Cuộc chiến gần nửa thế kỷ với cây thuốc phiện ở Điện Biên

22/09/2022 23:00

Điện Biên - Vốn được coi là "thủ phủ" của cây thuốc phiện, tỉnh Điện Biên đã phải mất rất nhiều năm đấu tranh để xóa bỏ loại cây này. Tuy nhiên, đến nay, cuộc chiến với nạn trồng cây thuốc phiện vẫn chưa kết thúc...

Cuộc chiến gần nửa thế kỷ với cây thuốc phiện ở Điện Biên
Ở một số địa bàn vùng sâu, vùng xa, tình trạng lén lút trồng cây thuốc phiện vẫn diễn ra khó kiểm soát. Ảnh: CACC

Cuộc chiến cam go từ gần nửa thế kỷ trước 

Những năm 1970, phong trào trồng cây thuốc phiện rất phổ biến ở các huyện vùng cao, biên giới. Theo những người già kể lại, thuốc phiện phổ biến đến mức có thể đem đổi lấy trâu, bò, lợn, gà... thậm chí người ta thồ thuốc phiện bằng ngựa và thu tiền về cũng bằng... ngựa.

Khoảng những năm 1973, 1974, hầu hết các hộ dân ở xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa đều trồng cây thuốc phiện, thu nhựa và hạt bán để cho ngoại thương xuất khẩu. Vì canh tác thuốc phiện vốn là thế mạnh truyền đời của người Mông nên trồng cây thuốc phiện đem lại thu nhập cao đã thay đổi hoàn toàn lối canh tác ngô, khoai, sắn.

Trồng thuốc phiện để làm giàu, hút thuốc phiện "thay cơm" và ai cũng có thể hút thuốc phiện, từ người già đến thanh nhiên và cả phụ nữ. Chả mấy chốc, Sín Chải đếm vội cũng có hàng trăm con nghiện.

Đến những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, Nhà nước nhận thấy phải nhanh chóng loại bỏ hệ lụy từ cây thuốc phiện. Khi đó, ông Mùa A Sấu - một cán bộ người Mông được chọn là người "lĩnh ấn" tiên phong vận động dân phá nhổ cây thuốc phiện.

Ông Sấu cũng là một cán bộ đã giác ngộ cách mạng từ rất sớm và là người vô cùng đặc biệt.

Ông Mùa A Sấu.
Ông Mùa A Sấu. Ảnh: Văn Thành Chương

Năm 1949, khi mới 16 tuổi và không biết chữ, ông Mùa A Sấu đã tham gia lực lượng du kích Sín Chải với nhiệm vụ chủ yếu là đưa đường cho cán bộ và theo dõi địch. Khi Ðảng bộ huyện Tủa Chùa thành lập (năm 1954) Mùa A Sấu là Ủy viên Ủy ban Hành chính xã và mới quyết tâm đi học xóa mù.

Sau đó, ông lần lượt được cất nhắc qua các chức vụ: Trưởng ban Cán sự châu, Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, Bí thư Huyện ủy Tủa Chùa (khóa II, III, IV); Phó Chủ tịch UBND tỉnh rồi Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh...

Khi được giao nhiệm vụ vận động dân phá nhổ cây thuốc phiện, ông Sấu chọn quê hương mình - xã Sín Chải, huyện Tủa Chùa để làm nơi mở màn “tấn công” cây thuốc phiện, mặc dù biết nhiều người coi đây là "nhiệm vụ bất khả thi"...

Ông Mùa A Sấu trò chuyện với PV.
Ông Mùa A Sấu trò chuyện với PV.

Ông Sấu kể với PV Báo Lao Động, khi nhận nhiệm vụ “phá cây thuốc phiện không để một hạt rơi xuống đất” theo Nghị quyết 03 của tỉnh thì lập tức, ông trở thành “kẻ thù” của người dân.

"Ngày đó, người ta chửi tôi, họ "cúng Giàng" cho tôi chết" - ông Sấu vui vẻ nhớ lại.

Không lâu sau đó, xã Sín Chải nói riêng và huyện Tủa Chùa nói chung đã cơ bản phá nhổ được cây thuốc phiện.

Ông Mùa A Sấu tiếp tục đem những kinh nghiệm của mình đi giúp người dân ở các địa phương trong tỉnh. Tiếng lành đồn xa nên ông đã được mời về tỉnh Sơn La để chia sẻ và phổ biến kinh nghiệm...

Công an huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên bắt giữ đối tượng Vàng Thị Pa về hành vi trồng cây thuốc phiện trái phép. Ảnh: BĐBP
Công an huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên bắt giữ đối tượng Vàng Thị Pa về hành vi trồng cây thuốc phiện trái phép. Ảnh: BĐBP

Cuộc chiến vẫn chưa có hồi kết

Mặc dù cuộc chiến với cây thuốc phiện đã bắt đầu từ gần nửa thế kỷ trước, nhưng phải mất rất nhiều năm sau đó, cây thuốc phiện mới không còn được trồng phổ biến. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng trồng, tái trồng cây thuốc phiện vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn các bản vùng cao, biên giới...

Với sự vào cuộc tích cực và bền bỉ của nhiều lực lượng, tình trạng tái trồng cây thuốc phiện đã giảm. Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tái trồng cây thuốc phiện, đặc biệt là ở các huyện vùng cao, biên giới vẫn còn nhiều người nghiện ma túy.

Cùng với đó, một số người dân có hiểu biết hạn chế, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên lén lút trồng để sử dụng hoặc làm thảo dược...

Công an huyện Nậm Pồ phối hợp với Đồn Biên phòng Na Cô Sa (BĐBP tỉnh Điện Biên) phá nhổ diện tích trồng cây thuốc phiện trái phép. Ảnh: BĐPB
Công an huyện Nậm Pồ phối hợp với Đồn Biên phòng Na Cô Sa (BĐBP tỉnh Điện Biên) phá nhổ diện tích trồng cây thuốc phiện trái phép. Ảnh: BĐPB

Theo thống kê sơ bộ của lực lượng chức năng, trong 7 tháng đầu năm 2022 đã phát hiện, phá nhổ gần 8.000 cây thuốc phiện trồng trái phép tại các huyện: Điện Biên, Điện Biên Đông, Nậm Pồ, Tủa Chùa, Mường Ảng và Tuần Giáo. Đã làm rõ và xử lý 9 vụ, 9 đối tượng trồng cây thuốc phiện.

Đặc biệt, trong tháng 2.2022, Ðồn Biên phòng Na Cô Sa và Công an huyện Nậm Pồ đã phát hiện, bắt quả tang 2 vụ trồng với số lượng lên đến 5.000 cây thuốc phiện.

Cụ thể, Hờ A Cấu, trú tại bản Huổi Po, xã Na Cô Sa trồng tới hơn 3.200 cây thuốc phiện đang ra hoa; Vàng Thị Pa, trú tại bản Nậm Chẩn, xã Na Cô Sa trồng hơn 1.800 cây thuốc phiện...

Theo Trung tá Vũ Ðình Nghi - Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Ðiện Biên, cuộc chiến với nạn trồng cây thuốc phiện là cuộc chiến bền bỉ, không được lơ là, phải kiên trì và liên tục.

Lực lượng công an thường xuyên phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức tuần tra tại những địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới và đặc biệt tại những địa bàn đã từng xảy ra việc trồng cây thuốc phiện để khoanh vùng, nắm tình hình và phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

"Tuy nhiên, có nhiều trường hợp người dân trồng ở các khe núi rất sâu, phải đi cả ngày đường nên rất khó phát hiện. Cũng có trường hợp người dân trồng xen lẫn vườn rau cải ngay tại vườn nhưng khi cây còn nhỏ thì cũng rất khó phát hiện" - Trung tá Nghi chia sẻ.

    Nổi bật Việt Báo
    Đừng bỏ lỡ
    Cuộc chiến gần nửa thế kỷ với cây thuốc phiện ở Điện Biên
    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO