Đánh giá toàn diện giáo dục ĐBSCL để chuyển biến mạnh hơn

07/04/2022 14:25

Đây là quan điểm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND Vĩnh Long về kết quả thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực văn hoá, giáo dục, sáng 7/4.

Đánh giá toàn diện giáo dục ĐBSCL để chuyển biến mạnh hơn - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu thấu đáo, đánh giá lại toàn diện để chuyển trạng thái giáo dục vùng ĐBSCL sau khi đã thoát khỏi tình trạng là “vùng trũng giáo dục phổ thông” - Ảnh: VGP/Đình Nam

Cùng dự cuộc làm việc có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Minh Thanh cho biết, hiện địa phương có đủ 3 thiết chế văn hóa, đó là trung tâm văn hóa hoặc trung tâm văn hóa-nghệ thuật, bảo tàng, thư viện; 100% đơn vị hành chính cấp huyện, 85% đơn vị cấp xã có trung tâm văn hóa-thể thao; 70% xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa-thể thao.

Toàn tỉnh đã có 65 di tích được xếp hạng, gồm 11 di tích quốc gia, 54 di tích cấp tỉnh. Công tác phát huy các giá trị di tích gắn với phát triển du lịch được chú trọng.

Dù có nhiều cố gắng, nỗ lực, nhưng hoạt động du lịch của bị sụt giảm nghiêm trọng cả về số lượng du khách và doanh thu do ảnh hưởng dịch bệnh.

Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm bày tỏ mong muốn địa phương nhận được sự quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xây dựng Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL và Đề án di sản đương đại về nghề gốm ở huyện Mang Thít; ưu tiên nguồn vốn tu bổ tôn tạo các di tích trọng điểm, di tích cấp quốc gia; nâng mức kinh phí chương trình mục tiêu về văn hóa cho địa phương.

Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng chia sẻ những khó khăn của Vĩnh Long trong xây dựng, duy trì thiết chế văn hoá đến tận thôn, ấp khi tỉnh mới có 84/646 thôn, ấp có thiết chế văn hoá. Việc phát triển du lịch cộng đồng cần gắn chặt với hệ thống làng nghề, di tích, di sản… "Vĩnh Long cần thu hút được những nhà đầu tư chiến lược về hạ tầng, sản phẩm du lịch, gắn với việc tạo ra một không gian văn hoá, thông qua bảo tồn, phát huy giá trị di tích, di sản văn hoá", Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trao đổi và đề nghị "tổ chức ngay một diễn đàn du lịch với sự tham gia, khảo sát của các doanh nghiệp lớn".

Lãnh đạo Bộ VHTT&DL cam kết phối hợp chặt chẽ với Vĩnh Long trong triển khai Dự án Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL và Đề án di sản đương đại về nghề gốm ở huyện Mang Thít.

Trong lĩnh vực giáo dục, dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, song Vĩnh Long đã có nhiều giải pháp chủ động và linh hoạt để hoàn thành nhiệm vụ năm học, cũng như đảm bảo được chất lượng và sự an toàn cho giáo viên và học sinh.

Đánh giá toàn diện giáo dục ĐBSCL để chuyển biến mạnh hơn - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đề nghị tập trung củng cố, bù đắp kiến thức cho học sinh sau khi trở lại trường - Ảnh: VGP/Đình Nam

Ngành giáo dục đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại. Tỉ lệ phòng học kiên cố là 90,91%; 257/412 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia; 89,66% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn đào tạo… Công tác phổ cập giáo dục phổ thông, chất lượng giáo dục cao đẳng, đại học đạt kết quả tích cực.

Tuy nhiên, hiện Vĩnh Long còn nhiều trường mầm non có quá nhiều điểm lẻ; số học sinh trên 1 lớp đông, diện tích phòng học chật hẹp ảnh hưởng đến việc đổi mới phương pháp dạy học. Tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THCS và tốt nghiệp THPT tham gia học nghề vẫn còn thấp. Việc xã hội hóa, huy động các nguồn lực khác khó khăn nên việc đầu tư cơ sở vật chất chưa đáp ứng nhu cầu phát triển.

Vĩnh Long kiến nghị chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo cần có tiêu chí phân bổ đặc thù cho các tỉnh khu vực ĐBSCL để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục; có chính sách phát triển hệ thống các trường nghề đáp ứng yêu cầu phân luồng học sinh sau THCS, THPT để phát triển nguồn nhân lực có tay nghề cao.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá các chỉ tiêu về giáo dục phổ thông của Vĩnh Long đứng ở mức khá và tốt so với mặt bằng bình quân cả nước. Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhưng tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực trong dạy và học cũng như bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh.

Về một số công việc trước mắt, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị, ngành giáo dục cần tập trung củng cố, bù đắp kiến thức cho học sinh sau khi trở lại trường; chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông; tiếp tục chuẩn bị kỹ càng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên thực hiện hiệu quả hơn nữa lộ trình đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến trao đổi của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ VHTT&DL về những kiến nghị cụ thể của tỉnh Vĩnh Long nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, cũng như dành nguồn lực cho phát triển văn hoá, giáo dục của địa phương.

Trong lĩnh vực văn hoá, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh Vĩnh Long có những giải pháp kết hợp chặt chẽ các hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch, tìm ra những giá trị thực sự độc đáo, riêng có của văn hoá, tự nhiên, con người Vĩnh Long. "Đơn cử việc triển khai Dự án Bảo tàng Nông nghiệp vùng ĐBSCL và Đề án di sản đương đại về nghề gốm ở huyện Mang Thít phải rất công phu, bài bản, lâu dài", Phó Thủ tướng nói.

Đánh giá toàn diện giáo dục ĐBSCL để chuyển biến mạnh hơn - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng mong muốn tỉnh Vĩnh Long tiếp tục có những giải pháp sáng tạo, đột phá giải quyết căn cơ vấn đề biên chế giáo viên thông qua đẩy mạnh tự chủ, bắt đầu từ bậc học mầm non đến phổ thông, với cơ chế quản lý học phí công khai, có quỹ hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn - Ảnh: VGP/Đình Nam

Từ những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng cho rằng Vĩnh Long cũng như nhiều tỉnh ĐBSCL đã từng bước thoát khỏi tình trạng là "vùng trũng giáo dục phổ thông". Đây là thành quả của một quá trình nỗ lực kiên trì, lâu dài của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Vĩnh Long.

Phó Thủ tướng mong muốn Vĩnh Long tiếp tục có những giải pháp tăng cường quản lý thống nhất về giáo dục tại địa phương gồm giáo viên, học sinh, nguồn lực, trường lớp. Giải quyết căn cơ vấn đề biên chế giáo viên bằng cách giảm số giáo viên hưởng lương từ ngân sách Nhà nước thông qua đẩy mạnh tự chủ, bắt đầu từ bậc học mầm non đến phổ thông, với cơ chế quản lý học phí công khai, có quỹ hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Chuyển đổi mô hình các trường dân tộc nội trú theo hướng có khu ký túc dành riêng cho học sinh dân tộc thiểu số, nhưng học chung tại các trường học bình thường. Tăng cường trao đổi sinh viên của địa phương với các trường đại học lớn.

Thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT nghiên cứu thấu đáo, đánh giá lại toàn diện để chuyển trạng thái giáo dục vùng ĐBSCL sau khi thoát khỉ tình trạng "vùng trũng giáo dục phổ thông", có bước tiến mạnh hơn về giáo dục cao đẳng, đại học, không còn là vùng trũng. Đồng thời đúc kết, triển khai thí điểm những mô hình có tính đột phá nhằm thu hút hơn nữa nguồn lực xã hội thông qua cơ chế tự chủ tại từ các trường cao đẳng, đại học đến phổ thông, mầm non.

Trước mắt, Bộ GD&ĐT tiếp tục điều chỉnh hướng dẫn cho các địa phương trong việc lựa chọn các bộ sách giáo khoa mới trên tinh thần phù hợp, tiết kiệm, tránh lãng phí cho học sinh, phụ huynh; xây dựng bộ tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia cần phù hợp với điều kiện đặc thù vùng miền, địa phương; sớm ban hành văn bản quản lý công tác dạy thêm học thêm…

Đình Nam


    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Đánh giá toàn diện giáo dục ĐBSCL để chuyển biến mạnh hơn
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO