1. Đả kích để con tiến bộ
Có một thực tế trong việc giáo dục gia đình là, nhiều bố mẹ thích áp dụng phương pháp đả kích con cái để hi vọng con lấy đó làm động lực học tập.
Nhưng thật sai lầm vì kiểu đả kích này chẳng giúp gì được cho con cái mà còn ảnh hưởng xấu đến tâm lý trẻ.
Nhiều bậc phụ huynh chỉ biết chê bai, càm ràm con cái mà chẳng bao giờ dành tặng chúng được một lời khen.
Họ cho rằng giáo dục theo cách này là quản giáo nghiêm ngặt còn việc khen ngợi, cổ vũ sẽ khiến năng lực phản kháng của trẻ trở nên yếu đi, sau này chẳng làm nổi việc gì.
Nhưng thực tế không phải vậy. Việc bố mẹ đả kích, phủ nhận con cái không chỉ không phát huy tác dụng trong việc giáo dục con cái mà còn khiến trẻ tệ hơn, thậm chí có thể hủy hoại cả đời con.
Một đứa trẻ bị đả kích trường kỳ tâm lý sẽ trở nên yếu đuối, khi cảm xúc bị đè nén đến một mức độ nào đó, trẻ sẽ làm ra những việc cực đoan.
Vì thế, các bậc phụ huynh hãy dừng ngay việc chê bai, đả kích con lại, khen con nhiều hơn một chút, cổ vũ, động viên, như thế con trẻ mới có thể tiến bộ hơn.
Có một thực tế trong việc giáo dục gia đình là, nhiều bố mẹ thích áp dụng phương pháp đả kích con cái để hi vọng con lấy đó làm động lực học tập. Ảnh minh họa
2. Chiều chuộng con cái quá mức
Chiều chuộng con quá mức là cách nuôi dạy nguy hại đối với sự phát triển của trẻ.
Mặc dù kinh tế các gia đình ngày nay đều ở mức tương đối tốt, có thể đáp ứng mọi nhu cầu của con. Tuy nhiên, mọi thứ cần có chừng mực, không nên đáp ứng đòi hỏi của trẻ vô điều kiện.
Nếu những đứa trẻ được nuông chiều quá mức, đòi gì được nấy sẽ hình thành tâm lý coi thường món quà của người khác.
Trẻ sẽ trở nên tự cao tự đại và thiếu tính độc lập. Bởi vậy, bố mẹ chỉ nên đáp ứng những yêu cầu hợp lý của con.
Đối với những yêu cầu vô lý, bố mẹ hãy khéo léo từ chối, điều này cần sự kiên quyết. Khi từ chối, hãy nhẹ nhàng giải thích cho con hiểu lý do, thay vì lảng tránh vấn đề bằng sự tức giận. Đồng thời, hãy hướng dẫn trẻ khả năng phán đoán và đánh giá vấn đề.
Chẳng hạn như nếu trẻ đòi mua iPad đắt tiền trong khi iPad cũ vẫn sử dụng tốt, bố mẹ cần phân tích cho con hiểu: Chiếc iPad cũ còn đáp ứng nhu cầu học tập và giải trí không, còn hoạt động tốt không? Nếu mua iPad mới sẽ tốn bao nhiêu tiền, có thật sự cần thiết?
3. Ép con học
Cha mẹ nào cũng đều mong con mình giỏi giang, thành công. Ngay từ nhỏ, một số đứa trẻ bị cha mẹ thúc ép học suốt ngày đêm.
Trẻ không được phép dùng điện thoại, xem TV, đi chơi, chỉ tập trung vào mỗi chuyện học.
Theo thời gian, trẻ có xu hướng ít nói hơn, lầm lì, kết quả học tập giảm sút, tinh thần luôn căng thẳng, mệt mỏi.
Một đứa trẻ suốt ngày chỉ biết học, không được phép làm bất kỳ điều gì khác, sức khoẻ về thể chất và tinh thần của chúng sẽ dần chạm đáy.
4. Kiểm soát cuộc sống của con
Có một tập phim được nhiều đứa trẻ đánh giá còn đáng sợ hơn cả phim kinh dị: "Chiếc điều khiển từ xa của mẹ" – một tập phim thuộc series "Con của bạn không phải là con của bạn".
Trong tập phim, mối quan hệ mẹ - con bị bóp méo bởi hệ thống bài kiểm tra chạy theo điểm số, phụ huynh xem đó là giá trị duy nhất của thành công mà phớt lờ sự khác biệt của cá nhân.
Đôi khi, phim không chỉ là phim, đây là những vấn đề đã và đang tồn tại thực sự và ai cũng dễ dàng nhận thấy xung quanh mình.
Thoạt nhìn, Pei-wei có một cuộc sống bao nhiêu bạn nhỏ mơ ước. Dù thiếu cha nhưng bà Chen, mẹ Pei-wei chưa bao giờ để con thiếu thốn bất cứ thứ gì.
Sai lầm đến từ một lần, khi để có thể tham gia chuyến tốt du lịch tốt nghiệp, Pei-wei đã sưu tập cả bộ dấu mộc từ các thầy cô trong trường để làm giả bảng điểm cao. Phát hiện ra việc làm của con, bà Chen cảm thấy suy sụp.
Và rồi, cuộc gặp gỡ "định mệnh" với người đàn ông bí ẩn cùng chiếc điều khiển từ xa đã cuốn bà Chen vào những mộng tưởng về việc "điều khiển" cuộc sống con trai đi theo kỳ vọng của bản thân mình.
Những ngày sau đó, Pei-wei bàng hoàng nhận ra ngày nào của mình cũng là thứ 4, ngày 7/6. Cuộc sống của Pei-wei, thì ra, đã bị mẹ dùng chiếc điều khiển "tua đi tua lại" chỉ để cậu bé phải nói sự thật về các dấu mộc.
Bà Chen tin rằng chỉ cần cho con cơ hội sửa sai, Pei-wei có thể học cách trung thực; chỉ cần liên tục lặp lại số ngày học 1 bài học, điểm của Pei-wei có thể ngày càng nâng cao.
Bà từ chối cho con tham gia chuyến đi tốt nghiệp 3 ngày chỉ có 1 lần trong đời để con tập trung học.
Mọi chuyện dần đi quá xa để rồi khi bà Chen không chấp nhận mối tình đầu của Pei-wei cùng Tiểu Lan và quyết định bấm nút xóa cô bé khỏi cuộc sống con trai mình mãi mãi, Pei-wei đã suy sụp và tìm đến cái chết nhiều lần.
Tuy nhiên, chiếc điều khiển ấy lại giúp mẹ cậu "sửa sai" và cứu cậu trở về cuộc sống. Pei-wei từng tuyệt vọng thốt lên: "Mẹ ơi, con còn phải chết bao nhiêu lần nữa?".
Pei-wei lớn lên trong tuyệt vọng, và như mẹ mình mong muốn, có một sự nghiệp thành công và một người bạn gái, nhưng bà Chen đã giúp anh sắp xếp một bữa mai mối khác. Pei-wei không thể thoát khỏi bóng ma quá khứ. Cậu phá vỡ chiếc điều khiển và kết thúc cuộc đời bị kiểm soát đầy nặng nề của mình.
Người con đã trở thành "con rối" của mẹ và trở thành đứa con "ngoan ngoãn", "hợp lý" và "xuất sắc" trong mắt mẹ, mãi mãi sống dưới bóng mẹ.
Bộ phim này khiến người ta ớn lạnh sống lưng. Tình yêu như vậy thật chán nản và ngột ngạt. Đáng tiếc, người mẹ luôn dùng cách riêng của mình để khống chế con, phớt lờ nhu cầu nội tâm của con, thậm chí còn muốn kiểm soát con mình đến hết cuộc đời.
Trên thực tế, có vô số bậc cha mẹ nắm quyền kiểm soát cuộc sống từ xa như vậy. Họ đã vô tình phủ bóng đen lớn lên cuộc đời con cái bằng lời nói và hành động của mình.
Trên thực tế, có vô số bậc cha mẹ nắm quyền kiểm soát cuộc sống của con. Ảnh minh họa
5. Không trung thực trong lời nói và hành động
Bố mẹ là người gần gũi với con nhất nên trẻ có xu hướng bắt chước lời nói và hành động.
Trong thế giới của người lớn, đôi khi việc nói dối là điều bình thường, giúp "chữa cháy" trong một số trường hợp khẩn.
Nhưng nếu bố mẹ thường xuyên nói dối trước mặt con sẽ gây nguy hại cho sự phát triển của trẻ:
- Bố mẹ nói dối thường xuyên ảnh hưởng đến nhân cách của trẻ.
- Làm mất uy tín, hủy hoại hình ảnh bản thân, khó có được những người bạn chân chính.
Là bố mẹ, bất kể trong tình huống nào cũng cần làm gương sáng cho con. Hãy luôn là tấm gương đáng tin cậy, trung thực, mẫu mực để trẻ noi theo.
Trong quá trình nuôi dạy con, nếu phát hiện ra trẻ nói dối, bố mẹ cần nghiêm minh xử phạt để trẻ hiểu đây là thói quen tệ hại.
Tuy nhiên, sau khi sự việc kết thúc, bố mẹ không chỉ cần giáo dục mà còn cần quan tâm, an ủi để con thấu hiểu.
6. Làm thay hết mọi thứ cho con
Khi trẻ được cha mẹ làm hết cho mọi thứ, chúng thường không được dạy cách tự chăm sóc bản thân.
Sau khi ăn xong, con muốn giúp mẹ dọn bát đĩa nhưng người mẹ lại nói: "Con đừng có đụng vào, để mẹ tự làm, khéo con làm vỡ bát đĩa nữa".
Thấy mẹ đang dọn dẹp, con cũng chạy tới muốn phụ mẹ quét nhà. Mẹ thấy vậy liền giật lấy cây chổi nói: "Thôi con đi chơi đi, mẹ không cần con giúp đâu".
Trên thực tế, việc cha mẹ từ chối sự giúp đỡ của con thường là do họ không tin tưởng vào khả năng của con mình.
Điều này không chỉ dễ làm tổn hại đến sự tự tin của trẻ mà còn không có lợi cho việc nuôi dưỡng khả năng tự chăm sóc bản thân và khiến trẻ hình thành thói quen ỷ lại.
Khi trẻ sẵn sàng chủ động làm một việc gì đó, cha mẹ nên hỗ trợ, động viên nhiều hơn. Ngay cả khi trẻ làm không tốt hoặc thậm chí làm lộn xộn, bạn vẫn nên khuyến khích trẻ làm tốt hơn vào lần sau.
Theo Gia Đình & Xã Hội