Đất rừng tự nhiên ở Thừa Thiên – Huế bị 'hô biến' thành đất trồng keo thế nào?

NGUYỄN VƯƠNG| 16/08/2021 13:00

Những diện tích rừng tự nhiên ở huyện Nam Đông bị sử dụng thủ thuật làm chết một cách tinh vi sau đó trồng cây keo thay thế để phá, lấn chiếm.

Thời gian qua, PV VTC News nhận được phản ánh của người dân xã Hương Phú (huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế) về tình trạng lấn chiếm, chặt phá rừng tự nhiên đang diễn ra một cách ồ ạt tại địa phương này.

Người dân khu vực này cho biết, những khoảnh rừng này trước kia vốn là bạt ngạt rừng tự nhiên thì bây giờ bằng một thủ thuật nào đó được thay thế bằng những rừng keo 2-3 năm tuổi.

Đất rừng tự nhiên ở Thừa Thiên – Huế bị 'hô biến' thành đất trồng keo thế nào? - 1

Những diện tích rừng tự nhiên xưa kia nay bị lấn chiếm thành những khu rừng tràm. (Ảnh: Công Tuấn).

Theo người dân thôn Xuân Phú (xã Hương Phú, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế), tình trạng chặt phá lấn chiếm rừng tự nhiên diễn ra hàng năm và nhiều nhất là sau vụ khai thác keo, lợi dụng thời điểm đốt thực bì, những kẻ phá rừng đốt trụi cả 1 khu rừng vừa phá để tránh bị phát hiện.

Trong 1 buổi sáng, người dân địa phương dẫn chúng tôi tới 3 điểm được cho là đã và đang có hoạt động chặt phá, lấn chiếm rừng tự nhiên để trồng keo.

Ghi nhận cho thấy, xen lẫn trong những rừng keo trồng này vẫn còn dấu vết của các gốc cây rừng bị đốn hạ. Thủ đoạn của những kẻ phá rừng, lấn chiếm đất rừng rất tinh vi.

Đất rừng tự nhiên ở Thừa Thiên – Huế bị 'hô biến' thành đất trồng keo thế nào? - 2

Xen lẫn những tán rừng tràm mới trồng là những gốc cây rừng tự nhiên khá lớn bị đốn hạ từ lâu. (Ảnh: Công Tuấn).

Chúng thường đẽo vỏ hoặc cho đốt các gốc cây rừng để những cây này chết dần chết mòn. Trong quá trình đó, kết hợp với việc phát quang các bụi rậm xung quanh, những cây keo sẽ được trồng lớn dần thay thế các cây gỗ rừng tự nhiên đang chết dần.

Sau khi ghi nhận tại hiện trường, PV cung cấp tọa độ cho Hạt kiểm lâm Nam Đông để xác minh và kiểm tra bước đầu xác nhận tình trạng phá rừng, lần chiếm rừng làm nương rẫy.

Kết quả báo cáo cụ thể cho thấy, khu vực bị xâm hại thuộc lô A1, khoảnh 14, tiểu khu 370 do nhóm 2 thôn Xuân Phú (xã Hương Phú, huyện Nam Đông) quản lý.

Đất rừng tự nhiên ở Thừa Thiên – Huế bị 'hô biến' thành đất trồng keo thế nào? - 3

Theo người dân, những kẻ phá rừng thường dùng thủ đoạn đẽo vỏ hoặc cho đốt các gốc cây rừng tự nhiên để chúng chết dần chết mòn sau đó khai thác rồi trồng những cây tràm xen lẫn đế chiếm đất.

Tại vị trí vi phạm, hầu hết cây rừng tự nhiên vẫn còn, rải rác 1 số cây bị chặt hạ, đẽo vỏ, tổng diện tích bị luỗng phát dây leo, cây bụi và trồng keo là 0,45ha. Qua kiểm tra lực lượng chức năng nhận định, khu vực này đang diễn ra tình trạng phá rừng tự nhiên để chiếm đất.

Trước đó vào năm 2013, tại khu vực này cũng xảy ra tình trạng chặt phá rừng với diện tích 4,05 ha nhưng không phát hiện được đối tượng vi phạm. Sau khi phát hiện Hạt kiểm lâm huyện Nam Đông phối hợp với đơn vị chủ rừng tăng cường công tác kiểm tra, truy quét, ngăn chặn tình trạng lấn chiếm rừng.

Tuy nhiên, 1 thời gian sau, người dân lại lén lút vào diện tích bị lấn chiếm để trồng keo. Dưới tán rừng keo này vẫn còn rải rác các gốc cây bị chặt hạ đúng như thực tế mà phóng viên phản ánh.

Đất rừng tự nhiên ở Thừa Thiên – Huế bị 'hô biến' thành đất trồng keo thế nào? - 4

Một số gốc cây rừng tự nhiên bị phá với vết chặt còn khá mới.

Theo báo cáo của UBND huyện Nam Đông, diện tích rừng bị phá giai đoạn 2016-2020 là 40,86ha, (giảm 55% so với giai đoạn trước đó), phát hiện và xử lý hành chính 53 vụ với số tiền phạt hơn 500 triệu đồng, khởi tố 8 vụ án hình sự về phá rừng.

Tuy nhiên, những con số trên chỉ là “bề nổi” bởi cơ quan chức năng cũng thừa nhận tình trạng lấn chiếm rừng tại địa phương này diễn ra thường xuyên và khá tinh vi, khó phát hiện, trong khi công tác quản lý bảo vệ rừng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.

NGUYỄN VƯƠNG
Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đất rừng tự nhiên ở Thừa Thiên – Huế bị 'hô biến' thành đất trồng keo thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO