Dân công sở quay cuồng cùng bão giá

Thủy Nguyên| 07/06/2022 19:00

Xăng lại bước vào đợt tăng giá mới kéo theo loạt hàng hóa được đà “té nước theo mưa”, tăng theo trên mọi mặt trận. Không chỉ người dân lao động phổ thông kêu trời, dân công sở cũng quay cuồng không kém trong cơn bão giá.

Đi chợ mùa “xăng tăng”

Sau đợt xăng tăng lên chạm mốc 30 ngàn/ lít, hiện giá xăng đã qua thêm vài lần điều chỉnh và vượt con số 31.570 đồng/ lít. Xăng tăng kéo theo giá cả hàng hóa sinh hoạt cũng đều tăng theo, người tiêu dùng mệt mỏi thắt chặt hầu bao, xoay sở chi tiêu chật vật thời lạm phát. Có dạo một vòng quanh các siêu thị và chợ dân sinh mới biết giá cả hầu như đã tăng 20 -30% so với trước.

Chị Hồng Phương (36 tuổi, nhân viên văn phòng) vừa xếp thực phẩm lên quầy tính tiền vừa lắc đầu ngao ngán: “Trước đây đi chợ cả nhà tính ra khoảng 150 ngàn cho 4 người, bây giờ gần 200 ngàn mới đủ. Thứ gì cũng tăng!”. Cũng theo lời chị Phương, những nhân viên văn phòng như chị còn chật vật trong bài toán bão giá, công nhân lương vài ba triệu đồng “không biết họ đi chợ ra sao!”.

163_1r3a9303.jpg
Giá cả thi nhau leo thang khiến chị em đau đầu bài toán chi tiêu hiệu quả cho gia đình.

Cũng chuyện mua sắm chi tiêu thời giá cả leo thang, chị Ngọc Anh (34 tuổi, nhân viên công ty sự kiện) kể lể cùng đồng nghiệp: “Đi chợ mà ngỡ ngàng. Chai dầu ăn 5l trước đây mua 210 ngàn giờ đã tăng lên 290 ngàn. Gạo, đường, mắm, muối… thứ nào cũng lên giá.”. Nghe vậy, một đồng nghiệp khác tiếp lời: “Nói đâu xa xôi, bó rau muống mới trước đây mua 5 ngàn, xăng tăng đợt trước lên giá 10 ngàn, nay lại lên 15 – 20 ngàn. Tăng mấy vẫn phải mua vì thực phẩm là thiết yếu, đâu có nhịn được!”.

Giá cả leo thang, tiền lương vẫn vậy trong khi đối diện với bao nhiêu khoản chi: tiền chợ, tiền học con, tiền điện nước, tiền sinh hoạt,… khiến cánh chị em càng thêm đau đầu. Nhiều người đã phải tìm cách tính toán lại bài toán chi tiêu cho phù hợp với hoàn cảnh mới.

Những bữa ăn trưa thời bão giá của dân công sở

Đồng lương không cao, việc tăng thu nhập cũng không phải điều dễ dàng trong giai đoạn hiện nay với dân công sở. Nhiều chị em văn phòng đã nhanh chóng tìm cách dễ thực hiện nhất - thắt chặt lại chi tiêu, cắt giảm những hạng mục không cần thiết. Nhiều người chọn mang cơm trưa đi làm để đỡ phần nào chi phí.

photo-2-1530259969935587828873.jpg
Nhiều người chọn mang cơm trưa đi làm như một cách cắt giảm chi phí.

Những ngày này, trong giờ nghỉ trưa thay vì kéo nhau ra quán như trước đây, Ngọc Hân (28 tuổi, nhân viên truyền thông) lại cùng cánh chị em đồng nghiệp tụ tập mang đồ ăn trưa ra ăn cùng nhau. “Mỗi người chuẩn bị một món dư ra xíu để ăn cùng nhau cho vui. Vừa giảm chi phí vừa đỡ đi lại vì mùa này hay mưa nên lười ra ngoài lắm!”, Hân nói.

Tại một văn phòng khác, chị Phương Mai (33 tuổi, nhân viên thiết kế) lại đã làm quen cùng việc nấu buổi trưa cùng đồng nghiệp được 2 năm. Cả bộ phận chỉ 8 người nên mọi người rủ nhau đóng tiền và nấu cơm chung ăn. Viêc đi chợ và bếp núc giao cho 2 chị khéo nhất nhóm đạo diễn. Mỗi người đóng chỉ 30 ngàn đồng nhưng trưa nào cũng cơm canh đầy đủ, sạch sẽ ngon lành.

Nhiều công ty còn trang bị cả bếp, lò vi sóng và khu ăn uống cho nhân viên. Giờ ăn trưa vì vậy cũng tấp nập không kém với muôn chuyện “trên trời dưới bể”. Không chỉ chị em phụ nữ, nhiều cánh đàn ông cũng được vợ chuẩn bị cơm trưa và không ngần ngại ngồi ăn cùng đồng nghiệp.

Tăng cường đi xe buýt, xe đạp

Xăng tăng ảnh hưởng trước nhất đến chuyện đi lại. Với những chị em công sở đi làm xa nhà, ngoài những trường hợp bất khả kháng phải di chuyển nhiều, nhiều người đã bắt đầu thay đổi bằng cách chọn xe buýt làm phương tiện di chuyển. Chị Minh Huyền, 30 tuổi, nhân viên công ty xây dựng cho biết chị đã chuyển sang đi xe buýt từ sau giãn cách đến nay. “Nhà cách chỗ làm đến 15km nên di chuyển xe máy rất cực, nhất là những hôm mưa gió. Xăng thì tăng mấy lần, đi lại tốn kém. Ngồi xe buýt vừa nhanh vừa an toàn, trên xe còn tranh thủ thư giãn đọc sách, nghe nhạc. Vé xe buýt cũng chỉ mất 7 ngàn/ lượt. Một ngày đi- về mất 14 ngàn. Quá rẻ!”, chị Huyền phân tích.

0_uk-in-fourth-week-of-coronavirus-lockdown-as-death-toll-exceeds-10000.jpg
Di chuyển xe buýt vừa giúp tiết kiệm chi phí di chuyển vừa có thêm thời gian nghe nhạc, đọc sách.

Cũng tính toán như chị Minh Huyền, nhiều gia đình còn ưu tiên di chuyển xe đạp ở những cự li gần. Chị Hương (35 tuổi, ngụ Q.3, TP. HCM) cho biết đã cho con trai 12 tuổi chạy xe đạp đi học cách trường 2 km thay vì ba mẹ đưa đón như trước. Chị nói trước đây cứ sẵn xe là cho con leo lên cho nhanh nhưng giờ ba mẹ thống nhất cho con đi xe đạp rèn sức khỏe, ba mẹ cũng đỡ công đưa đón.

Muôn vàn khó khăn giữa mê hồn trận giá cả trong cơn bão lạm phát thế nhưng cánh chị em công sở vẫn rất lạc quan tìm cách thích nghi. Không chỉ nấu cơm trưa mang theo, đi xe buýt, chỉ nhau những mẹo mua sắm tiết kiệm, nhiều chị em còn mách nhau cách thanh lí đồ để kiếm thêm hoặc kinh doanh thêm thu nhập. Những cách xoay chuyển linh hoạt nhằm chi tiêu hợp lí, tiết kiệm thông minh trong giai đoạn này càng trở nên cần thiết và được chị em công sở áp dụng khéo léo.

“Lạm phát nhưng ai cũng cần phải sống nên buộc phải thích nghi thôi. Dân công sở còn may mắn hơn công nhân, người lao động buôn gánh bán bưng ngoài đường. Mình “khéo co thì ấm” phải tự tính toán mà tìm cách cho phù hợp thôi!”, chị Huyền chia sẻ.

Bài liên quan
Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Dân công sở quay cuồng cùng bão giá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO