Cuộc thi KHKT đừng 'cố đấm ăn xôi', nên trả lại sân chơi cho học sinh

07/04/2021 11:45

Cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia bản chất vốn là sân chơi của học sinh. Nhưng ở đâu đó, nó đã bị biến tướng do có bàn tay của người lớn can thiệp.

Cuộc thi KHKT đừng cố đấm ăn xôi, nên trả lại sân chơi cho học sinh - 1

Dự án xe đạp cải tiến có thể đi trên nước của Trường THCS Đông Bình, huyện Thới Lai dự thi cấp thành phố (Ảnh: Báo Cần Thơ)

"Cố đấm ăn xôi"

Năm 2019, ngọn lửa âm ỉ đã bùng phát khi phụ huynh thí sinh ở Hải Phòng làm đơn tố một số đề tài đoạt giải nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia chất lượng có vấn đề.

Theo những phụ huynh này, có tới 5/15 giải nhất không sáng tạo, có ý tưởng và giải pháp trùng lặp với kết quả nghiên cứu của các đề tài khoa học chuyên sâu trong và ngoài nước.

Ngay trong năm đó, nhiều ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT nên bỏ cuộc thi hoặc bỏ quy định xét tuyển thẳng thí sinh đoạt giải vào ĐH. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT chỉ nêu quan điểm tiếp thu ý kiến của dư luận.

Sự "cố đấm ăn xôi" này một lần nữa lại được dịp để cho những ồn ào xuất hiện. Năm nay, dư luận cũng không khỏi băn khoăn khi đề tài đoạt giải nhất cấp quốc gia của học sinh Ninh Bình có tên tương tự như một đề tài đã tham gia thi năm 2019.

Điều đáng nói hơn, hai đề tài này đều đến từ trường THPT Hoa Lư A, Ninh Bình và cùng một giáo viên hướng dẫn.  Bộ GD&ĐT đã yêu cầu sở GD&ĐT Ninh Bình báo cáo.

Theo báo cáo này thì mặc dù có tên gần giống nhau, nhưng vấn đề được nghiên cứu, giải quyết là khác nhau. Có lẽ vì vậy nên dư luận không khỏi ngạc nhiên khi năm nào những đề tài được giải cũng là chữa ung thư, cánh tay robot.

 "Sân chơi" nhưng lại không khuyến khích người chơi

Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia thực hiện qua 9 năm. Từ năm 2019 trở về trước, theo quy định của Bộ GD&ĐT, mỗi đơn vị dự thi được cử không quá 6 dự án dự thi cấp quốc gia.

Tuy nhiên, sau một số ồn ào từ giải thưởng cuộc thi này, từ năm học 2019 - 2020, Bộ GD&ĐT rút xuống chỉ cho phép mỗi đơn vị dự thi được cử tối đa 2 dự án, riêng Hà Nội, TP.HCM và đơn vị đăng cai được cử tối đa 4 dự án.

Do vậy, tiếng là sân chơi nhưng lại không khuyến khích người chơi một cách thoải mái. Cũng vì hạn chế số lượng nên có tâm lý là phải những dự án thật hoành tráng mới xứng tầm đi thi.

Đây cũng là nguyên nhân khiến tên các đề tài dự thi và đoạt giải mấy năm gần đây toàn là những đề tài "khủng" mà ngay cả những nhà khoa học nghe qua cũng... giật mình.

Cuộc thi KHKT đừng cố đấm ăn xôi, nên trả lại sân chơi cho học sinh - 2

Cuộc thi Khoa học cấp quốc gia năm 2019 - 2020

Con dao hai lưỡi

Không ít dự án nghe rất quen tai đối với các trường ĐH. Theo quy chế cuộc thi, Bộ GD&ĐT cho phép: "Dự án dự thi có thể có thêm nhà khoa học chuyên ngành thuộc các trường ĐH, viện nghiên cứu, cơ sở khoa học công nghệ (có thể là cha, mẹ, người thân của HS) hướng dẫn".

Quy định này giống như con dao hai lưỡi. Một mặt học sinh được trải nghiệm, tham gia môi trường nghiên cứu khoa học. Thậm chí ngay cả giáo viên phổ thông  với vai trò bảo trợ cũng một lần nữa được tập huấn, được "học" phương pháp nghiên cứu.

Nhưng mặt tối của nó mà khiến nhiều người băn khoăn đó là sân chơi này đã không còn dành riêng cho học sinh. Có một tiến sĩ ở trường ĐH lớn tại Hà Nội từng tiết lộ có không ít giáo viên trường phổ thông đặt vấn đề về việc hướng dẫn nghiên cứu khoa học cho học sinh. Nếu được giải sẽ có kinh phí hỗ trợ.

Từ những lời mời đó, vị tiến sĩ mới tìm hiểu các đề tài của học sinh đã tham gia dự thi những năm vừa qua. Có những đề tài ông không khỏi choáng váng khi chỉ có những siêu máy tính ở nước ngoài mới cho ra được kết quả nghiên cứu.

Học sinh được giải Khoa học kỹ thuật quốc gia, quốc tế  không chỉ mang về thành tích cho trường, cho giáo viên mà bản thân sẽ có tấm vé vào thẳng ĐH. Do được vào thẳng ĐH mà đôi khi trong nhóm nghiên cứu nào đó xuất hiện những thí sinh "chân gỗ". Đây là nguyên nhân dẫn đến những ồn ào về cuộc thi này bấy lâu nay.

Mong muốn cuộc thi thực sự là "sân chơi" của học sinh

Những biến tướng từ sân chơi dành cho học sinh, sinh viên không phải là ít. Chuyện Sở GD&ĐT Hà Nội  quyết định bỏ điểm cộng ưu tiên, tuyển thẳng học sinh đoạt giải vào lớp 10 đã cho thấy điều đó.

Hiện nay ý kiến bỏ cuộc thi khoa học kỹ thuật đang áp đảo so với ý kiến muốn "giữ".

Tuy nhiên, vẫn có người mong muốn cuộc thi được duy trì nhưng phải là sân chơi thật sự của học sinh chứ không phải của người lớn.

Khi nào cuộc thi vẫn còn là sân chơi của trường để lấy thành tích, của phụ huynh lấy vé vào đại học cho con thì khi ấy sẽ vắng dần những học trò đam mê khoa học thật sự và dư luận sẽ quay lưng.

Ngược lại, nếu cuộc thi thực chất và bổ ích, là nơi để học sinh thi thố và sáng tạo cùng nhau thì khi ấy dư luận chắc chắn sẽ ủng hộ hết mình, chứ không lên tiếng đòi bỏ như hiện nay.

Nó giống như câu chuyện sân chơi Robocon Châu Á Thái Bình Dương dành cho sinh viên  thời gian trước đây. Những năm đầu, đây là nơi những sinh viên ngành kỹ thuật của các trường ĐH trong cả nước thỏa sức sáng tạo những chú robot với chi phí khiêm tốn.

Dạo ấy, sinh viên ăn ngủ ở trường, đục đẽo những vật liệu tận dụng đâu đó hay mua ở chợ về để hì hục làm robot đi thi. Cuộc thi hấp dẫn ở tính sáng tạo tràn đầy năng lượng của người trẻ và khó đoán kết quả.

Thế rồi sau đó, một trường ĐH tư thục đã đầu tư tiền tỉ để sinh viên trường lấy giải nhiều năm liền. Dần dần, sinh viên những trường mạnh về kỹ thuật như bách khoa, sư phạm kỹ thuật, bưu chính viễn thông, Học viện Kỹ thuật quân sự, ĐH Công nghiệp Hà Nội ... và cả khán giả cũng không còn mặn mà với cuộc thi này nữa. Sân chơi này đã thực sự biến mất trong lòng sinh viên cũng như người quan tâm.

Khi các sân chơi bị gắn một mục đích nào đó, thì thật khó để sân chơi đó thực sự là "chỗ chơi" của học sinh, sinh viên.

Mạc Doanh

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Cuộc thi KHKT đừng 'cố đấm ăn xôi', nên trả lại sân chơi cho học sinh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO