Đề xuất đưa các biện pháp chống dịch vào Nghị quyết kỳ họp Quốc hội

(TTXVN/Vietnam+)| 24/07/2021 21:48

Trong phiên làm việc sáng, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức buổi lễ quyên góp, ủng hộ quỹ phòng, chống dịch COVID-19 với sự tham gia của các vị đại biểu Quốc hội và khách mời.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp chuẩn bị báo cáo Quốc hội bổ sung nội dung phòng, chống dịch COVID-19 vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp chuẩn bị báo cáo Quốc hội bổ sung nội dung phòng, chống dịch COVID-19 vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ nhất, sáng 24/7, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự kiến điều chỉnh chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV từ ngày 24/7/2021 đến bế mạc kỳ họp, trong đó có việc bổ sung một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 vào Nghị quyết kỳ họp của Quốc hội.

Tất cả 474 đại biểu biểu quyết tán thành thông qua việc điều chỉnh chương trình kỳ họp (bằng 100% đại biểu có mặt và bằng 94,99% tổng số đại biểu Quốc hội).

Trong phiên làm việc sáng, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức buổi lễ quyên góp, ủng hộ quỹ phòng, chống dịch COVID-19 với sự tham gia của các vị đại biểu Quốc hội và khách mời tham dự kỳ họp nhằm hưởng ứng lời kêu gọi “Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch COVID-19” và phát động đợt cao điểm quyên góp ủng hộ phòng, chống dịch COVID -19 của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Thời gian còn lại của phiên làm việc sáng, Quốc hội nghe Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Thảo luận nội dung này tại tổ, các đại biểu cho rằng trong bối cảnh có nhiều diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, tác động lớn đến sự phát triển chung của nền kinh tế, nhưng công tác tài chính, ngân sách vẫn có nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện, góp phần tích cực ổn định vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh giai đoạn 2016-2020.

Các đại biểu cũng lưu ý cần xem lại về khái niệm vay vốn ODA và vốn ưu đãi nước ngoài; phân tích, đánh giá kỹ hơn hiệu quả sử dụng vốn khác phục vụ dự án đầu tư phát triển như phát hành trái phiếu xanh, hay thậm chí là huy động vốn tư nhân trong bối cảnh các nguồn vốn vay ưu đãi giảm dần do nước ta đã trở thành nước có thu nhập trung bình...

Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính nhiệm kỳ 2016-2021 Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo của Chính phủ và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Báo cáo của Chính phủ thể hiện trên 6 nội dung gồm công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự toán, quyết toán quản lý sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước góp phần thực hiện thực hành tiết kiệm chống lãng phí; thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong đầu tư công, quản lý tài sản công; công tác thanh tra, kiểm tra góp phần thực hiện thực hành tiết kiệm chống lãng phí; thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên; thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong tổ chức bộ máy, quản lý và sử dụng lao động; và thực hành tiết kiệm chống lãng phí trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về định mức, tiêu chuẩn, chế độ.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng các tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là công tác triển khai chỉ đạo tại một số bộ, ngành, địa phương chậm; việc xác định, xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể và người đứng đầu cơ quan, đơn vị vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa hiệu quả; nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của một bộ phận cán bộ, công chức người dân và doanh nghiệp còn hạn chế...

Chính phủ cần tổng kết, đánh giá rõ hơn các nguyên nhân dẫn đến bất cập, hạn chế để có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Tiếp đó, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 Nguyễn Thanh Long trình bày Tờ trình của Chính phủ và Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội về việc đề xuất một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đưa vào Nghị quyết kỳ họp của Quốc hội.

De xuat dua cac bien phap chong dich vao Nghi quyet ky hop Quoc hoi hinh anh 195,59% tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua việc điều chỉnh chương trình kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XV. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Với yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch, Chính phủ kiến nghị Quốc hội đưa vào Nghị quyết kỳ họp một số nội dung.

Theo đó, kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt áp dụng các biện pháp đã thực hiện trong thời gian qua, các biện pháp quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm cũng như một số văn bản liên quan; được áp dụng các biện pháp, ban hành các quy định cần thiết chưa được luật quy định để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh, đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có việc áp dụng cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách trong cấp phép, mua sắm, sản xuất thuốc, trang thiết bị y tế, hóa chất và đầu tư cơ sở vật chất.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung đưa vào Nghị quyết nguyên tắc chính sách đối với các chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội, nhất là các chính sách hỗ trợ cho nông dân, người lao động khu vực phi chính thức, lao động trong các doanh nghiệp bị ngừng, nghỉ việc, mất việc làm, các nhóm doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc gia.

Tiếp đó, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự kiến điều chỉnh Chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV từ ngày 25/7/2021 đến bế mạc kỳ họp. Với 477/480 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (95,59% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua việc điều chỉnh chương trình kỳ họp.

Sau đó, Quốc hội thảo luận tại tổ về việc phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

Cuối phiên họp chiều, Quốc hội họp riêng dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, nghe Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Tờ trình về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước; sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về nội dung này./.

(TTXVN/Vietnam+)
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất đưa các biện pháp chống dịch vào Nghị quyết kỳ họp Quốc hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO