Đau đầu nhẹ khi đi làm về, 2 giờ sau chàng trai 28 tuổi bị đột quỵ

Phương Linh (t/h)| 14/12/2020 14:57

Việt BáoTrung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) vừa tiếp nhận nam bệnh nhân 28 tuổi bị đột quỵ chuyển đến từ cơ sở y tế tuyến dưới.

Người nhà bệnh nhan kể, chiều 11/12, sau khi đi làm về, bệnh nhân thấy hơi đau đầu nên vào giường nằm nghỉ. Cơn đau đầu ngày càng tăng làm bệnh nhân thiếp đi.

2 giờ sau, mẹ bệnh nhân vào phòng gọi con trai dậy nhưng không thấy phản xạ. Gia đình vội đưa con đến bệnh viện gần nhà cấp cứu. Do tình trạng nặng, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyến, Giám đốc Trung tâm đột quỵ, chẩn đoán bệnh nhân bị đột quỵ, hình ảnh chụp MRI phát hiện vỡ dị dạng mạch máu não. Ê-kíp bác sĩ nhận định tình trạng nguy cấp, nếu để lâu, bệnh nhân có nguy cơ phù não, tăng áp lực của sọ, dẫn tới hôn mê, tử vong.

Các bác sĩ phẫu thuật hút khối dị dạng mạch máu thành công. Hiện bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Hiện người bệnh đã qua cơn nguy kịch. Ảnh: BVCC.

Bác sĩ Tuyến cho biết, tỉ lệ người trẻ bị đột quỵ hiện nay đang có xu hướng tăng. Cụ thể, từ đầu năm 2020 đến nay, Trung tâm Đột quỵ đã cấp cứu hơn 3.000 ca đột quỵ, trong đó bệnh nhân dưới 40 tuổi chiếm khoảng 17%.

Bác sĩ Phạm Văn Cường, Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, từng cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến đột quỵ ở người trẻ tuổi, trong đó, dị dạng mạch máu não là một trong những nguyên nhân hàng đầu. Sự phát triển bất thường của mạch máu não có thể gây nên những túi phình với thành mạch máu mỏng, là nguyên nhân có thể gây xuất huyết não. Ở một số trường hợp, mạch máu bị bóc tách gây hẹp, tắc mạch - nhồi máu não.

Theo bác sĩ, hiện chưa có biện pháp nào thực sự hiệu quả để dự phòng dị dạng mạch não. Những bất thường này có thể phát hiện sớm qua chụp cắt lớp vi tính tương phản, hoặc chụp cộng hưởng từ mạch máu não.

Nguyên nhân thứ hai là hút thuốc lá. Khoảng 50% số bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi hút thuốc lá. Bác sĩ Cường nhấn mạnh thuốc lá có chứa khoảng 7.000 chất độc hóa học như carbon monoxide, formaldehyde, arsenic và cyanide. Những chất độc này được vận chuyển vào máu sau khi hấp thu vào phổi làm thay đổi và phá hủy các tế bào trong cơ thể, tăng nguy cơ vữa xơ, tổn thương mạch máu não.

Ngoài ra, khoảng 60% bệnh nhân nhồi máu não trẻ tuổi có rối loạn chuyển hóa mỡ máu, nam giới hay gặp hơn nữ. Người trẻ tuổi với thói quen ăn uống có hại sức khỏe như ăn quá nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, ngày càng đối diện với các bệnh lý mạch máu sớm hơn.

Béo phì và lười vận động cũng gây đột quỵ ở người trẻ. Các nghiên cứu tại Mỹ cho thấy khoảng 10% bệnh nhân đột quỵ trẻ tuổi có thừa cân (chỉ số khối cơ thể BMI >30).

30% bệnh nhân đột quỵ trẻ mắc bệnh tiểu đường, khoảng 10% bị tăng huyết áp. Tại Việt Nam, bệnh tiểu đường ở người trẻ, thậm chí với trẻ em đang tăng nhanh. Nhiều ca được ghi nhận ở trẻ nhỏ từ 9 đến 13 tuổi, thanh niên từ 20 đến dưới 30 tuổi.

Uống rượu bia, đặc biệt là rượu nặng, có liên quan đến bệnh lý chảy máu não ở bệnh nhân trẻ tuổi. Ước tính, trung bình mỗi người Việt trên 15 tuổi tiêu thụ 8,3 lít cồn nguyên chất trong một năm, nhiều hơn người Trung Quốc và gấp 4 lần người Singapore.

Theo bác sĩ Cường, người bị đột quỵ cần được cấp cứu ngay lập tức. Thời gian đột quỵ kéo dài càng lâu, số lượng tế bào não chết càng nhiều sẽ ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động và tư duy của cơ thể, thậm chí là tử vong. Hầu hết người sống sót sau cơn đột quỵ đều sức khỏe suy yếu hoặc mắc các di chứng như tê liệt, cử động yếu một phần cơ thể, mất ngôn ngữ, rối loạn cảm xúc, thị giác suy giảm... 

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đau đầu nhẹ khi đi làm về, 2 giờ sau chàng trai 28 tuổi bị đột quỵ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO