Đánh cược vào ngân hàng, BĐS, lợi nhuận quỹ tỷ đô Dragon Capital chìm nổi ra sao?

27/02/2023 06:57

Dragon Capital đang quản lý nhiều quỹ nổi tiếng, đầu tư mạnh vào cổ phiếu ngân hàng, bán lẻ, bất động sản Việt Nam với tổng trị giá cả tỷ USD. Hoạt động nổi trội nhiều thập kỷ qua nhưng tổ chức này cũng có lúc thua lỗ lớn như năm 2022.

Ba thập kỷ đầu tư tại Việt Nam

Dragon Capital có mặt tại Việt Nam từ năm 1994 và là một trong những công ty quản lý quỹ có lịch sử hoạt động lâu đời nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Khởi đầu với một quỹ đầu tư có số vốn khiêm tốn 16 triệu USD, đến nay, Dragon Capital đã trở thành công ty quản lý quỹ đầu tư lớn, quản lý cả chục quỹ đầu tư khác nhau với tổng tài sản hàng tỷ USD.

Tổng quy mô tài sản mà Dragon Capital Group đang quản lý đến nay đạt khoảng 4 tỷ USD, với dịch vụ và sản phẩm hướng tới cả nhà đầu tư tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước.

Một số quỹ thành viên đáng chú ý của Dragon Capital như VEIL, CTBC Vietnam Equity Fund, DCVFM VNDiamond ETF,…

Trong đó, Vietnam Enterprise Investment Limited (VEIL) là quỹ đóng do Dragon Capital quản lý, được thành lập năm 1995. Đây là quỹ lâu đời nhất và lớn nhất hoạt động tại Việt Nam. Giá trị tài sản ròng (NAV) của VEIL đạt hơn 1,6-1,7 tỷ USD. Chứng chỉ quỹ của VEIL được giao dịch trên sàn chứng khoán London.

Nhiều thập kỷ qua, VEIL được xem là quỹ đầu tư quyền lực ở Việt Nam và ghi nhận nhiều thành công, với những năm tăng trưởng giá trị tài sản ròng đột phá, lên đến 60% như năm 2017. Tuy nhiên, quỹ của Dragon Capital cũng trải qua những đợt thua lỗ nặng, năm 2022 lỗ hơn 36%.

Hiệu quả hoạt động của quỹ VEIL. (Nguồn: DC)

Nắm tỷ USD trong các doanh nghiệp hàng đầu 

Theo báo cáo mới nhất, đến ngày 16/2/2023, VEIL có top 10 khoản đầu tư lớn nhất gồm: Ngân hàng ACB, VPBank (VPB), Vietcombank (VCB) và 6 doanh nghiệp thuộc top VN30 như: Vinhomes (VHM), Hòa Phát (HPG), Thế Giới Di Động (MWG), Becamex IDC (BCM), PV Gas (GAS), FPT cùng Nhà Khang Điền (KDH).

Bên cạnh VEIL, Dragon Capital quản lý nhiều quỹ lớn như: CTBC Vietnam Equity Fund, Norges Bank, Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust...

Thông qua pháp nhân nội CTCP Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam (DCVFM), Dragon Capital còn quản lý nhiều quỹ khác như: DCDS, DCBC, DCBF, DCIP, VFMVFA, VFMVSF, DCVFM VNDiamond ETF, DCVFM VN30 ETF...

Thời gian gần đây, quỹ tỷ USD VEIL của Dragon Capital dốc toàn lực vào cổ phiếu Việt Nam.

Theo báo cáo mới nhất, tính đến 16/2/2023, quỹ VEIL của Dragon Capital nắm giữ 98% tài sản ròng (NAV) dưới dạng cổ phiếu. Lượng tiền mặt ròng của quỹ chỉ còn 2% NAV, thấp hơn so với mức hơn 13% của tháng 11/2022 - giai đoạn thị trường chứng khoán Việt xuống đáy dưới 900 điểm vì làn sóng bán giải chấp của nhóm bất động sản và nhiều thông tin đồn đoán xoay quanh thị trường trái phiếu.

Quỹ VEIL dường như không còn dè chừng dù sức cầu trên thị trường chứng khoán rất thấp và các nhà đầu tư nhỏ lẻ vẫn rất thận trọng đối với hầu hết các cổ phiếu lớn nhỏ.

Tính tới 16/2/2023, tổng giá trị tài sản của VEIL đạt gần 1.677 tỷ USD.

So với ngày 17/11/2022, giá trị tài sản của VEIl đã tăng hơn 200 triệu USD.

Top 10 khoản đầu tư lớn nhất của VEIL tính đến 16/2/2023. (Nguồn: DC)

'Đánh cược' vào ngân hàng, bất động sản: Không phải lúc nào cũng ăn chắc 

Trong cơ cấu của VEIL, MBBank (MBB) không còn nằm trong top 10 khoản đầu tư lớn nhất, thay vào đó là ACB của Ngân hàng Á châu (13,19%) tính tới 16/2. Tiếp theo đó là VPBank (VPB) với 12,26%; Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đứng thứ 3 với 7,7%; Vietcombank (VCB) xếp thứ 4 với với 6,58%; Thế Giới Di Động (MWG) xếp thứ 5 với 6,48%. Tiếp theo là các cái tên: FPT, PV Gas (GAS), Becamex IDC (BCM), Vinhomes (VHM), Nhà Khang Điền (KDH).

Năm khoản đầu tư lớn nhất trong danh mục của VEIL là ACB, VPB, HPG, VCB, MWG đều có giá trị trên 100 triệu USD.

Ngoài top 10, VEIL cũng nắm giữ hàng trăm triệu USD ở cổ phiếu Đất Xanh (DXG), PVD, Sacombank (STB), Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC)...

Gần đây, những biến động trên thị trường tài chính và bất động sản khiến các quỹ của Dragon Capital đẩy mạnh chuyển đổi danh mục và có những quyết định bán khá mạnh tay.

Dragon Capital bán ròng 25 triệu cổ phần Đất Xanh (DXG) trong vòng khoảng 3 tuần từ cuối tháng 1/2023.

Nhóm Dragon Capital hôm 20/2 mua thêm 4 triệu cổ phiếu ACB thông qua 5 quỹ thành viên và nâng tổng số cổ phiếu ACB nắm giữ lên hơn 272,3 triệu đơn vị, tương đương hơn 8,06% cổ phần ngân hàng.

Như vậy, quỹ đầu tư lớn số 1 tại Việt Nam VEIL tiếp tục dồn lực vào nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản, đặc biệt nhóm ngân hàng.

Đây là nhóm có triển vọng rất lớn trước đó và đã mang lại lợi nhuận bứt phá cho quỹ trong năm 2021.

Tuy nhiên, gần đây, các nhóm cổ phiếu này đối mặt với nhiều rủi ro.

Các ngành VEIL có tỷ trọng đầu tư lớn. (Nguồn: DC)

Các doanh nghiệp bất động sản vẫn gặp nhiều khó khăn về dòng tiền và nguồn vốn. Thanh khoản bất động sản kém. Nhiều dự án bất động sản vướng pháp lý kéo dài... Những khó khăn này dự báo chưa thể chấm dứt nhanh chóng, đặc biệt là với những doanh nghiệp đầu tư các dự án nghỉ dưỡng, nhà ở phân khúc cao cấp, nguồn vốn trông chờ chủ yếu vào các ngân hàng.

Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng đối mặt với nợ xấu gia tăng theo khó khăn của các doanh nghiệp, đặc biệt nhóm bất động sản. Biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng có thể giảm khi lãi suất huy động cao.

Còn lại, nhóm bán lẻ trong khi đó đối mặt với sức cầu suy giảm theo sự suy yếu thu nhập của người dân.

Theo giám đốc chi nhánh TP.HCM của một công ty chứng khoán tại Hà Nội, các quỹ đầu tư thường phân bổ danh mục theo tỷ trọng vốn hóa các nhóm ngành trên thị trường chứng khoán. Nhóm ngân hàng chiếm tỷ trọng khoảng 40%, trong khi nhóm bất động sản khoảng 30% trên thị trường. Đây cũng là tỷ trọng mà các quỹ thường phân bổ tiền đầu tư. Sự khác nhau giữa các quỹ nằm ở chỗ, lựa chọn mã nào trong từng ngành.

Chính vì phân bổ theo tỷ trọng nhóm ngành trên thị trường, cho nên triển vọng hoạt động của các quỹ nói chung và Dragon Capital xoay quanh triển vọng của TTCK. Thông thường điều này sẽ không có gì đột biến.

Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, hiện tỷ lệ tiền mặt của các quỹ rất ít. VEIL của Dragon Capital khoảng 98-99% là cổ phiếu. Cho nên, các quỹ cũng khó linh hoạt trong ngắn hạn. Hiệu quả của quỹ sẽ quanh performance của thị trường. Triển vọng và rủi ro của quỹ gắn theo TTCK.

Ở vào thời điểm này, TTCK chung không còn nhiều rủi ro khi mà lãi suất có dấu hiệu quay đầu giảm, vốn nước ngoài vào khá mạnh, margin không còn lớn… Tuy nhiên, khả năng tăng mạnh là thấp. TTCK có thể đi ngang trong năm 2023.

Với mảng ngân hàng, đây là ngành then chốt của nền kinh tế. Cổ phiếu ngành này sẽ phân hóa. Năm nay, một số ngân hàng vướng dư nợ bất động sản lớn, “dính” nhiều trái phiếu thì cần thêm thời gian để tích lũy lại nội lực.

Một số mã như ACB, Vietcombank mà Dragon Capital đang nắm giữ nhiều có chất lượng tài sản tốt, bảng cân đối sạch, không có trái phiếu và cho vay bất động sản nhiều, chủ yếu làm bán lẻ thuần túy.

Còn về mảng bất động sản, Dragon Capital cũng như các quỹ thường nắm giữ cổ phiếu bất động sản hàng đầu nhưng cũng có quỹ nắm giữ cổ phiếu rất xấu. Vào cuối năm 2022, Dragon Capital phải bán lỗ hàng chục cổ phiếu Hải Phát (HPX). Dragon Capital từng là nhà đầu tư chiến lược của Hải Phát từ năm 2017, với 15% vốn HPX.

Trên thực tế, kể từ cuối tháng 1/2023 tới nay, Dragon Capital bán ròng 25 triệu cổ phần Đất Xanh (DXG), giảm tỷ lệ sở hữu từ gần 20% xuống 15,9%. Các quỹ thành viên như Amersham Industries Limited, CTBC Vietnam EquityFund, VEIL đều bán ra khối lượng lớn DXG. DXG gần đây ghi nhận doanh số bán hàng giảm do khó khăn chung của thị trường bất động sản. Trong khi đó, Dragon Capital tăng sở hữu tại Nhà Khang Điền (KDH).

Theo chuyên gia này, các quỹ trong đó có Dragon Capital đang phải cơ cấu danh mục của mình, bán tỉa đi những cổ phiếu rủi ro. Cổ phiếu BĐS có thể bắt đầu hồi phục khoảng nửa cuối năm 2023 nhưng điều quan trọng nhất là doanh nghiệp phải tồn tại được qua suy thoái.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đánh cược vào ngân hàng, BĐS, lợi nhuận quỹ tỷ đô Dragon Capital chìm nổi ra sao?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO