang thị trường lớn nhất là Mỹ giảm 21,5% về lượng nhưng tăng 40,5% về trị giá. Ngược lại, xuất khẩu sang thị trường Đức tăng 73,6% về lượng và tăng 166,6% về trị giá. Ngoài ra, xuất khẩu hạt tiêu sang một số thị trường khác tăng như: Hàn Quốc, Anh, Thái Lan, Philippines… Mặc dù xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 2/2025 có sự biến động về lượng, nhưng về trị giá xuất khẩu vẫn tăng tới hầu hết các thị trường do giá tăng cao.
Tính chung trong 2 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang nhiều thị trường giảm về lượng so với cùng kỳ năm 2024, trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm 32,5%; Ấn Độ giảm 21,9%; Hà Lan giảm 40,4%... Ở chiều ngược lại, lượng hạt tiêu xuất khẩu sang một số thị trường tăng như: Đức, Hàn Quốc, Anh…
Hiện, giá hồ tiêu đang tăng lên quanh mức 160.000 đồng/kg, cao nhất trong gần 10 năm qua. Giá xuất khẩu của Việt Nam cũng ở quanh mức 7.000-7.200 USD/tấn tùy loại.
- Thu gần 2.800 tỷ tiền thuế của Meta, Google, TikTok... một tháng
Cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết trong tháng 2, cơ quan này đã thu được gần 2.800 tỷ đồng tiền thuế của 130 nhà cung cấp nước ngoài gồm những "ông lớn" như Meta, Google, TikTok...
Cục Thuế (Bộ Tài chính) mới đây đã cập nhật thông tin về tình hình thực hiện công tác thuế tháng 2/2025.
Theo đó, với công tác quản lý thuế thương mại điện tử (TMĐT), cơ quan quản lý cho biết đã có 130 nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài gồm những "ông lớn" như Meta, Google, TikTok... đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin dành cho nhóm này với số thu ước đạt 2.791 tỷ đồng trong tháng 2.
Bên cạnh đó, Cục Thuế cũng ghi nhận hơn 33.000 hộ, cá nhân kinh doanh đăng ký, khai thuế, nộp thuế trên Cổng TMĐT dành cho hộ, cá nhân kinh doanh với số nộp gần 160 tỷ đồng.
Đáng chú ý, số thu thuế từ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài trong tháng 2 kể trên đã tương đương gần 1/3 tổng thu của nhóm này trong năm liền trước. Cụ thể, năm 2024, cơ quan thuế đã thu được 8.687 tỷ đồng tiền thuế từ các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài này.