Đi làm thêm vô tình vấp ngã, nam sinh bị vi khuẩn 'bí ẩn' tấn công

Ngọc Hân| 28/11/2020 09:49

Việt BáoKhi té ngã, chỉ bị trật chân phải, không chấn thương vùng đầu, nhưng bé trai bị vi khuẩn âm thầm tấn công. Đến ngày thứ 7 sau ngã, bệnh nhi mới bắt đầu phát bệnh.

Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, nơi đây đang điều trị cho bệnh nhân 14 tuổi nghi do nhiễm khuẩn tụ cầu.

Gia đình bé trai cho biết, 10 ngày trước khi bị bệnh, bé trai đi làm phụ gia đình trên chiếc xà lan ở Kiên Giang thì vô tình vấp cọng dây, té trật chân phải, không chấn thương vùng đầu.

Đến chiều, em sốt cao, đi khám tại một phòng khám tư. Tại đây, kết quả chụp X-quang cho thấy, em bị chấn thương phần mềm và được cho thuốc về uống.

Đến ngày thứ ba sau tai nạn, vùng mắt cá phải sưng to, em còn sốt. Em được truyền dịch, hạ sốt ở phòng khám tư.

Hiện bệnh nhi đang được tiếp tục điều trị. Ảnh: BVCC.

6 giờ ngày 23/11 sau tai nạn 7 ngày em còn sốt, than mệt, không tự ngồi dậy được, dù vẫn ăn uống bình thường. Người nhà đưa em đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang khám. Đến 9 giờ sáng cùng ngày, em bắt đầu nói sảng, không co giật.

Một ngày sau, bệnh nhi bị suy hô hấp, phải đặt ống thở, thở máy, kháng sinh, thuốc vận mạch và được chuyển Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.

Bác sĩ Nguyễn Phương Cát Vũ, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, cho biết khi đến bệnh viện, bệnh nhi đã suy hô hấp, phải thở máy, dùng kháng sinh và thuốc vận mạch hỗ trợ sinh hiệu ổn định.

Các bác sĩ nhận định, vết thương khớp gối là ngõ vào khiến vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể bệnh nhi, cùng với cơ địa béo phì dẫn đến tình trạng nguy kịch, sốc và nhiễm trùng huyết toàn thân, sưng khớp.

Bác sĩ Vũ cho biết, hiện các bác sĩ đang ra sức bảo tốn chức năng gan, thân, đặc biệt là màng tim đang bị vi khuẩn tấn công.

Ngày 27/11, các bác sĩ chọc hút dịch khớp gối và máu đem đi xét nghiệm. Bước đầu, bác sĩ nghi bé trai bị vi khuẩn tụ cầu tấn công. Tuy nhiên, để biết kết quả chính xác phải chờ kết quả xét nghiệm.

“Hy vọng sẽ ra một chủng vi khuẩn đặc hiệu và phổ kháng sinh phù hợp để điều trị đúng hướng cho bệnh nhi”, bác sĩ Vũ nói.

Giống như khuẩn Burkholderia pseudomallei gây ra bệnh Whitmore, các dòng vi khuẩn tụ cầu dễ dàng được tìm thấy ngoài môi trường trong đất, nước bẩn, đồng ruộng và các vùng nước tù đọng. Chúng lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp, xâm nhập có thể chỉ từ một vết thương ngoài da rất nhỏ. Khi vào cơ thể, chúng dễ biến chứng viêm mô tế bào, nhiễm trùng da, khớp, tim và nhiễm trùng huyết toàn thân nặng nề.

Bác sĩ Vũ khuyến cáo, để phòng bệnh Whitmore và các vi khuẩn khác xâm nhập vào cơ thể, người dân phải luôn bảo đảm vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không bảo đảm vệ sinh.

Phải vệ sinh diệt khuẩn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống sôi.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đi làm thêm vô tình vấp ngã, nam sinh bị vi khuẩn 'bí ẩn' tấn công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO