Để bóng chạm tay giống Duy Mạnh, vì sao hậu vệ Man Utd không bị thổi phạt đền?

Minh Ngọc| 03/09/2021 18:25

Pha phạm lỗi của Duy Mạnh có điểm giống với tình huống để bóng chạm tay không bị phạt 11m của Victor Lindelof trong một trận đấu Ngoại Hạng Anh năm 2019.

Đỗ Duy Mạnh nhoài người chặn cú sút của cầu thủ Ả Rập Xê Út. Bóng đập người rồi nảy lên tay hậu vệ Việt Nam. Sau khi được VAR tư vấn và trực tiếp xem lại băng quay chậm, trọng tài chính Ilgiz Tantashev thổi phạt đền và phạt thẻ vàng thứ hai, truất quyền thi đấu Duy Mạnh.

Đây là tình huống khiến các cổ động viên Việt Nam tranh cãi sau trận đấu đầu tiên của đội nhà ở AFC Asian Qualifiers - Road to Qatar (vòng loại thứ ba World Cup - khu vực châu Á).

Pha bóng này tương tự những gì xảy ra với Victor Lindelof trong trận derby Manchester ở mùa giải 2019/20. Bóng cũng chạm người rồi nảy vào tay của cầu thủ Man Utd từ cú sút của Gabriel Jesus. Tuy nhiên, quyết định của trọng tài Ngoại Hạng Anh trong trường hợp này, với sự trợ giúp của VAR, lại hoàn toàn khác. Lindelof không phạm lỗi. Man City không được hưởng phạt đền.

Để bóng chạm tay giống Duy Mạnh, vì sao hậu vệ Man Utd không bị thổi phạt đền? - 1

Tình huống Lindelof chạm bóng bằng tay giống như Duy Mạnh

Một tình huống gần giống như vậy xảy ra ở trận đấu giữa Man Utd và Crystal Palace ở mùa giải trước, lại liên quan đến Lindelof. Trọng tài cũng không thổi phạt đền vì xác định hậu vệ người Thụy Điển không phạm lỗi.

Nhiều cổ động viên Việt Nam so sánh 2 tình huống của Lindelof với Duy Mạnh để đặt vấn đề rằng trọng tài Tantashev đã sai lầm hoặc nặng tay trong quyết định thổi phạt và rút thẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, những pha bóng này dù cách thức xảy ra giống nhau, nhưng sự khác biệt then chốt nằm ở yếu tố thời gian.

Nếu trận đấu giữa Ả Rập Xê Út và đội tuyển Việt Nam diễn ra trước tháng 7/2021, Duy Mạnh không bị phạt với tình huống như vậy. Lý do là Ủy ban bóng đá quốc tế (IFAB) đã điều chỉnh các quy định về lỗi dùng tay chơi bóng trong luật bóng đá, áp dụng từ ngày 1/7 năm nay.

Tình huống bóng đập một bộ phận cơ thể rồi nảy vào tay vẫn được nhắc đến như một "luật mới", nhưng trên thực tế đã trở thành cũ. Chi tiết này không còn được đề cập cụ thể trong luật.

Trọng tài chỉ căn cứ vào việc cầu thủ có cố ý dùng tay chơi bóng hay không, cánh tay có ở vị trí làm cơ thể phình to không tự nhiên hay không. Nếu ở tư thế không tự nhiên, cầu thủ phải chấp nhận rủi ro bóng chạm tay dẫn đến việc bị phạt, dù không cố ý.

Với sự thay đổi này, tình huống Duy Mạnh để bóng chạm tay bị xem là phạm lỗi vì cánh tay ở vị trí làm cơ thể mở rộng không tự nhiên. Khi xác định đây là pha phạm lỗi trong một nỗ lực chơi bóng (cản phá cú sút của đối phương) và ngăn cản một cơ hội ghi bàn rõ rệt, trọng tài đương nhiên rút ra thẻ vàng.

Minh Ngọc
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Để bóng chạm tay giống Duy Mạnh, vì sao hậu vệ Man Utd không bị thổi phạt đền?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO