Đằng sau chuyện Nga bị tước quy chế tối huệ quốc

Lưu Huỳnh| 17/03/2022 16:12

Vừa qua, nhóm G7 và Liên minh châu Âu đã tước quy chế tối huệ quốc của Nga vì xung đột Nga-Ukraine. Hành động này có ý nghĩa gì?

(03.17) Nhóm G7 và Liên minh châu Âu đã đẩy mạnh trừng phạt thương mại với các mặt hàng có xuất xứ từ Nga - Ảnh minh hoạ. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Nhóm G7 và Liên minh châu Âu đã đẩy mạnh trừng phạt thương mại với các mặt hàng có xuất xứ từ Nga sau xung đột tại Ukraine - Ảnh minh hoạ. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Tối huệ quốc (Most Favoured Nation hay MFN) là một trong những quy chế pháp lý quan trọng trong thương mại quốc tế hiện đại, và nguyên tắc nền tảng của hệ thống thương mại đa phương của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Theo đó, 164 thành viên của WTO cam kết đối xử bình đẳng với các thành viên khác để tất cả đều có thể hưởng lợi từ mức thuế thấp nhất, hạn ngạch nhập khẩu cao nhất và ít rào cản thương mại nhất đối với hàng hóa và dịch vụ của nhau.

Tuy nhiên, cũng có ngoại lệ như khi các thành viên thực hiện các hiệp định thương mại song phương, hoặc khi họ cho phép các nước đang phát triển tiếp cận đặc biệt thị trường của mình.

Đối với các nước ngoài WTO, các thành viên WTO có thể áp đặt bất kỳ biện pháp thương mại nào họ muốn mà không phải tuân theo quy tắc thương mại toàn cầu.

Ngoài ra, rút quy chế tối huệ quốc là quyết định đơn phương, đồng thời cho phép các nước áp đặt biện pháp trừng phạt thương mại bổ sung như tăng thuế hoặc hạn chế thương mại khác.

Ấn Độ từng đình chỉ quy chế MFN của Pakistan năm 2019 sau khi một nhóm Hồi giáo từ Pakistan đánh bom liều chết, khiến 40 cảnh sát thiệt mạng. Ngược lại, Pakistan chưa bao giờ áp dụng quy chế MFN cho Ấn Độ.

Trong trường hợp của Nga, việc tước bỏ quy chế tối huệ quốc của nước này mở đường cho Mỹ và các đồng minh áp đặt thuế quan đối với hàng hóa của xứ bạch dương. Tuy nhiên, tác động thực chất của hành động này tới Nga là không nhiều.

AP cho rằng với Mỹ, hành động này chỉ phần nhiều mang tính chất biểu tượng. Bởi lẽ, lệnh cấm trước đó của chính quyền Tổng thống Joe Biden với dầu, khí đốt và than nhập khẩu Nga đã loại bỏ tới 60% các mặt hàng nhập khẩu từ xứ bạch dương tới Mỹ.

Theo số liệu của Nhà Trắng, các mặt hàng chịu tác động từ quyết định của Mỹ chỉ mang lại doanh thu khoảng 1 tỷ USD cho Nga. Thống kê liên bang Mỹ cũng cho thấy doanh nghiệp Nga cung cấp chưa tới 1% sản lượng vodka nhập khẩu và 2% tổng lượng nhập khẩu thuỷ sản của Mỹ tính theo khối lượng.

Hiện Mỹ chủ yếu nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên từ Nga (dầu, palladium, rhodium, uranium và bạc thỏi) với các mức thuế thấp hoặc không thuế, bên cạnh các sản phẩm hoá chất và thép bán thành phẩm, ván ép, đạn và vỏ đạn của Nga.

Theo ông Ed Gresser, Giám đốc thương mại và thị trường toàn cầu tại Viện Chính sách cấp tiến (Mỹ), hàng hoá từ Nga chủ yếu là tài nguyên thiên nhiên nên sẽ ít hoặc không bị tăng thuế dù không có quy chế tối huệ quốc.

Song quyết định của Liên minh châu Âu (EU) về rút quy chế tối huệ quốc với Nga lại khác.

EU là đối tác thương mại quan trọng của Nga. Theo Văn phòng thống kê châu Âu (Eurostat), kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của EU từ Nga đạt 145 tỷ Euro (158,7 tỷ USD) trong năm 2019 dầu và khí đốt chiếm 101 tỷ Euro (111,40 tỷ USD).

Đồng thời, EU cũng đã áp đặt lệnh cấm nhập khẩu thép thành phẩm Nga, cũng như cấm xuất khẩu một số mặt hàng xa xỉ như rượu, oto, hàng điện tử sang Nga.

Trong khi đó, bên cạnh hủy quy chế tối huệ quốc của Nga, Nhật Bản sẽ phối hợp với G7 để ngăn xứ bạch dương khai thác các khoản vay từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các tổ chức khác.

Thủ tướng Kishida Fumio cho biết Tokyo sẽ mở rộng phạm vi đóng băng tài sản với giới tinh hoa Moscow và cấm nhập khẩu một số sản phẩm.

Trước đó, Nhật Bản cũng đã áp lệnh trừng phạt Nga về chip điện tử và thiết bị công nghệ cao.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Đằng sau chuyện Nga bị tước quy chế tối huệ quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO