- iPhone 17 Air sẽ là iPhone mỏng nhất từ trước đến nay
iPhone 17 Air có thể sẽ là iPhone mỏng nhất của Apple với linh kiện được hãng tự thiết kế giúp giảm độ dày thân máy.
Năm 2025, Apple dự kiến sẽ giới thiệu phiên bản iPhone mới mang tên iPhone 17 Air, đi kèm với các mẫu iPhone 17, iPhone 17 Pro và iPhone 17 Pro Max. Theo chuyên gia Mark Gurman của Bloomberg, iPhone 17 Air sẽ mỏng hơn khoảng 2mm so với iPhone 16 Pro hiện tại, với độ dày ước tính chỉ khoảng 6,25 mm, trở thành mẫu iPhone mỏng nhất từ trước đến nay. Để so sánh, iPhone 6 - mẫu iPhone mỏng nhất trước đây - có độ dày 6,9 mm.
Sự gia tăng độ dày của các mẫu iPhone từ iPhone X trở đi chủ yếu nhằm cung cấp không gian cho pin, camera và các linh kiện như Face ID. Đặc biệt, iPhone 17 Air sẽ được trang bị chip modem 5G do Apple tự thiết kế, nhỏ hơn so với chip modem 5G của Qualcomm.
Gurman cho biết, Apple đang tập trung vào việc tích hợp chip này với các linh kiện khác để tiết kiệm không gian bên trong thiết bị, từ đó cho phép iPhone 17 Air mỏng hơn mà không ảnh hưởng đến thời lượng pin, chất lượng camera hay hiển thị.
Các nguồn tin trước đó cũng cho rằng độ dày của iPhone 17 Air sẽ nằm trong khoảng từ 5mm đến 6mm, với thông tin hiện tại cho thấy độ dày khoảng 6mm là khả thi. Mẫu iPhone này dự kiến sẽ có màn hình kích thước khoảng 6,6 inch và camera sau đơn.
Ngoài iPhone 17 Air, Apple cũng sẽ trang bị chip modem tùy chỉnh cho iPhone SE và một mẫu iPad giá rẻ trong năm 2025. Việc cải tiến thiết kế chip modem không chỉ giúp tiết kiệm không gian mà còn mở ra khả năng cho các thiết kế mới, bao gồm cả iPhone có thể gập lại.
Gurman cho biết, Apple đang tiếp tục nghiên cứu công nghệ này và đặt mục tiêu loại bỏ dần modem của Qualcomm trong vòng ba năm tới, đồng thời phát triển hệ thống trên một chip tích hợp nhiều thành phần như bộ xử lý, modem và chip Wi-Fi, nhằm tối ưu hóa không gian và tăng cường khả năng tích hợp giữa các linh kiện.
Meta AI gây tiếng vang lớn với cột mốc người dùng hàng tháng cực "khủng"?
- Meta AI cán mốc gần 600 triệu người dùng, mô hình Llama 3.3 ra mắt với hiệu suất vượt trội.
Meta tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu trong cuộc đua AI với thông báo Meta AI đạt gần 600 triệu người dùng hàng tháng và tung ra mô hình ngôn ngữ lớn Llama 3.3 mạnh mẽ.
Trong một video cập nhật trên mạng xã hội Instagram, CEO Mark Zuckerberg cho biết Meta AI đang trên đà cán mốc 600 triệu người dùng hàng tháng, sau khi đạt 500 triệu người dùng vào tháng 10. Đây là minh chứng cho sự thành công của Meta trong việc tích hợp AI vào các ứng dụng và dịch vụ của mình.
Cùng với đó, Meta cũng chính thức ra mắt Llama 3.3, phiên bản mới nhất của mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) mã nguồn mở. Llama 3.3 70B được đánh giá có hiệu suất tương đương Llama 3.1 405B nhưng với chi phí vận hành thấp hơn đáng kể.
Thậm chí, theo phó chủ tịch AI tạo sinh Ahmad Al-Dahle của Meta, Llama 3.3 còn vượt trội hơn cả Gemini Pro 1.5 của Google và GPT-4o của OpenAI trên một số điểm chuẩn.
Ông Zuckerberg cũng hé lộ về kế hoạch ra mắt Llama 4 vào đầu năm sau. Mô hình này đang được huấn luyện trên siêu máy tính với hơn 100.000 GPU H100, hứa hẹn sẽ mang đến những bước tiến vượt bậc về khả năng xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
Với những thành công liên tiếp của Meta AI và Llama, Meta đang chứng tỏ tham vọng cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn khác như Google và OpenAI trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.
- Xiaomi rượt đuổi sát Apple về thiết bị đeo tay thông minh
Hãng công nghệ Trung Quốc đã bắt kịp đối thủ Mỹ về số lượng thiết bị điện tử đeo tay thông minh - bao gồm cả đồng hồ thông minh - bán ra thị trường.
Theo hãng nghiên cứu Canalys, thị trường thiết bị đeo tay thông minh toàn cầu trong quý gần nhất đã chứng kiến 52,9 triệu sản phẩm các loại tới tay người dùng, tăng trưởng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Sức tăng được ghi nhận ở cả ba nhóm - dây đeo cơ bản, đồng hồ cơ bản và đồng hồ thông minh.
Trong quý III-2024, phân khúc dây đeo cơ bản đã tăng trưởng trở lại lần đầu tiên kể từ quý III-2020, với mức tăng 7% so với quý III- 2023 với 10,4 triệu chiếc. Nhóm sản phẩm này được thúc đẩy các mẫu ra mắt gần đây như Mi Band 9 của Xiaomi hay Galaxy Fit3 của Samsung.
Trong khi đó, phân khúc đồng hồ cơ bản trong quý vừa qua bắt đầu chững lại trong bối cảnh nhu cầu chậm lại ở Ấn Độ, chỉ tăng trưởng 3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt ngưỡng 23,9 triệu chiếc bán ra thị trường.
Tương tự, lượng đồng hồ thông minh tiêu thụ chỉ tăng 0,1% lên 18,5 triệu. Điều này cho thấy tăng trưởng của Huawei và Samsung chỉ đủ bù đắp cho sự sụt giảm của Apple, qua đó giữ ổn định thị trường chung.
Giữa cuộc đua doanh số giai đoạn này, Xiaomi là cái tên vượt trội với kết quả kinh doanh dây đeo tốt nhất kể từ quý IV-2020, chủ yếu nhờ Mi Band 9 và Redmi Watch 5.
Hãng công nghệ Trung Quốc cũng tập trung mở rộng dải sản phẩm này để thu hút thêm khách hàng, như việc giới thiệu thêm phiên bản và lựa chọn kiểu dáng.
Những dịch vụ đa dạng này cho phép Xiaomi nhắm mục tiêu vào nhiều phân khúc giá, giúp chiếm thị phần lớn hơn. Tuy nhiên, việc tập trung nhiều vào sản phẩm cấp thấp khiến giá trị bán hàng trung bình của Xiaomi tụt thấp, thậm chí xuống mức thấp nhất kể từ quý I-2021.
Hiện, Apple chiếm khoảng 40% giá trị bán ra của thiết bị đeo tay thông minh, trong khi con số này của Xiaomi chỉ 4%. Xiaomi thậm chí xếp sau cả Samsung, Garmin, Huawei tương ứng với 14%, 12%, 12%. Về phần mình, các sản phẩm Google có tổng giá trị bán ra trong quý vừa qua chỉ khiêm tốn 5%.
- Realme Neo7 lộ diện thông số camera chính ấn tượng, tích hợp AI
Realme Neo7 sắp ra mắt với camera 50 MP, màn hình OLED 6.000 nit và chip Dimensity 9300 Plus, hứa hẹn trải nghiệm đỉnh cao cho người dùng.
Realme sắp ra mắt mẫu điện thoại mới mang tên Neo7, hứa hẹn sẽ gây ấn tượng với nhiều tính năng nổi bật. Thiết bị này được trang bị camera chụp đêm tương tự như các dòng flagship, với ống kính chính Sony OIS 50 MP, hỗ trợ tính năng Live Photos, chế độ flash Centrino, và công nghệ AI tích hợp nhiều tính năng thông minh.
Realme Neo7 sẽ sở hữu màn hình OLED S2 với độ sáng tối đa lên đến 6.000 nit, hỗ trợ công nghệ LTPO 8T, màn hình HDR cho trải nghiệm chơi game tốt hơn và cảm ứng mượt mà với tần số 2.600Hz. Đáng chú ý, viền màn hình của thiết bị chỉ mỏng khoảng 1,49 mm.
Sự kiện ra mắt Realme Neo7 sẽ diễn ra vào lúc 16h ngày 11/12, và máy sẽ được trang bị chip MediaTek Dimensity 9300 Plus, hứa hẹn mang đến hiệu suất mạnh mẽ cho người dùng.
- Các công ty Trung Quốc “miễn cưỡng” sử dụng chip nội địa trong bối cảnh Mỹ thắt chặt hạn chế ?
Trong khi Mỹ tăng cường biện pháp hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ CPU, GPU và ASIC tiên tiến, Trung Quốc cũng nỗ lực nội địa hóa sản xuất gần như mọi loại chip và bộ xử lý. Tuy nhiên, DigiTimes cho biết các công ty có trụ sở tại Trung Quốc lại có phần miễn cưỡng khi sử dụng các giải pháp thay thế trong nước…
Tình trạng này không chỉ giới hạn ở một số loại chip cụ thể mà bao trùm toàn bộ ngành bán dẫn, từ các linh kiện dành cho ứng dụng ô tô cho đến những bộ xử lý tiên tiến nhất phục vụ trí tuệ nhân tạo (AI) và tính toán hiệu năng cao (HPC).
Việc các doanh nghiệp Trung Quốc do dự sử dụng chip trong nước bắt nguồn từ nhiều yếu tố, bao gồm năng lực sản xuất chip của nước này vẫn còn hạn chế, vẫn có thể tiếp cận các giải pháp thay thế từ châu Âu, Nhật Bản và Đài Loan, quy mô sản xuất linh kiện nội địa còn khiêm tốn, cùng với việc thiếu các chính sách bắt buộc từ phía Chính phủ.
Lĩnh vực AI và HPC đặc biệt đặt ra nhiều thách thức cho các nhà thiết kế Trung Quốc để chứng minh năng lực vượt trội. Dù lệnh trừng phạt của Mỹ đã cản trở khả năng tiếp cận của các công ty Trung Quốc đối với các giải pháp tiên tiến như H100 hoặc H200 của Nvidia, các sản phẩm thay thế nội địa lại khó lòng cạnh tranh, thậm chí ngay cả khi đặt lên bàn cân với bộ xử lý HGX H20 (nền tảng hỗ trợ máy chủ có hiệu suất thấp hơn các dòng cùng loại của Nvidia).
Nhiều công ty Trung Quốc thậm chí đã tìm đến các nguồn cung thay thế không chính thức, chẳng hạn như buôn lậu. Theo đó, một số nhà cung cấp dịch vụ đám mây Trung Quốc đã thuê trung tâm dữ liệu nước ngoài để né tránh lệnh trừng phạt.