Đi xe đạp điện phải có giấy phép lái xe: Liệu có khả thi?

21/12/2020 10:57

Chuyên gia giao thông phân tích về tính khả thi xung quanh quy định lái xe đạp điện và xe máy dung tích xy lanh dưới 50cc phải có giấy phép lái xe.

Mới đây, Thủ tướng phê duyệt Chiến lược quốc gia đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2045.

Trong đó có nội dung đào tạo và cấp giấy phép lái xe cho người lái xe máy có dung tích xy lanh dưới 50cc hoặc xe đạp điện có công suất động cơ dưới 4kW. Quy định trên cũng được Bộ GTVT đề xuất trong Dự thảo Luật giao thông đường bộ.

Trả lời VTC News, ông Thân Văn Thanh, nguyên Chánh văn phòng Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia cho rằng quy định người lái xe máy dưới 50cc và xe đạp điện phải có bằng lái sẽ tồn tại nhiều bất cập, khó khả thi.

Theo chuyên gia, trước đây, tại Luật giao thông đường bộ 2001 cũng quy định về việc người lái xe gắn máy dưới 50cc phải có chứng chỉ học luật giao thông đường bộ nhưng không được thực hiện.

Đi xe đạp điện phải có giấy phép lái xe: Liệu có khả thi? - 1

Chuyên gia cho rằng quy định người lái xe máy dưới 50cc và xe đạp điện có công suất dưới 4kw phải có bằng lái sẽ tồn tại nhiều bất cập, khó khả thi. (Ảnh minh họa)

“Quy định trên có trong Luật giao thông đường bộ 2001 và được nhắc lại trong Luật giao thông đường bộ 2008. Tuy nhiên, đến nay chúng ta dường như đã lãng quên quy định này”, ông Thanh cho hay.

Nguyên Chánh văn phòng Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia cho rằng, nguyên nhân quy định trên bị “lãng quên” có thể do lực lượng tuần tra kiểm soát không kiểm tra, xử lý đối với người lái phương tiện xe máy dưới 50cc, đồng thời chưa có quy định xử phạt cụ thể.

“Vì vậy, cần bổ sung mức phạt với việc không có chứng chỉ thì chủ phương tiện bị phạt mức nào, như vậy người ta sẽ phải làm”, ông Thanh cho rằng quy định trên cũng cần được áp dụng đối với xe đạp điện có công suất dưới 4kW.

Theo chuyên gia, yêu cầu đối với chủ phương tiện lái xe máy dưới 50cc và xe đạp điện phải có giấy phép lái xe như hiện nay là khó khả thi, nếu áp dụng thực hiện nên chọn cấp chứng chỉ luật giao thông đường bộ.

“Giờ lại đặt ra giấy phép lái xe A0, vậy nó có khác gì chứng chỉ kia không, liệu có phù hợp không. Vì vậy nên để chủ phương tiện thực hiện chứng chỉ luật giao thông đường bộ”, ông Thanh nhấn mạnh.

Chuyên gia phân tích, việc chủ phương tiện phải làm giấy phép lái xe sẽ có nhiều bất cập hơn là chứng chỉ luật giao thông đường bộ.

Theo đó, đối với chứng chỉ thì chủ phương tiện chỉ cần nghiên cứu tài liệu về luật, sau đó qua một đợt sát hạch nhỏ và đạt yêu cầu sẽ được cấp chứng chỉ. Điều này đơn giản và khả thi, không mất thời gian như làm giấy phép lái xe.

“Chủ phương tiện chỉ việc đến trả lời câu hỏi nhà chính sách đưa ra, và họ được chứng nhận hiểu biết thì được lái xe tham gia giao thông”, chuyên gia phân tích.

Cũng bàn luận về vấn đề này, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản GTVT ủng hộ việc chủ phương tiện lái xe máy dưới 50cc và xe đạp điện có công suất dưới 4kW phải có giấy phép lái xe.

"Đáng lẽ chúng ta phải làm điều này từ lâu rồi. Xe đạp điện với xe máy có phân khối dưới 50cc chạy với tốc độ 30-40km trong nội thành thì thừa sức gây ra tai nạn. Việc thắt chặt như bây giờ là hơi chậm, trách nhiệm quản lý này thuộc về Bộ GTVT và Bộ Công an”, ông Thủy nhấn mạnh.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng các gia đình không nên coi nhẹ việc cho con cái có giấy phép lái xe, bởi điều này rất cần thiết cho con em của họ khi tham gia giao thông.

Đối với quan điểm cấp chứng chỉ tiện lợi hơn cấp giấy phép lái xe, ông Thủy cho rằng cách nào cũng nhằm mục tiêu nâng cao kĩ năng cho người lái xe đạp điện, xe máy dưới 50cc.

“Chúng ta nên xem cái nào tiện lợi cho người dân thì áp dụng”, ông Thủy nhấn mạnh.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đi xe đạp điện phải có giấy phép lái xe: Liệu có khả thi?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO