Điểm tin Công nghệ 6/12: Mạng 5G sẽ phủ sóng đến hơn 99% dân số Việt Nam vào năm 2030

Việt Báo (Tổng hợp)| 06/12/2024 06:00

Cảnh báo lừa đảo qua trang Facebook giả mạo “Liên đoàn Pickleball Việt Nam”; Người dùng điện thoại cũ có thể không sử dụng được ứng dụng ngân hàng

2021111-u3.jpg

- Mạng 5G sẽ phủ sóng đến hơn 99% dân số Việt Nam vào năm 2030

Việt Nam là quốc gia đang đạt nhiều thành tựu kinh tế vượt bậc với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người cao, việc triển khai 5G đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy CĐS và phát triển kinh tế...

Theo báo cáo “Accelerating 5G in Vietnam” (Thúc đẩy 5G tại Việt Nam) của Hiệp hội thông tin di động thế giới (GSMA), Việt Nam là một trong những quốc gia năng động và phát triển nhanh nhất châu Á với quá trình chuyển đổi số đang diễn ra trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, Báo cáo đã đánh giá về quá trình lập kế hoạch và triển khai phổ tần 5G tại Việt Nam.

Theo đó, GSMA cho rằng cuộc đấu giá thành công phổ tần 2,6 GHz và 3,5 GHz dành cho 5G trong năm 2024 đã mở đường cho việc triển khai thương mại hệ thống viễn thông di động thế hệ thứ 5 tại Việt Nam.

Việt Nam là quốc gia đang đạt nhiều thành tựu kinh tế vượt bậc với tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người cao, việc triển khai 5G đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy CĐS và phát triển kinh tế. Đất nước đã chứng kiến ​​sự tăng trưởng đáng kể trên thị trường di động, với tỷ lệ thâm nhập băng thông rộng di động đạt 120,5% tính đến quý 2/2024, so với chỉ 11,5% vào năm 2010. Phạm vi phủ sóng dịch vụ 3G và 4G tại Việt Nam là 99,9% vào cuối năm 2023.

Đối với dịch vụ 5G hiện đã có sẵn tại một số khu vực nhất định ở Hà Nội, TP.HCM và các thành phố khác kể từ năm 2023, năm 2024 đã chứng kiến ​​sự triển khai nhanh chóng của công nghệ này trên toàn quốc. Với tốc độ tăng trưởng của thị trường viễn thông, GSMA dự đoán đến năm 2030, số lượng kết nối 5G của Việt Nam ​​sẽ vượt quá 90 triệu, mạng 5G phủ sóng hơn 99% dân số.

- Người dùng điện thoại cũ có thể không sử dụng được ứng dụng ngân hàng

Google vừa cập nhật Integrity API, có thể ảnh hưởng không nhỏ đến những người dùng điện thoại cũ, đặc biệt là những thiết bị không còn nhận được bản vá bảo mật hoặc đã bị mở khóa bootloader và root.

Integrity API là công cụ cho phép ứng dụng kiểm tra mức độ an toàn của thiết bị. Cụ thể, nó cho phép các ứng dụng như ngân hàng hoặc ví điện tử đặt câu hỏi: “Thiết bị này có đủ an toàn để sử dụng không?”. Với bản cập nhật mới, hệ điều hành Android sẽ trả lời bằng cách kiểm tra xem thiết bị có nhận được bản vá bảo mật trong vòng một năm qua hay không.

Những bản vá này không phải là cập nhật ứng dụng thông thường mà là các bản vá hệ thống quan trọng do nhà sản xuất cung cấp, giúp bảo vệ thiết bị khỏi các lỗ hổng nghiêm trọng. Nếu thiết bị không đáp ứng yêu cầu, một số tính năng quan trọng trên các ứng dụng liên quan đến tài chính, kinh doanh có thể bị giới hạn.

Mặc dù chưa rõ các yêu cầu này sẽ được áp dụng rộng rãi đến đâu, nhưng Google đã đặt mục tiêu triển khai tự động trên toàn nền tảng từ tháng 5-2025.

- Cảnh báo lừa đảo qua trang Facebook giả mạo “Liên đoàn Pickleball Việt Nam”

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện các tài khoản giả mạo mang tên “Liên đoàn Pickleball Việt Nam”. Những tài khoản này quảng cáo các trung tâm dạy chơi Pickleball nhằm lôi kéo người dân tham gia, sau đó chiếm đoạt tài sản của họ.

Hiện nay, môn thể thao Pickleball đang thu hút sự quan tâm của nhiều người. Lợi dụng điều này, một số đối tượng đã lập các trang Facebook giả mạo “Liên đoàn Pickleball Việt Nam” để thực hiện hành vi lừa đảo. Khi người dân đăng ký tham gia khóa học thông qua các trang Facebook này, họ bị yêu cầu tải ứng dụng Telegram để nhận sự hướng dẫn từ các “chuyên viên”.

Ban đầu, các đối tượng giao cho người tham gia một số nhiệm vụ đơn giản với giá trị nhỏ, như xác nhận đồ dùng thể thao hoặc giảm học phí. Tuy nhiên, sau đó, chúng yêu cầu thực hiện các nhiệm vụ có giá trị cao hơn. Khi người dân thực hiện sai cú pháp hoặc gặp lỗi, các đối tượng viện lý do, yêu cầu họ thực hiện lại nhiều lần hoặc chuyển thêm tiền để “giải quyết”.

Khi số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng, các đối tượng sẽ ngắt kết nối và xóa nhóm chat trên ứng dụng Telegram, khiến nạn nhân không thể liên lạc được.

anh-kaspersky-1-rising-concerns-lingering-gaps-most-organizations-fear-ai-driven-cyberattacks-but-lack-key-defenses.jpg

- Nhiều iPhone bị phần mềm độc hại âm thầm xâm nhập

Phần mềm gián điệp Pegasus khét tiếng bị phát hiện đang "ẩn mình" trên nhiều iPhone, vốn được cho là thiết bị bảo mật hàng đầu hiện nay.

Một nghiên cứu mới từ hãng bảo mật iVerify cho thấy phần mềm gián điệp Pegasus đang được sử dụng để tấn công nhiều đối tượng hơn, trong đó có cả lãnh đạo doanh nghiệp và chính phủ, chứ không chỉ nhà hoạt động và nhà báo như trước đây.

Pegasus là phần mềm gián điệp tinh vi do công ty NSO Group của Israel phát triển, có khả năng theo dõi và đánh cắp dữ liệu trên điện thoại Android và iOS. Trước đây, Pegasus được cho là chỉ nhắm mục tiêu vào các nhân vật có tầm ảnh hưởng như nhà báo, nhà hoạt động chính trị... Tuy nhiên, phân tích mới từ công ty iVerify cho thấy điều này không còn đúng.

iVerify đã phát triển một ứng dụng cho phép người dùng tự quét thiết bị để phát hiện Pegasus. Kết quả cho thấy, trong số 2.500 thiết bị được quét, có 7 thiết bị đã bị phần mềm gián điệp này lây nhiễm. Đáng chú ý, các nạn nhân không chỉ là người nổi tiếng, mà còn có lãnh đạo doanh nghiệp, chính phủ và những người quan tâm đến bảo mật thiết bị.

- Temu ngừng trả thưởng để lôi kéo người tham gia, ngừng khuyến mại trên 50% tại Việt Nam

Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số (TMĐT&KTS, Bộ Công Thương) thông tin thêm về hoạt động quản lý Nhà nước đối với nền tảng TMĐT Temu tại Việt Nam.

Theo Cục TMĐT&KTS, thực hiện công tác quản lý nhà nước về TMĐT, Cục đã chủ động liên hệ và làm việc với Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd, chủ sở hữu nền tảng Temu để yêu cầu tuân thủ quy định của pháp luật về TMĐT tại Việt Nam (sau đây gọi là Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd) theo quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP) về TMĐT.

Công ty Elementary Innovation Pte. Ltd đã triển khai thực hiện một số biện pháp theo yêu cầu của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương.

Cụ thể là tạm dừng cung cấp dịch vụ TMĐT tại Việt Nam (không sử dụng ngôn ngữ thể hiện tiếng Việt khi cung cấp dịch vụ trên website Temu.com và ứng dụng di động Temu). Phiên bản quốc tế tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung của Temu không thuộc phạm vi điều chỉnh về TMĐT của Việt Nam.

Temu cũng nộp hồ sơ đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ TMĐT thông qua Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT (online.gov.vn), Cục TMĐT&KTS đang trong quá trình xem xét theo quy định.

Cơ quan quản lý cũng yêu cầu Temu phải có cảnh báo với người tiêu dùng về việc đang trong quá trình đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ TMĐT với Bộ Công Thương. Cảnh báo này để người tiêu dùng biết đây là website, ứng dụng chưa được Bộ Công Thương cấp phép và cần thận trọng khi thực hiện giao dịch.

Đặc biệt, Temu gỡ bỏ các chương trình khuyến mại chưa tuân thủ quy định pháp luật về xúc tiến thương mại theo pháp luật của Việt Nam. Toàn bộ các sản phẩm, hàng hoá có khuyến mại trên 50% được gỡ bỏ theo quy định tại Nghị định số 81/2018/NĐ-CP ngày 22 tháng 05 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết Luật thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại và pháp luật có liên quan khác;

Bỏ các chương trình, mô hình kêu gọi người dùng tham gia kinh doanh để được hưởng các khoản thưởng và hoa hồng khác nhau tại thị trường Việt Nam.

Theo Tổng hợp
Copy Link
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Điểm tin Công nghệ 6/12: Mạng 5G sẽ phủ sóng đến hơn 99% dân số Việt Nam vào năm 2030
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO