Covid-19 là đại dịch toàn cầu; Ý đóng cửa tất cả trừ hiệu thuốc, thực phẩm

HL (T/h)| 12/03/2020 07:12

Việt BáoTổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch. Italy đóng cửa tất cả, trừ hiệu thuốc và cửa hàng thực phẩm vì Covid-19; Anh, Pháp, Mỹ đang gia tăng người nhiễm COVID 19.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chính thức tuyên bố Covid-19 là đại dịch

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết dịch Covid-19 đã đạt đến giai đoạn gọi là đại dịch khi có hơn 118.000 trường hợp nhiễm bệnh ở 114 quốc gia và 4.291 người thiệt mạng.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus

“Việc gọi Covid-19 là đại dịch không làm thay đổi đánh giá của WHO về mối đe dọa do virus corona chủng mới gây ra. Nó không thay đổi những gì WHO đang làm và nó không thay đổi những gì các nước nên làm”, người đứng đầu WHO nhấn mạnh.

"Do đó, chúng tôi đã đưa ra đánh giá rằng Covid-19 có thể được gọi là một đại dịch", ông Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố.

“Đại dịch không phải là một từ dễ dàng sử dụng hoặc bất cẩn. Đó là một từ mà nếu sử dụng sai có thể gây ra nỗi sợ hãi vô căn cứ, hoặc chấp nhận phi lý rằng cuộc chiến đấu chống lại dịch bệnh đã kết thúc, dẫn đến những tổn thương và nhiều cái chết không đáng có”, Tổng giám đốc WHO cho hay.

Ông Tedros nói rằng Covid-19 là một cuộc khủng hoảng, ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực, nhưng một số quốc gia "thiếu quyết tâm" trong chống lại dịch bệnh.

Lần cuối cùng đại dịch được ghi nhận trên thế giới là dịch cúm A/H1N1 vào năm 2009.

Italy đóng cửa tất cả, trừ hiệu thuốc và cửa hàng thực phẩm vì Covid-19

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte trong đêm 11/3 tiếp tục ra lệnh đóng cửa toàn bộ cửa hàng, văn phòng, quán ăn, trừ các hiệu thuốc và cửa hàng thực phẩm nhằm ngăn dịch Covid-19 trong bối cảnh Italy  tiếp tục ghi nhận 196 bệnh nhân thiệt mạng và hơn 2.000 ca nhiễm trong ngày 11/03. Quyết định này có hiệu lực trong 14 ngày.

Biện pháp này được đưa ra theo kiến nghị của vùng Lombardy, để hạn chế đến mức tối đa việc nhiều người dân vẫn ra khỏi nhà dù không có việc cấp bách, bất chấp lệnh cấm của chính quyền.

Trước đó, mặc dù phong toả toàn bộ đất nước nhưng chính quyền Italia vẫn cho phép các nhà hàng, quán bar mở cửa đến 18h hàng ngày, khiến nhiều người vẫn ra khỏi nhà. Như tại thủ đô Roma, cảnh sát cho biết trong ngày hôm qua đã phải tạm giữ và phạt ít nhất 161 người vì ra đường mà không hề có lí do khẩn cấp nào.

Việc siết chặt hơn nữa các quy định diễn ra trong bối cảnh Italy vẫn chứng kiến số nạn nhân Covid-19 tăng rất cao sau 2 ngày phong toả toàn bộ lãnh thổ. Trong ngày 11/03, theo số liệu của Cơ quan phòng vệ dân sự Italy, đã có thêm 196 bệnh nhân thiệt mạng và trên 2 ngàn ca nhiễm mới tại Italy.

Đây đều là các con số tăng trong ngày cao nhất từ trước đến nay từ khi dịch bùng nổ ở Italy. Hiện nước này đã có tổng cộng 827 nạn nhân thiệt mạng và 12.462 ca nhiễm virus SARS-CoV2. Italia cũng là nơi có tỷ lệ tử vong do Covid-19 cao nhất trên thế giới, ở mức 6,6%, trong khi tỷ lệ này tại Trung Quốc chỉ ở mức 3-4%.

Pháp lập kỷ lục về số ca nhiễm mới và tử vong vì Covid-19

Theo Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran, Pháp ghi nhận thêm con số kỷ lục 15 ca tử vong có liên quan tới dịch Covid-19 trong ngày 11/3, nâng tổng số người chết từ đầu mùa dịch lên con số 48. Cũng trong vòng 24 giờ qua, Pháp thiết lập kỷ lục mới về số ca nhiễm Sars-CoV-2, với gần 500 trường hợp mới.

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran

"Trên phạm vi toàn quốc, tính đến tối nay, Pháp có 2281 ca được phát hiện thông qua xét nghiệm, nhiều hơn gần 500 ca so với ngày hôm qua. 48 người đã tử vong. 105 người đang được hồi sức cấp cứu. Một số vùng ghi nhận vài trăm ca, một số vùng ghi nhận vài chục ca nhiễm. Virus không lây lan mạnh trên phạm vi toàn quốc, vì vậy tính đến tối nay, Pháp vẫn ở giai đoạn 2 của dịch. Mục tiêu của giai đoạn 2 vẫn sẽ là kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh", ông Olivier Véran nói.

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, dự kiến sẽ có bài phát biểu quan trọng trên sóng truyền hình vào tối ngày 12/3 về diễn biến của dịch. Dịch bệnh ngày càng ảnh hưởng lớn tới đời sống người dân Pháp, ngày càng nhiều các trường học phải đóng cửa để tránh lây lan Sars-CoV-2.

Chính phủ Pháp cũng ban hành lệnh cấm người dân đến thăm các cơ sở dưỡng lão, các cơ sở chăm sóc y tế dài hạn, nơi ở tập trung của những người cao tuổi - đối tượng rất nhạy cảm và dễ bị virus Sars-CoV-2 tấn công. Chỉ những trường hợp thực sự cần thiết và có sự đồng ý của người quản lý các cơ sở này, mới được thực hiện.

Số người chết và dương tính với SARS-CoV-2 tại Mỹ tăng nhanh

Theo Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh (CDC), hiện đã có ít nhất 1.162 người nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm 70 công dân Mỹ hồi hương và 1.092 trường hợp được phát hiện ở 41 bang và thủ đô Washington. Đáng chú ý, bang Washington vừa xác nhận có thêm 4 người thiệt mạng, nâng tổng số người chết tại bang bờ Tây này lên 28 và toàn nước Mỹ là 37 trường hợp.

Thị trưởng Washington DC Muriel Bowser đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp, cũng như tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng do dịch Covid-19 gây ra. Tuyên bố được bà Bowser đưa ra sau khi Cơ quan y tế xác nhận có thêm 6 ca mắc mới và hiện thủ đô Washington đã có tổng cộng 10 trường hợp mắc Covid-19. Bang Arizona cũng đã ban bố tình trạng khẩn cấp sau khi khẳng định có 9 trường hợp mắc Covid-19.

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa yêu cầu các nhân viên đình chỉ toàn bộ các chuyến công tác ra nước ngoài nếu không thực sự cần thiết do lo ngại mắc Covid-19. Bộ Ngoại giao cũng đã thông báo tới tất cả các phái bộ ngoại giao Mỹ trên thế giới, yêu cầu chỉ thực hiện các chuyến công tác quan trọng ở những địa phương mà phái bộ đó đảm trách. Hiện chưa có bất kỳ nhân viên ngoại giao nào mắc Covid-19, song Bộ Ngoại giao Mỹ đang chuẩn bị cho kịch bản đó.

Về phần mình, Tổng thống Donald Trump cho biết, ông đã thực hiện một số quyết định quan trọng trong ngày 11/3 và có một số quyết định quan trọng khác dự kiến công bố trong bài phát biểu trước người dân cả nước vào lúc 7 giờ sáng nay (theo giờ Hà Nội). Nhiều nghị sỹ đảng Dân chủ đang thúc giục Tổng thống Đô-nan Trăm ban bố tình trạng khẩn cấp liên bang để có thể ứng phó hiệu quả hơn với Covid-19.

Thêm 2 quan chức Chính phủ Anh nghi nhiễm SARS-CoV-2

Truyền thông Anh không nêu tên nhưng cho biết, người mới nhất đang bị cách ly với nguy cơ cao đã nhiễm virus SARS-CoV2 là một thành viên trong Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson.

Thứ trưởng Y tế Anh Nadine Dorries đã được xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV2

Trước đó một ngày, Thứ trưởng Y tế Anh Nadine Dorries đã được xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV2 và một người đồng cấp với bà này trong Bộ Y tế Anh là Ed Argar cũng đang bị cách ly để chờ kết quả xét nghiệm.

Các thông tin này đang làm gia tăng các lo ngại tại Anh về việc dịch Covid-19 có thể lây lan ngoài tầm kiểm soát. Trong ngày 11/3, nước Anh ghi nhận số ca nhiễm trong ngày cao nhất từ hai tháng qua, với 87 ca nhiễm mới. Hiện nước này đã có 460 ca nhiễm và 10 nạn nhân tử vong, bao gồm cả các công dân Anh nhiễm bệnh và tử vong bên ngoài lãnh thổ nước này.

Một trong các bức xúc lớn nhất hiện nay của người dân Anh là việc xét nghiệm virus gặp quá nhiều khó khăn. Hiện tại nước Anh chỉ thực hiện 1 ngàn xét nghiệm mỗi ngày, chỉ bằng khoảng 1/3-1/5 so các nước châu Âu khác. Bộ trưởng Y tế Anh cam kết, sẽ nâng mức xét nghiệm lên 10 ngàn ca/ngày trong những ngày tới.

Trong tối 11/3, Văn phòng Thủ tướng Anh cũng ra thông báo cho biết, Thủ tướng Anh Boris Johnson sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn cấp trong ngày 12/3 để đưa ra các biện pháp mới nhằm ngăn dịch.

Dự tính trong cuộc họp này ông Johnson sẽ chính thức công bố việc nước Anh bước sang giai đoạn dịch mới, từ chỗ “ngăn chặn” sang giai đoạn “trì hoãn”, kèm theo đó là các biện pháp như hạn chế tụ tập đông người hoặc khuyến cáo người dân ở lại trong nhà.

Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak cũng đang đề nghị nước Anh chi thêm 30 tỷ bảng Anh đầu tư công để hỗ trợ các ngành kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Nổi bật Việt Báo
Đừng bỏ lỡ
Covid-19 là đại dịch toàn cầu; Ý đóng cửa tất cả trừ hiệu thuốc, thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO