Cứu hộ sạt lở Rào Trăng 3: Mệnh lệnh từ trái tim người lính

15/02/2021 07:19

Hiểm nguy thường trực nhưng với những người lính chúng tôi, cứu người là mệnh lệnh của trái tim.

Nhiệm vụ ngoài "kế hoạch tác chiến”

Khoảng 12h ngày 12/10/2020, lãnh đạo UBND tỉnh TT-Huế nhận được tin báo của người dân về việc tại khu nhà điều hành của thủy điện Rào Trăng 3 (xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, TT-Huế) xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng.

Cứu hộ sạt lở Rào Trăng 3: Mệnh lệnh từ trái tim người lính
Sạt lở kép Rào Trăng 3 từng khiến Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Phan Ngọc Thọ phải thốt lên: 'Điều tội tệ nhất đã xảy ra'

Một số công nhân đã băng rừng chạy về tránh trú tại thủy điện Rào Trăng 4 nhưng 17 công nhân không kịp thoát thân, bị đất đá vùi lấp.

Một tiếng đồng hồ sau khi nhận được chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Trung tướng Nguyễn Văn Man - Phó Tư lệnh Quân khu 4, Bộ CHQS tỉnh TT-Huế lập tức huy động cán bộ, chiến sĩ với sự hỗ trợ của 3 xe ô tô, 2 xe thiết giáp tức tốc tiếp cận hiện trường, tham gia công tác cứu hộ.

“Đây là nhiệm vụ khó, nằm ngoài kế hoạch tác chiến, không nằm trong kế hoạch PCTT-TKCN của đơn vị nên chưa có phương án cứu hộ cụ thể.

Tuy nhiên, toàn lực lượng xác định đã tiến là không lùi, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Quân khu 4, chúng tôi tranh thủ tối đa mọi nguồn lực, chạy đua với thời gian, thời tiết để tức tốc cứu người”, Trung tá Phan Thắng – Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh TT-Huế chia sẻ.

Cứu hộ sạt lở Rào Trăng 3: Mệnh lệnh từ trái tim người lính
Trung tá Phan Thắng (thứ 2 bên phải) trực tiếp chỉ huy cứu nạn Rào Trăng 3.

14h30 ngày 12/10, men theo tuyến đường Tỉnh lộ 71, đoàn công tác bắt đầu cơ động vào hiện trường thủy điện Rào Trăng.

Đến khoảng 15h cùng ngày, đoàn cứu hộ đến đập tràn Khe Cát (cách hiện trường sạt lở khoảng 10km) thì bất ngờ gặp nước lũ ngập sâu, chảy xiết, 6 người quay lại, 21 người (trong đó có tướng Man) tiếp tục vượt dòng lũ, cơ động vào hiện trường.

“Tuy nhiên, điều không may mắn đã xảy ra. Khoảng 0h05 rạng sáng 13/10, khi đoàn cứu hộ đang nghỉ chân tại Trạm bảo vệ rừng 67, bất ngờ nước lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về. Tám đồng chí trong đoàn may mắn thoát nạn còn Trung tướng Nguyễn Văn Man và 11 người khác không may bị đất đá sạt lở vùi lấp, hy sinh.

Khó khăn lại chồng chất khó khăn”, Trung tá Phan Thắng nhớ lại.

Những phút giây “lặng người”

“Điều tồi tệ nhất đã xảy ra” – ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế thốt lên nghẹn ngào sau khi nhận tin đoàn công tác của tướng Man gặp nạn trên đường vào cứu hộ các công nhân bị đất đá vùi lấp.

Cứu hộ sạt lở Rào Trăng 3: Mệnh lệnh từ trái tim người lính
Các lực lượng cứu hộ bất chấp hiểm nguy, gian khổ, tìm kiếm các công nhân Rào Trăng 3 gặp nạn.

Những ngày sau đó, người dân tỉnh TT-Huế nói chung, cả nước nói riêng nóng lòng ngóng tin, chờ đợi những điều kỳ diệu xảy ra đối với 13 cán bộ chiến sĩ trong đoàn cứu hộ và số phận của 17 công nhân thủy điện Rào Trăng mất tích.

“Tuy nhiên, phép màu đã không xảy ra. Sau khi huy động mọi nguồn lực để khơi thông tuyến đường 71, tìm đến hiện trường Trạm bảo vệ rừng 67, lực lượng cứu nạn tìm thấy thi thể của 13 cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh”, Trung tá Phan Thắng nghẹn ngào nhớ lại.

Cũng theo Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh TT-Huế, thời điểm xảy ra vụ vụ sạt lở kép, do ảnh hưởng của mưa bão nên thời tiết tại tỉnh TT-Huế diễn biến phức tạp. Đặc biệt, tuyến đường 71 dẫn vào hiện trường bị đồi núi sạt lở, chia cắt nghiêm trọng, hệ thống thông tin liên lạc từ trung tâm xã Phong Xuân kết nối vào hiện trường bị cắt đứt.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Quân khu 4, lãnh đạo tỉnh TT-Huế, các lực lượng cứu hộ thuộc Bộ CHQS tỉnh TT-Huế đã phối hợp với các đơn vị khác, chạy đua với thời gian và thời tiết khốc liệt để thực hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn nạn nhân gặp nạn.

“Hiểm nguy, khó khăn luôn thường trực nhưng với những người lính như chúng tôi, cứu người là mệnh lệnh của trái tim.

Cũng có những phút giây, lực lượng cứu hộ tại hiện trường phải “lặng người” khi chứng kiến sự thật đau thương”, Trung tá Thắng nhấn mạnh.

Kể với VietNamNet như câu chuyện vừa mới diễn ra ngày hôm qua, Trung tá Phan Thắng cho biết, đó là khoảnh khắc đoàn cứu hộ tìm thấy thi thể cuối cùng trong đoàn cán bộ hy sinh: Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng – Phó trưởng phòng Tác chiến Quân khu 4

“Khoảng 18h ngày 15/10, từ Tư lệnh chỉ huy hiện trường đến lãnh đạo tỉnh, các lực lượng cứu hộ lặng người lau vội những giọt nước mắt khi tìm thấy thi thể cuối cùng trong đoàn cán bộ gặp nạn.

Công tác cứu hộ tiếp tục bước qua nhiệm vụ mới với nhiều khó khăn, vất vả hơn. Bởi cách Trạm bảo vệ rừng 67 không xa, 17 công nhân gặp nạn vẫn đang chờ chúng tôi đến”, Phó Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh TT-Huế kể lại khoảnh khắc đau thương.

Cứu hộ sạt lở Rào Trăng 3: Mệnh lệnh từ trái tim người lính
Thảm họa sạt lở Rào Trăng 3 khiến nhiều người đau lòng.

Đã hơn 4 tháng xảy ra thảm họa sạt lở Rào Trăng 3, chính quyền địa phương, những người lính tham gia công tác cứu hộ nơi đây dường như chung một ý chí, chôn chặt những đau thương, mất mát trong lòng, nỗ lực hết sức để tìm kiếm những công nhân mất tích còn lại.

Tuy nhiên, điều khiến lãnh đạo tỉnh TT-Huế, Bộ CHQS tỉnh, cá nhân ông Thắng và hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng tham gia cứu hộ vẫn còn đau đáu là, trong hơn 4 tháng xảy ra vụ việc, mặc dù đã huy động 7.654 lượt người, gần 2.000 lượt phương tiện…và hàng chục phương án tìm kiếm nhưng đến nay, lực lượng chức năng mới chỉ tìm thấy 6/17 thi thể công nhân gặp nạn mất tích.

“Chúng tôi hiểu cảm giác mong ngóng, chờ đợi của thân nhân những công nhân còn đang mất tích. Chúng tôi đang nỗ lực hết mình để bước sáng giai đoạn 4 của cuộc tìm kiếm. Bằng mọi cách phải tìm kiếm được các công nhân – đó là mệnh lệnh chung giành cho lực lượng cứu hộ Rào Trăng 3 trong gia đoạn tiếp theo”, Trung tá Phan Thắng nhấn mạnh.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cứu hộ sạt lở Rào Trăng 3: Mệnh lệnh từ trái tim người lính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO